Bốn bị can bị đề nghị truy tố về tội “vi phạm các quyết định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” gồm: Bà Lê Thị Thanh Tuyền - nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP.HCM, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Củ Chi; bà Nguyễn Thị Loan (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi); ông Phan Văn Duyệt (Phó giám đốc Công ty Đông Phương) và ông Phan Văn Bình Tâm (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Tâm Phú Tài, là em ruột của ông Duyệt). Trong đó, sai phạm của bà Tuyền được xác định trong giai đoạn giữ chức vụ Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Củ Chi.
|
Bà Lê Thị Thanh Tuyền - nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP.HCM, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Củ Chi |
Cơ quan điều tra xác định rõ hành vi của các bị can trong việc chỉ định thầu, nâng khống khối lượng công trình, nghiệm thu, quyết toán khi cải tạo, sửa chữa các trường học trên địa bàn huyện Củ Chi. Hành vi của những người này được làm rõ là tinh vi khi chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, không phải đấu thầu theo quy định. Hành vi của các bị can đã gây thất thoát cho Nhà nước 17,7 tỷ đồng.
Qua sư việc này, dư luận cũng đặt câu hỏi, nguyên Chánh thanh tra Sở Tài chính TP.HCM gây thất thoát 17 tỷ bị đề nghị truy tố sẽ đối diện mức án nào?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV, luật sư Đỗ Thành Hưng, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo thông tin được biết thì nguyên Chánh thanh tra Sở Tài chính TP.HCM cùng một số đối tượng khác bị tố về hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Giá trị tài sản gây thất thoát, lãng phí hiện đang được xác định là 17,7 tỷ đồng.
"Đối với hậu quả 17,7 tỷ đồng nêu trên là một hậu quả có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, số tiền gây thất thoát lớn, ảnh hưởng lớn đến danh dự, uy tín của chính quyền. Hành vi này có thể phải chịu TNHS về tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo quy định tại Khoản 3 Điều 219 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017" - luật sư Hưng nói.
Theo luật sư Hưng, vụ án nêu trên đã truy tố nhiều bị can, có dấu hiệu đồng phạm. Tùy vào tính chất, mức độ hành vi của từng bị can và các tình tiết khác trong vụ án thì hình phạt với các bị can sẽ được Tòa án tuyên cụ thể. Trách nhiệm về bồi thường số tiền thất thoát nêu trên vẫn được xác định. Các bị can vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành vi của mình nếu có bản án có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền.
Khoản 3 Điều 219 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017:
“1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
>>>> Xem thêm video: Khởi tố, bắt nguyên Chánh thanh tra Sở Tài chính TP.HCM
Nguồn: Truyền Hình Pháp Luật Việt Nam.