5 cơ sở y tế ở Bình Dương không nhận cấp cứu: KQĐT thấy gì?

Google News

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của các cơ sở y tế trên và các y, bác sĩ đã vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Riêng Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng và Bệnh viện Quân y 4 có dấu hiệu của tội phạm "không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".

Thông tin mới nhất vụ 5 cơ sở y tế tại Bình Dương không nhận cấp cứu, sau đó bệnh nhân tử vong, tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Bình Dương, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã xác định được vi phạm của các cơ sở y tế từ chối cấp cứu dẫn đến một nạn nhân tử vong.
Cụ thể, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương xác định, Trung tâm y tế TP Dĩ An (Bình Dương) chưa thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của Sở Y tế về việc tiếp nhận, thu dung khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong tình hình dịch COVID-19.
5 co so y te o Binh Duong khong nhan cap cuu: KQDT thay gi?
 5 cơ sở y tế ở Bình Dương từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân tử vong. Ảnh: Phụ nữ VN 
Các Phòng khám Đa khoa Nam Anh, Phúc Tâm 2 và Bệnh viện An Phú không thực hiện nghiêm túc việc trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin và tổ chức hướng dẫn cấp cứu, thăm khám điều trị các bệnh nhân là chưa đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng đã tiếp nhận ca bệnh nhưng cho rằng vượt quá phạm vi chuyên môn nên đã yêu cầu người nhà chuyển bệnh nhân đến tuyến trên nhưng không lập hồ sơ bệnh án, không thực hiện giấy chuyển viện, chuyển tuyến và không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng. Lý giải về việc này, phòng khám cho biết do xe cấp cứu đã được trưng dụng cho hoạt động phòng chống dịch COVID-19.
Bệnh viện Quân y 4, sau khi tiếp nhận ca bệnh cấp cứu đã không tổ chức cấp cứu, không lập hồ sơ bệnh án, không có giấy chuyển viện, chuyển tuyến theo quy định mà yêu cầu người nhà tự chuyển bệnh nhân, không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng là vi phạm quy định.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của các cơ sở y tế trên và các y, bác sĩ đã vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh, quy chế tổ chức bệnh viện ban hành kèm theo quyết định của Bộ Y tế. Xét thấy cần phải được làm rõ, xử lý nghiêm khắc. Riêng Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng và Bệnh viện Quân y 4 có dấu hiệu của tội phạm "không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" được quy định tại điều 132 Bộ luật Hình sự, cần tập trung điều tra, xử lý vì gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh Bình Dương đang phối hợp cơ quan chức năng xem xét, xử lý Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc. Riêng Bệnh viện Quân y 4 là cơ sở y tế của Quân đội nên Công an tỉnh Bình Dương sẽ chuyển hồ sơ để Cơ quan điều tra Quân sự tiếp tục điều tra, xử lý.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ việc rất đau xót và có thể vi phạm pháp luật của cơ sở khám chữa bệnh khi từ chối tiếp nhận bệnh nhân. Do đó, cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc là cần thiết.
Trong số 14 nội dung được liệt kê bị cấm trong hoạt động khám chữa bệnh quy định tại Điều 6 của Luật khám chữa bệnh, hành vi bị cấm đầu tiên là: “Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh”.
Cơ quan chức năng cần làm rõ điều kiện đăng ký hoạt động, khả năng chuyên môn, nhân lực của các cơ sở khám chưa bệnh này tại thời điểm đó như thế nào. Trong trường hợp có đủ khả năng khám chữa bệnh nhưng lại từ chối khám chữa bệnh dẫn đến nạn nhân tử vong, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh.
Luật khám chữa bệnh quy định trách nhiệm của các cơ sở khám, chữa bệnh được thực hiện theo quyết định thành lập giấy phép hoạt động và hoạt động theo quy định của luật khám chữa bệnh, thực hiện nhiệm vụ khám bệnh và chữa bệnh cho người bệnh mà không phân biệt giàu, nghèo, địa vị xã hội... Đồng thời luật này cũng quy định quyền của người bệnh là: Được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh. Được điều trị bằng phương pháp an toàn, hợp lý và có hiệu quả theo các quy định chuyên môn kỹ thuật.
Trong vụ việc này, người bệnh là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phải đi thuê trọ và đã bị 5 cơ sở khám chữa bệnh từ chối điều trị và tử vong sau đó. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ lý do để từ chối điều trị, cứu chữa có phải là do nạn nhân không có tiền hay là do cơ sở y tế quá tải.
Thực tế, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Bình Dương, nhiều cơ sở y tế gặp khó khăn, bị quá tải do số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao những ngày qua. Tuy nhiên, các bệnh viện đều có phương án, kế hoạch cấp cứu người bệnh, đặc biệt là những người bệnh nặng, có nguy cơ tử vong cao.
Trường hợp người bệnh diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong mà không được nhập viện cấp cứu, cơ sở khám chữa bệnh từ chối cấp cứu với lý do không đủ năng lực hoặc quá tải cần phải xem xét lý do này có đúng hay không. Nếu quá tải phải chờ đợi chứ không thể từ chối cấp cứu nạn nhân. Trường hợp có sai phạm, vi phạm, cán bộ, nhân viên y tế, người đứng đầu các cơ sở y tế có thể phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Nếu cơ sở khám chữa bệnh vẫn đủ điều kiện để cứu chữa cho bệnh nhân nhưng đã từ chối cứu chữa, người từ chối cứu chữa cho bệnh nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo điều 315 BLHS năm 2015 với mức chế tài phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm về Tội "không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" được quy định tại điều 132 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Khoảng 20h ngày 13/8, ông Ngô Dương (SN 1964, quê Trà Vinh; tạm trú phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương) bị nôn ói, gia đình gọi xe cấp cứu không được nên nhờ người quen lấy xe tải chở đến nhiều cơ sở y tế cấp cứu nhưng không nơi nào tiếp nhận. Đến 4h ngày 14/8 ông Dương đã tử vong tại phòng trọ.

>>> Mời độc giả xem thêm video Hỗ trợ cấp bách xây bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)