6 tháng đầu năm, phát hiện 456 vụ phạm tội về tham nhũng

Google News

6 tháng đầu năm 2023, toàn lực lượng Cảnh sát kinh tế phát hiện 456 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ và 2.502 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế.

Ngày 29/6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCA ngày 1/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác nghiệp vụ cơ bản.
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2023, toàn lực lượng Cảnh sát kinh tế phát hiện 456 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ và 2.502 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế.
Điểm nổi bật là lực lượng Cảnh sát kinh tế đã nhận diện đúng và trúng các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực nhạy cảm gây bức xúc dự luận trong thời gian dài...
6 thang dau nam, phat hien 456 vu pham toi ve tham nhung
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 
Từ công tác điều tra mở rộng các vụ án đã nhận diện và khởi tố người đứng đầu, người tham gia chịu trách nhiệm chính trong hoạt động thanh tra của Cơ quan nhà nước có sai phạm trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhất là thanh tra chuyên ngành; câu kết, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ để che giấu, bỏ qua lỗi vi phạm, điều chỉnh, sửa đổi kết quả thanh tra, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Công tác xử lý tội phạm ngày càng nghiêm minh theo đúng yêu cầu của Bộ (6 tháng đầu năm, tổng án khởi tố mới 2.728 vụ, 4.204 bị can, riêng án tham nhũng khởi tố mới 395 vụ/1.150 bị can (tăng 146,9% số vụ và 202,6% số bị can so với cùng kỳ 2022; trong đó 454 bị can là cán bộ Đảng viên; thể hiện quyết tâm xử lý triệt để theo phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Quá trình điều tra làm rõ bản chất vụ án, bóc gỡ cả tổ chức, đường dây; bắt giữ, phân hóa được đối tượng cầm đầu, chủ mưu với đối tượng giữ vai trò thứ yếu, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo yêu cầu của Ban Chỉ đạo và yêu cầu chính trị, pháp luật, không gây ảnh hưởng hoạt động bình thường của doanh nghiệp, ổn định chính trị ở địa phương (6 tháng đầu năm, toàn lực lượng Cảnh sát kinh tế thụ lý 36 vụ/424 bị can thuộc diện Ban Chỉ đạo các cấp theo dõi, chỉ đạo); công tác thu hồi tài sản, nhất là trong vụ án tham nhũng ngày càng triệt để hơn.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an ghi nhận và biểu dương những kết quả và thành tích đã đạt được trong thời gian qua của toàn lực lượng Cảnh sát kinh tế.
“Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã chủ động nhận diện, phát hiện và đấu tranh trực diện với tội phạm, không để lệ thuộc vào nguồn tin báo, đơn thư tố giác; công tác điều tra đã được nâng cao hiệu quả rõ nét; công tác tham mưu đã có những kiến nghị kịp thời. Điều này cho thấy lực lượng Cảnh sát kinh tế đã chủ động thay đổi tư duy và áp dụng linh hoạt phương pháp nghiệp vụ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định.
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long lưu ý về diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát kinh tế phải tập trung quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Bộ trưởng Công an đã kết luận tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ (ngày 26/8/2023 tại Đà Nẵng); tiếp tục quán triệt nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của công tác nghiệp vụ cơ bản, lấy phương châm hành động “Lấy phòng ngừa là chiến lược, cơ bản và lâu dài”.
Nhằm góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đề nghị lực lượng Cảnh sát kinh tế các cấp cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ hợp lý; thường xuyên quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ tiếp tục nâng cao năng lực nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và bản lĩnh chính trị vững vàng.
Tiếp tục bám sát tình hình kinh tế - xã hội để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; đồng thời, phát huy hơn nữa việc chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ kiến nghị đề xuất với Chính phủ và các ngành khắc phục những sơ hở, thiếu sót; đẩy nhanh tiến độ các chuyên án, vụ án đang điều tra, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng

Nguồn: VTV24


Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)