Dành cả thanh xuân để sinh đẻ
Buôn Ea Kít, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk là nơi chị Hbuăr Krôn sinh sống. Đây là địa bàn có tới trên 320 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó đa số là người dân tộc Êđê. Năm 1996, chị Hbuăr Krôn sinh con gái đầu lòng, tiếp sau đó cứ trung bình 2 năm (từ 1998 đến 2010), chị liên tiếp mang bầu và sinh tới 8 đứa con: 3 trai, 5 gái.
Kể về việc sinh đẻ của mình, chị Hbuăr Krôn cho biết: “Trong các lần mang thai, mình phải đi làm suốt nên không có thời gian đi thăm khám ở cơ sở y tế. Ngay cả thời điểm sinh mình cũng không biết, chỉ biết khi nào đau thì đẻ thôi. Lần sinh con đầu lòng là chật vật nhất vì chưa có kinh nghiệm. Mình đã đẻ tại nhà 6 đứa, chỉ có 2 đứa là ở bệnh viện (đó là do một lần đau đẻ đúng dịp bà lang bị gãy tay nên phải đến bệnh viện. Lần nữa là qua bắt mạch, được tư vấn là thai đôi thì rất sợ, cứ khóc suốt. Cũng may khi sinh chỉ là thai một)”.
Ngoài ra, chia sẻ về những lần sinh tại nhà, chị Hbuăr Krôn cho biết cũng có những vụ rất rắc rối: “Có lần đang nửa đêm lên cơn đau đẻ tại nhà thì mất điện. Chồng chạy sang tìm bà đỡ gần nhà. Trời tối quá, bà ấy không thể tìm được dụng cụ gì, chỉ cầm được mỗi cái kéo chạy đi. Có lần, nhà không có ai nên tự mình đẻ, tự mình đỡ. Có lần lại nhờ cả em gái, rồi đến con gái lớn giúp một tay. Lần ấy, con gái lớn sợ quá, cứ cuống lên hỏi mẹ ơi phải làm gì, mẹ vừa đau vừa bảo đi lấy chỉ cột dây rốn cho em. Nó lại hỏi: “Cột bao nhiêu vòng?”, mẹ lại bảo: “Cột cho chắc” rồi sau đó nó lấy khăn ấm để ẵm cho em…”.
|
Hiện nay, nhà chị đang có 8 con với đứa lớn nhất 23 tuổi, đứa nhỏ nhất 8 tuổi. |
Về học hành, các con chị hầu hết đều chỉ học đến hết lớp 7 là phải nghỉ học. Với con trai thứ hai, năm nay 20 tuổi, từ 3 năm trước, cháu đã phải rời nhà hàng trăm km để làm nghề bốc vác thuê để có mỗi tháng 3 triệu đồng gửi về cho bố mẹ. Chồng chị thì mù chữ, quanh năm đi làm thuê cà phê cho người ta.
Về nhà ở, trước đó, cả bố mẹ và các con là 10 người, trong nhiều năm liền chỉ chui ra chui vào, tiện đâu ngủ đấy trong căn nhà nhỏ chưa đến 20m2. Mãi đến gần đây, được nhà nước hỗ trợ, cộng thêm tiền của con trai đi làm thuê về, tích cóp mãi, gia đình chị đã khởi công xây thêm ra phía sau vườn 2 gian nhà nữa để kê thêm giường cho các con ngủ. Nhưng việc xây nhà cũng gian nan, xây từ năm ngoái đến giờ, xây 3 lần vẫn chưa hoàn thiện được…
|
Những đứa trẻ nhà chị Hbuăr Krôn trong gian nhà vừa mới được xây thêm, chưa kịp vào vôi áo... |
Về sức khỏe, với bản thân chị, lần nào sinh đẻ xong một thời gian ngắn đã phải đi làm, có khi vừa sinh được 1 tháng đã đi cày ruộng… Trong suốt 20 năm của tuổi thanh xuân, chị đã dành hết cho việc sinh đẻ và chật vật làm thuê, không có thời gian để nghĩ, làm gì khác cho bản thân. Chị bảo, có lẽ do sinh đẻ nhiều, phải làm nhiều vẫn không đủ ăn nên hiện giờ sức khỏe của vợ chồng chị rất yếu. Chồng chị mắc đủ các thứ bệnh như đau lưng, đau thận, đau bao tử… Còn chị chỉ nặng hơn 40kg. Gần đây, chị nhiều lần bị đau đầu, chóng mặt, mắc tiểu đường…
Gần đây, trong buôn, có người nói giỡn, bảo chị sinh 8 đứa rồi, sao không sinh thêm nữa cho đủ một đội để đi đá banh. “Tôi bảo thôi, sợ lắm rồi, người yếu, mệt mỏi quá rồi” - chị Hbuăr Krôn cho biết.
Theo chị Hồ Thị Vấn, phụ trách dân số xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin: “Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở các thôn, buôn tại địa bàn hiện vẫn còn nhiều. Tại 1 buôn như Ea Kít, trong năm 2018 cũng có khoảng 20 hộ sinh con thứ 3 trở lên. Vẫn có những chị sinh 7-8 con như chị Hbuăr Krôn. Khi sinh nhiều con, đời sống của các chị và gia đình gặp rất nhiều khó khăn”.
“Chật vật” giảm sinh
Đi tìm nguyên nhân, nhiều phụ nữ ở Tây Nguyên vẫn sinh nhiều con có thể thấy, trước hết là sự hạn chế trong nhận thức của người dân. Chị em nơi đây vẫn cho rằng nếu sử dụng các biện pháp tránh thai thì rất nguy hiểm cho sức khỏe và còn có thể mắc ung thư. Chị Hbuăr Krôn (buôn Ea Kít, xã Ea Bhốk) cho biết: “Bản thân tôi không biết gì về các biện pháp tránh thai. Sau khi sinh nhiều con, tôi cũng có ý định ngừng lại nhưng cứ nghe người này người kia nói đi triệt sản thì đau lắm, dùng thuốc uống hoặc tiêm thì bị đau đầu, đau răng nên tôi sợ, không dám”.
Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Đắc Tân, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) cũng thừa nhận: “Việc vận động bà con, chị em thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình rất khó. Đa số chị em mù chữ, nhiều chị còn không nghe, nói được tiếng phổ thông. Khi đi truyền thông, vận động thì vướng do bất đồng ngôn ngữ. Khi vận động uống thuốc tránh thai thì chị em bảo hay quên, không thể nhớ được lịch uống. Khi thuyết phục đặt vòng tránh thai, triệt sản, cấy thuốc thì chị em sợ đau. Khi khuyên chồng sử dụng bao cao su thì chồng bảo không biết dùng”.
Về phong tục tập quán, theo cộng tác viên dân số ở buôn Ea Kít, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, nơi đây có đa số là đồng bào dân tộc Êđê sinh sống. Bà con vẫn còn tư tưởng là khi cuộc sống khó khăn, mùa màng thất bát… thì họ muốn sinh thêm, sinh nhiều để nhà có thêm người, sau này cùng xoay sở cuộc sống. Ngoài ra, bà con cũng muốn sinh thêm để có con gái (vì theo chế độ mẫu hệ) để sau có của hồi môn. Việc một số gia đình sinh ít con vẫn bị cho là thiệt thòi.
Sau cùng là về công tác truyền thông, vận động. Ông Y Ngơn Niee, Phó Chủ tịch huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), Trưởng Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện, cho biết: “Việc củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác dân số đang bị dang dở. Phụ cấp từ Trung ương dành cho cộng tác viên tại cơ sở đã bị cắt trong khi ngân sách tỉnh không có bổ sung. Hiện đội ngũ cộng tác viên nhiều nơi đã không còn hoạt động. Kinh phí dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia, cho các đề án, mô hình liên quan đến dân số và phát triển đã giảm mạnh qua các năm, nhất là kinh phí truyền thông… Những nguyên nhân kể trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc truyền thông, vận động bà con trong việc thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển”.