9 bộ hài cốt ở Tây Ninh: Sự thật về buôn bán xương người?

Google News

(Kiến Thức) - Khoảng 5 - 6 năm trước, ông Đinh Văn Xưởng có nói với bà về việc có người cần mua bộ hài cốt với giá 100 triệu đồng nên ông Xưởng tìm mua tại Đắk Lắk mang về nhà nhưng không bán được.

Vụ việc phát hiện 9 bộ hài cốt ở Tây Ninh đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận những ngày qua.
Sáng 9/1. anh Đinh Văn Phong (39 tuổi) trú tại tổ 2, ấp Phước Tây, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) phát hiện 2 sọ người dưới ao nuôi ba ba bỏ hoang. Sau đó, cơ quan công an tiếp tục phát hiện 7 sọ và xương người tại nhà bà Cao Thị Cẩm Vân (63 tuổi).
Lời khai của bà Vân cho thấy, người liên quan trực tiếp đến 9 bộ hài cốt trên là ông Đinh Văn Xưởng chồng bà và đã mất gần 1 năm trước. Cụ thể, khoảng 5 - 6 năm trước, ông Xưởng có nói với bà về việc có người cần mua bộ hài cốt với giá 100 triệu đồng nên ông Xưởng tìm mua tại Đắk Lắk mang về nhà nhưng không bán được.
Mới đây, cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh) đã quyết định không khởi tố vụ án do vụ việc phát hiện 9 hài cốt trên chưa có dấu hiệu hình sự. Trong khi đó người liên quan trực tiếp là ông Xưởng hiện đã mất.
9 bo hai cot o Tay Ninh: Su that ve buon ban xuong nguoi?
 Số hài cốt được phát hiện trong lô cao su tại Tây Ninh. Ảnh: TTXVN.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ việc này cơ quan điều tra sẽ làm rõ số hài cốt trên từ đâu mà có, đây là hài cốt của ai, chết từ khi nào, do nguyên nhân nào có phải là một vụ án mạng hay không, có việc đào bới mô mà để đánh cắp hài cốt hay không?
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy những bộ xương này là của nạn nhân trong những vụ giết người, cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án để điều tra về hành vi giết người, truy tìm hung thủ để xử lý theo quy định pháp luật về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự.
Trường hợp không có căn cứ cho thấy những bộ xương này là của nạn nhân bị giết, nhưng có căn cứ cho thấy có đối tượng đã đào mồ mà phải đánh cắp bộ xương của người khác thì có thể xử lý đối tượng đào mồ mả, đánh cắp bộ xương này về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo quy định tại điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tội danh và hình phạt được quy định tại điều 319, Bộ Luật hình sự về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Theo đó, người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; c) Vì động cơ đê hèn; d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.
9 bo hai cot o Tay Ninh: Su that ve buon ban xuong nguoi?-Hinh-2
Hiện trường phát hiện hai bộ hài cốt dưới ao baba bỏ hoang. Ảnh: Tây Ninh Online.
Đối với hành vi mua bán xương người, luật sư Cường cho rằng, pháp luật chưa có chế tài cụ thể nên hành vi mua bán xương người (nếu có) thì cũng không có cơ sở để xử lý đối với hành vi này.
“Còn một tình tiết nữa trong vụ việc này là người đàn ông quản lý những bộ xương này làm nghề bốc mộ và tìm mộ nên cũng có thể người này dùng những bộ xương này để đánh tráo trong quá trình tìm bộ, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không thông qua thủ tục tìm mộ, tráo xương người để giải quyết triệt để vụ việc”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định trong trường hợp người phạm tội duy nhất đã chết, không có đồng phạm khác, không có người khác phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án.
Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ toàn bộ diễn biến sự việc, làm rõ có hành vi giết người hay không, có hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt hay không, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không... Nếu có hành vi phạm tội về một câu trong các tội danh nêu trên thì ai là người thực hiện hành vi.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có hành vi phạm tội thì sẽ khởi tố vụ án để tiến hành điều tra.
Nếu kết quả điều tra xác định bị can duy nhất là ông Đinh Văn Xưởng đã chết, không còn đồng phạm khác, không có người khác phạm tội thì sẽ đình chỉ vụ án, nếu chưa khởi tố thì sẽ không khởi tố vụ án.
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc này nếu xác định được những bộ xương kia là của ai, nhân thân như thế nào thì việc cơ quan điều tra không khởi tố vụ án, đại diện gia đình bị hại có quyền khiếu nại về quyết định này để làm rõ yếu tố đồng phạm (nếu có) hoặc làm rõ có người khác phạm tội hay không.
Nếu cơ quan điều tra không xác định được bộ xương đó là của ai thì trách nhiệm giám sát duy nhất thuộc về viện kiểm sát. Nếu viện kiểm sát đồng ý với kết quả xác minh tin báo của cơ quan điều tra, không có ai thiếu kiện gì thì vụ việc này coi như kết thúc ở đây.
>>> Mời độc giả xem video Phát hiện 9 bộ hài cốt tại Tây Ninh:

Nguồn: Truyền hình Nhân dân.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)