Ban đầu để chỉ những quán cơm vỉa hè phục vụ dân lao động tay chân, giá cả rất mềm và dĩ nhiên thức ăn cũng rất đơn giản và khiêm tốn, miễn nuốt trôi cơm. Nhất là có nhiều cơm ăn no bụng để có sức lao động…
Hiện nay “cơm bụi” là nói chung những quán cơm bình dân, giá rẻ, cơm nhiều ăn no bụng, phục vụ đối tượng có thu nhập thấp như công nhân, viên chức nhỏ, tiểu thương, sinh viên, học sinh nghèo…
Đáp ứng nhu cầu của người nghèo
Tại các thành phố lớn, lượng công nhân nhập cư lao động tay chân đông đảo, họ có thu nhập thấp nên chỉ có thể ghé quán cơm bụi ăn qua bữa trưa, rồi ngả lưng đâu đó nghỉ ngơi một lát để đầu giờ chiều tiếp tục lao động…
Trừ vài con đường sang trọng ở trung tâm, hiện nay các quán cơm bụi hầu như có mặt ở khắp nơi trong TP, từ nội thành đến các khu đô thị ở các quận mới vùng ven, những nơi có nhiều công trình xây dựng, chợ chồm hổm.
Quán cơm bụi bây giờ không còn ở vỉa hè nữa do chính quyền cấm lấn chiếm lề đường để buôn bán, mà đã lui vào trong các con hẻm hay các căn nhà bình dân giá thuê thấp mới có thể bán cơm giá rẻ.
Mặc dù gần đây giá cả lương thực, rau quả đều tăng nhưng nhiều quán cơm bụi vẫn không tăng giá. Chỉ có điều nếu để ý sẽ thấy tuy dĩa cơm vẫn đầy nhưng thức ăn giảm đi. Ở quán cơm bụi gần Công viên Phú Nhuận, con hẻm nhỏ ăn thông ra đường Phan Đăng Lưu, hiện nay vẫn bán 15.000 đồng/dĩa cơm đầy đặn với thức ăn đơn giản nhưng nấu khá ngon.
Chén cơm thêm 2.000 đồng, thêm ly trà đá miễn phí là đủ “no cành hông” - như lời một anh công nhân xây dựng vừa ăn xong vội đứng lên nhường ghế cho một ông đang đứng đợi. Buổi trưa thực khách đông nghẹt, cả nhà chủ quán bốn, năm người cùng chạy bàn mà không kịp.
|
Tuy gọi là cơm bụi nhưng bán cũng rất sạch sẽ.
|
Mấy quán cơm bụi ở khu vực chợ kim khí điện máy cũ đường Nhật Tảo, đường Vĩnh Viễn (quận 10) bán 20.000 đồng/dĩa cơm nhưng khá tươm tất. Thực khách ở đây hầu hết là các tiểu thương kinh doanh điện máy cũ.
Tôi đi loanh quanh mua mấy cái loa cũ cho thằng con tập làm thí nghiệm, quá bữa tôi cũng tấp vào ăn một dĩa. Thức ăn khá ngon, cơm nấu gạo kha khá, không đến nỗi như nhiều quán cơm bụi nấu gạo xấu, có khi ăn còn ngửi thấy mùi mốc!
Bà chủ người gốc Trà Vinh cho biết bà bán ở đây cũng hơn 20 năm, bà con quen mặt cả, nên tuy gọi là cơm bụi nhưng bà nấu bán cũng phải sạch sẽ, làm gì có bụi mà họ gọi là cơm bụi!
Tôi đỡ lời, ban đầu chỉ là cách nói vui của những người “cơm hàng cháo chợ” gọi các quán cơm bình dân bán ở vỉa hè trước đây. Bây giờ tuy đã vào bán trong nhà nhưng người ta đã quen gọi là cơm bụi rồi. Gọi là bụi nhưng sạch sẽ thì ngại gì!
Những tấm lòng cơm bụi
Hôm rồi ngồi ăn ở quán cơm bụi gần chợ Tân Bình, tôi được nghe một ông già nhắc đến cụm từ “dân nghèo thành thị” mà tôi đã quen đọc trong lý lịch cá nhân từ hồi sau năm 1975.
Đã gần 2 giờ chiều nên quán thưa khách, ông già chắc cũng trên dưới 70 tuổi vừa ăn vừa hỏi tôi: “Chỉ những dân nghèo thành thị mới ăn cơm bụi chứ giàu có khá giả ai lại chui vào mấy cái quán bình dân lụp xụp bụi đời này, hả ông? Tui một mình chợ búa nấu nướng phiền hà tốn kém, ra đây ăn dĩa cơm mười mấy ngàn cho khỏe”.
Tôi gật gù ra vẻ tán đồng ý kiến ông, rồi thêm: Cũng nhờ các quán cơm gọi là cơm bụi này mà nhiều người lao động nghèo, buôn gánh bán bưng, sinh viên nghèo - những người cơ nhỡ nhẹ túi mới có cái bỏ đầy bụng chứ!”.
Quanh khu vực các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chấn thương-Chỉnh hình… hàng dãy quán cơm bụi phục vụ thân nhân nuôi bệnh. Giờ trưa, nườm nượp thực khách mặt mày bơ phờ tranh thủ ăn dĩa cơm bụi để cầm cự những ngày nuôi thân nhân nằm bệnh viện.
Đặc biệt, trước khu Bệnh viện Nhân dân Gia Định và con hẻm bên cạnh Bệnh viện Ung bướu đường Nơ Trang Long là những quán cơm bụi cực kỳ bình dân, gần như dành để phục vụ những thân nhân nuôi bệnh nghèo khó, cơ cực do thân nhân bệnh ung thư nằm bệnh thường xuyên rất khốn khó.
Tôi đã gặp mấy người bán cơm ở đây rất tình cảm, sẵn sàng cho thêm cơm, thêm chút nước canh, nước kho… cho mấy người nghèo xác xơ. Một bà bán cơm ở con hẻm bên hông Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa xới cơm cháy, múc nước canh rau cho một cô gái nghèo áo quần rách rưới, nhếch nhác.
Bà nói: “Tội nghiệp, nhà nghèo ở tận Bình Long, Phước Long gì đó lên TP nuôi mẹ bị ung thư cả mấy tháng nay đâu còn tiền bạc gì. Trưa xế cô ấy ra đây, còn gì thừa tôi múc cho để chiều hai mẹ con ăn”.
Ôi tấm lòng nhân hậu đáng quý của người bán cơm bụi!