Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về thông tin bệnh nhân không được 5 cơ sở y tế ở Bình Dương cấp cứu dẫn đến tử vong, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Bộ Y tế đã có văn bản quy định rõ ràng, trừ khi cơ sở y tế được phép chỉ điều trị bệnh nhân COVID-19 khi đó mới không tiếp nhận bệnh nhân khác và phải thông báo chi người dân biết.
Cần xem xét trách nhiệm Giám đốc bệnh viện
“Các cơ sở y tế, bệnh viện vẫn khám chữa bệnh thông thường do lo sợ lây lan dịch bệnh COVID-19 mà không tiếp nhận điều trị bệnh nhân khác thì đó là hành động quá đáng, chưa thực hiện đúng với quy định của Bộ Y tế, trái với đạo đức nghề nghiệp “lương y như từ mẫu” - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến và cho rằng, người dân bị bệnh mới đến cơ sở y tế, bệnh viện. Việc từ chối tiếp nhận khám, điều trị, bệnh nhân biết đi đâu. Người dân không còn cách nào khác mới đến nhờ bệnh viện, bác sĩ chữa trị. Phải hiểu sự xót xa, bệnh tật của người dân như người thân của mình.
|
Hình ảnh người thân lo đám tang cho ông Dương. Ảnh: NLĐ
|
Theo đại biểu Hòa, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng cần phải ngay lập tức có biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên. Những cơ sở y tế nào được cho phép chỉ điều trị bệnh nhân COVID-19, không khám chữa bệnh khác cần thông báo cụ thể để người dân biết. Những cơ sở y tế được khám điều trị cho bệnh nhân bình thường mà từ chối thì đó hành xử không đúng quy định cần phải chấn chỉnh.
“Phải tìm hiểu nguyên nhân lý do vì sao các cơ sở y tế từ chối bệnh nhân. Nếu là cơ sở y tế công lập cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện, xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Hiện nay, người dân rất bức xúc, buồn phiền, bí bách do ảnh hưởng của dịch bệnh phải giãn cách, không được đi đâu, khi người ta phát sinh bệnh mà đến cơ sở y tế từ chối tiếp nhận thì rõ ràng là thiếu trách nhiệm”- đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Có thể vi phạm pháp luật hình sự
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ việc rất đau xót và có thể vi phạm pháp luật của cơ sở khám chữa bệnh khi từ chối tiếp nhận bệnh nhân. Do đó, cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc là cần thiết.
Trong số 14 nội dung được liệt kê bị cấm trong hoạt động khám chữa bệnh quy định tại Điều 6 của Luật khám chữa bệnh, hành vi bị cấm đầu tiên là: “Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh”.
Cơ quan chức năng cần làm rõ điều kiện đăng ký hoạt động, khả năng chuyên môn, nhân lực của các cơ sở khám chưa bệnh này tại thời điểm đó như thế nào. Trong trường hợp có đủ khả năng khám chữa bệnh nhưng lại từ chối khám chữa bệnh dẫn đến nạn nhân tử vong, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người hoặc tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh.
Luật khám chữa bệnh quy định trách nhiệm của các cơ sở khám, chữa bệnh được thực hiện theo quyết định thành lập giấy phép hoạt động và hoạt động theo quy định của luật khám chữa bệnh, thực hiện nhiệm vụ khám bệnh và chữa bệnh cho người bệnh mà không phân biệt giàu, nghèo, địa vị xã hội... Đồng thời luật này cũng quy định quyền của người bệnh là: Được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh. Được điều trị bằng phương pháp an toàn, hợp lý và có hiệu quả theo các quy định chuyên môn kỹ thuật.
Trong vụ việc này, người bệnh là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phải đi thuê trọ và đã bị 5 cơ sở khám chữa bệnh từ chối điều trị và tử vong sau đó. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ lý do để từ chối điều trị, cứu chữa có phải là do nạn nhân không có tiền hay là do cơ sở y tế quá tải.
Thực tế, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Bình Dương, nhiều cơ sở y tế gặp khó khăn, bị quá tải do số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao những ngày qua. Tuy nhiên, các bệnh viện đều có phương án, kế hoạch cấp cứu người bệnh, đặc biệt là những người bệnh nặng, có nguy cơ tử vong cao.
Trường hợp người bệnh diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong mà không được nhập viện cấp cứu, cơ sở khám chữa bệnh từ chối cấp cứu với lý do không đủ năng lực hoặc quá tải cần phải xem xét lý do này có đúng hay không. Nếu quá tải phải chờ đợi chứ không thể từ chối cấp cứu nạn nhân. Trường hợp có sai phạm, vi phạm, cán bộ, nhân viên y tế, người đứng đầu các cơ sở y tế có thể phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Nếu cơ sở khám chữa bệnh vẫn đủ điều kiện để cứu chữa cho bệnh nhân nhưng đã từ chối cứu chữa, người từ chối cứu chữa cho bệnh nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo điều 315 BLHS năm 2015 với mức chế tài phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Các cơ sở y tế không được từ chối trường hợp cấp cứu khẩn cấp
Liên quan đến vụ việc ông Ngô Dương (57 tuổi, quê Trà Vinh, tạm trú TP Dĩ An, Bình Dương) - bệnh nhân vừa qua đời do đột quỵ nhưng chở đến các bệnh viện cấp cứu không được tiếp nhận, tại cuộc họp chiều 15/8 do UBND TP Dĩ An tổ chức, các cơ sở y tế đã báo cáo cụ thể và rút kinh nghiệm sâu sắc cho trường hợp đáng tiếc này.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An khẳng định, sự việc xảy ra là đáng tiếc, ngành y tế TP Dĩ An rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác khám chữa bệnh, cấp cứu khẩn cấp. UBND thành phố đã yêu cầu các cơ sở y tế liên quan nhận khuyến điểm, thiếu sót, các cơ sở tư nhân đã hứa chấn chỉnh.
Đồng thời, yêu cầu các cơ sở y tế không được từ chối bất cứ lý do gì đối với các trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Các cơ sở y tế phải có trách nhiệm nhận bệnh nhân cấp cứu 24/24 giờ về bất kể trường hợp gì được liên hệ. Nếu để xảy ra tình trạng xấu như trên, các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm khắc.
Trước đó, báo chí phản ánh, ông Ngô Dương (SN 1964) bị nôn ói nên gia đình gọi xe cấp cứu để đến bệnh viện nhưng không được. Chủ nhà trọ đã hỗ trợ bằng xe tải chở ông Dương đến Trung tâm Y tế Thành phố Dĩ An để cấp cứu. Tại đây, ông Dương bị từ chối với lý do Trung tâm Y tế Thành phố Dĩ An đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Gia đình tiếp tục đưa người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa Ngọc Hồng và được đưa vào phòng khám làm test nhanh COVID-19 (có thu phí) với kết quả âm tính. Sau đó, biết ông Dương từng bị đột quỵ, bác sĩ tại phòng khám nói tình trạng quá nặng, đề nghị cho bệnh nhân lên tuyến trên.
Trong đêm, gia đình tiếp tục đưa ông Dương đến Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa An Phú (TP Thuận An) và Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh (Dĩ An) nhưng các cơ sở này đều từ chối tiếp nhận. Sau khi bị 5 cơ sở y tế nói trên từ chối, gia đình đã đưa ông Dương quay trở về phòng trọ. Đến 1h sáng 14/8, ông Dương tử vong.
Danh sách các bệnh viện, cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu, khám điều trị các bệnh mãn tính cần điều trị thường xuyên trên địa bàn TP Dĩ An (Bình Dương) được công bố chiều 15/8:
1. Bệnh viện Quân đoàn 4
2. Bệnh viện Hoàn Hảo
3. Phòng khám đa khoa Nam Anh (Gần công viên Depo xe lửa Dĩ An)
4. Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng (Gần ngã 3 Trung tâm Dĩ An)
5. Phòng khám Y dược An Sài Gòn (Đường ĐT 743)
6. Phòng khám Phúc Tâm (Đường Lê Hồng Phong gần ngã 4 Chiêu Liêu)
7. Phòng khám Perfect 5 (Đường Trần Hưng Đạo)
8. Phòng khám Đa khoa Dĩ An (Quốc lộ 1K)
9. Phòng khám đa khoa Vũ Cao (Đường Nguyễn Trãi)
10. Phòng khám đa khoa Medic (Đường Lê Trọng Tấn, P. An Bình)
>>> Mời độc giả xem thêm video Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch Covid-19: