55 TS dùng bằng tiếng Anh giả của ĐH Đông Đô: Công khai danh tính “tiến sĩ” rởm?

Google News

(Kiến Thức) - Kết luận điều tra cho thấy, 55 trường hợp sử dụng bằng Tiến Anh giả của trường Đại học Đông Đô để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ…Dư luận đặt câu hỏi, xử lý những người này thế nào?

Ngày 23/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố các bị can là cán bộ Trường Đại học Đông Đô về hành vi "Giả mạo trong công tác". Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.
Theo kết luận điều tra, Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, lợi dụng sơ hở, thiếu sót của Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2, bị can Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô, hiện đang bỏ trốn) và đồng phạm đã tuyển sinh và cấp bằng cho hàng trăm trường hợp mà không cần phải học.
55 TS dung bang tieng Anh gia cua DH Dong Do: Cong khai danh tinh “tien si” rom?
 Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: NLĐ
Đáng chú ý, Cơ quan ANĐT xác định, Trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng, có 60 người đã sử dụng bằng. Trong đó, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...
Việc hơn 50 trường hợp mua bằng giả phục vụ cho việc xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ khiến dư luận bất ngờ và bức xúc. Hành vi này không chỉ khiến dư luận đặt nghi vấn về thực tài của những người đang làm luận án tiến sĩ, chất lượng những công trình nghiên cứu khoa học của họ mà còn là thái độ của người dân đối với học vị này.
Bởi hành vi mua bằng ngôn ngữ Tiếng Anh giả cho việc xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ là hành vi gian dối để vượt qua tiêu chuẩn quan trọng trong việc làm nghiên cứu sinh là hành vi khó có thể chấp nhận. Không ai có thể chấp nhận một người có bằng tiến sĩ, một nhà khoa học nhưng đến tiêu chuẩn về ngôn ngữ cũng không đủ trình đủ, phải đi mua bằng giả. Hơn nữa, việc mua bằng giả để gian dối cho thấy họ không có đạo đức của người làm nghiên cứu khoa học, không đủ tư cách, không xứng đáng với học vị tiến sĩ.
Nếu vụ việc trên không được phát hiện xử lý kịp thời, hàng chục trường hợp sẽ được công nhận học vị tiến sĩ trong khi không đủ thực tài, tư cách và đạo đức như vậy. Đó là mối nguy hại cho đất nước khi những người không có thực tài, bằng thủ đoạn gian dối trở thành tiến sĩ sau đó tiến thân, leo cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thậm chí bước chân vào quan trường.
Với hành vi gian dối này, những "tiến sĩ giấy rởm" đã làm ảnh hưởng đến những nhà khoa học, những tiến sĩ thực tài trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Thời gian qua, với việc cơ chế đào tạo tiến sĩ được mở rộng ở các trường đại học, học viên, số lượng học vị tiến sĩ được tăng lên nhanh chóng. Trong đội ngũ ấy có nhiều người có thực tài, tâm huyết trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, nhiều đề tài nghiên cứu của họ đã mang lại hiệu quả thiết thực với thực tiễn cuộc sống, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cũng có không ít người vì danh vọng, chức tước, trục lợi cá nhân mà sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn gian dối để trở thành tiến sĩ, không có năng lực, không tài đức để tiến thân và hơn 50 trường hợp mua bằng Ngoại ngữ Tiếng Anh giả của Trường Đại học Đông Đô là một ví dụ điển hình.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, hành vi của những "tiến sĩ" rởm được cấp bằng giả trong vụ việc của đại học Đông Đô, về mặt pháp lý, bằng cấp mà những người này nhận được không có giá trị. Vì vậy, họ không phải là cử nhân hệ văn bằng 2 theo quy định của pháp luật. Những cá nhân được cấp văn bằng 2 nhưng không qua tuyển sinh, đào tạo này đang cầm bằng giả và có người đang sử dụng tấm bằng này. Việc biết rõ bản thân không tham gia tuyển sinh, không được đào tạo, mua bằng cấp, sử dụng bằng cấp giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Luật sư Tùng cho rằng, căn cứ khoản 3, khoản 5 điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Trường hợp không chỉ sử dụng đơn thuần bằng giả nêu trên, những người có bằng giả lại dùng bằng giả đó để thực hiện những hành vi trái pháp luật thì có thể phải chịu TNHS về Tội sử dụng giấy tờ giả (quy định tại Điều 341 BLHS). Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Thực tế theo các quy định của pháp luật, những người đã sử dụng bằng giả để làm nghiên cứu sinh hay điều kiện để cấp bằng tiến sĩ thì người đó không đủ điều kiện đầu vào hoặc không đủ điều kiện để nhận bằng tiến sĩ.
Ngay trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ vi phạm theo quy định đối với 58 người đã sử dụng bằng. Đối với các trường hợp chưa sử dụng bằng, cơ quan công an đề nghị Bộ GD&ĐT có quyết định huỷ bỏ, thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 do Trường Đại học Đông Đô cấp không có giá trị.
Tuy nhiên, dư luận đề nghị, cùng với việc xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự vì tội mua bán bằng giả, cơ quan chức năng cần công khai danh tính 55 cán bộ đã mua bằng giả để phục vụ cho việc làm luận án tiến sĩ này, Cụ thể, họ đang công tác ở đơn vị nào, đảm nhiệm vị trí gì. Bêu danh những người mua bằng giả mới có thể có sức nặng để răn đe những đối tượng khác, triệt tiêu vấn nạn loạn tiến sĩ rởm như thời gian qua.
Đề cập trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT liên quan vụ án, cơ quan điều tra xác định trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2. Song từ năm 2015, trường đã được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin điện tử của bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2.
Bộ Công an đánh giá một số cá nhân công tác tại Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ Giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT liên quan việc đăng tải đề án nói trên có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật. Cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan ANĐT cũng tách phần hồ sơ vụ án liên quan đến dấu hiệu sai phạm của đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT trong việc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của Trường Đại học Đông đô để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Trường Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 khi chưa được cấp phép

Nguồn: Truyền hình Cần Thơ.


Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)