Liên quan vụ 408 cột điện tại Thừa Thiên Huế bị gãy, đổ do bão số 5, mới đây trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đại Phúc - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, theo thống kê trong số 408 cột điện bị gãy, đổ có 272 cột điện bị gãy, trong đó, cột trung áp bị gãy là 109, hạ áp 163 cột. Đáng chú ý, trong số đó chỉ có 30 cột bê tông ly tâm dự ứng lực, chiếm tỷ lệ 11% (gồm trung thế 7 cột, hạ thế 23 cột).
Theo tìm hiểu, Thừa Thiên Huế đang sử dụng 2 loại cột điện gồm cột ly tâm dự ứng lực và cột thép đúc truyền thống. Cả hai loại cột điện này đều có lõi thép nhưng với cột ly tâm dự ứng lực có các loại thép chịu lực được kéo giãn khi đúc tại nhà máy, khi bị tác động ngoại lực mạnh cột sẽ đứt gãy lìa. Đối với cột điện truyền thống, do có lõi thép cỡ lớn lên khi có tác động ngoại lực mạnh sẽ cong oằn theo các thanh sắt ở khối bê tông khi cột điện đổ.
|
Trong số 408 cột điện bị gãy, đổ tại Huế có 272 cột điện bị gãy. Trong số đó, chỉ có 30 cột bê tông ly tâm dự ứng lực, chiếm tỷ lệ 11% |
Đáng chú ý, cột điện ly tâm dự ứng lực được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 5847:2016, có thể chịu đựng được sức gió giật trên cấp 12. Trong khi đó, bão số 5 suy yếu nên Huế chỉ bị ảnh hưởng, gió mới cấp 8 nhưng nhiều cột điện bị gãy đổ và nhiều cột điện không phải do cây ngã đè lên.
Hơn nữa, trong số cột gãy đổ chỉ có 30 cột ly tâm dự ứng lực và có đến 242 cột khác cũng bị gãy đổ. Từ đó, dư luận có nhiều hoài nghi về chất lượng các cột điện và đặt câu hỏi về trách nhiệm của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơn bão số 5 với sức gió không quá mạnh nhưng đã làm gãy đổ đến 408 cột điện tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó đây có lẽ là chuyện đầu tiên xảy ra thiệt hại lớn như vậy đối với ngành điện ở địa phương này. Tình trạng này không phải thường xuyên xảy ra do đó, cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ chất lượng của những cột điện này để có những đánh giá, tìm cách khắc phục và xem xét trách nhiệm của các bên liên quan.
Luật sư Cường cho rằng, việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt và sử dụng từng loại cột điện đối với từng loại hệ thống đường ống dẫn viện phải theo quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những cột điện bị gãy đổ như vậy có làm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật hay không. Việc thiết kế, lắp đặt các cột điện này có đúng quy định hay không?.
“Trong trường hợp cột điện không đảm bảo chất lượng công trình nhưng vẫn thi công, nghiệm thu, gây ảnh hưởng thiệt hại đến kinh tế của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân thì phải xem xét đến trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan” - luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp những cột điện hình tròn, không sử dụng lõi sắt thép khiến gãy đổ, cần phải xem lại quy trình thiết kế, đánh giá lại loại này. Hậu quả có thể do thiết kế, cũng có thể do việc thi công không đảm bảo chất lượng lượng. Vấn đề này cần làm rõ để xem xét trách nhiệm pháp lý cũng như để có những giải pháp cho những công trình điện này để giảm thiểu những tổn thất, nguy hiểm có thể xảy ra trong mùa mưa bão.
Đáng chú ý trước đó, trao đổi với báo chí, hai lãnh đạo của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế lại đưa ra hai nguyên nhân dẫn đến cột điện gãy đổ hàng loạt trong bão số 5.
Cụ thể, ông Nguyễn Đại Phúc - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho rằng, dù cơn bão số 5 được đánh giá là có cường độ chưa mạnh, nhưng đã gây gãy đổ rất nhiều cột điện. Sức gió là khó lường, gây ra các hiện tượng quăng, quật, giật, xoáy gây ngã đổ hàng loạt vật cản trên đường di chuyển của bão.
Trong khi đó, ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế khi trao đổi với báo chí lại cho rằng, sở dĩ hàng trăm cột điện bị gãy đổ là do đơn vị không lường trước khả năng chống chịu bởi cây xanh đổ ngã vào hệ thống cột điện. Cây xanh đổ ngã vào đường điện hàng loạt là nguyên nhân khiến hệ thống cột bị hư hỏng rất nhiều.
Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế còn cho rằng, đối với cột ly tâm dự ứng lực lắp đặt khu vực giữa đồng vắng bị gãy, nguyên nhân là do hiệu ứng domino. Một khi trong dãy đường điện có những cột bị nghiêng, cột chịu lực lớn nhất sẽ bị gãy, đổ.
Phản hồi về việc hàng trăm cột điện bị gãy do ảnh hưởng bão số 5, Ban truyền thông, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC - thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết, do ảnh hưởng của bão đã khiến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam bị thiệt hại nặng, 616 cột điện bị gãy, đổ và nghiêng (trên tổng số hơn 531.000 cột điện). Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Trung nói chỉ có 272 cột bị gãy, trong đó có 30 cột dự ứng lực, chiếm tỷ lệ 11,02%. Thống kê trên cho thấy, tỷ lệ cột dự ứng lực chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số trụ điện bị gãy.
Nguyên nhân dẫn đến cột điện bị gãy, đổ, đại diện EVNCPC cho rằng, do ảnh hưởng bão số 5 nên cây xanh bật gốc ngã vào cột tạo nên lực tác động kép bất thường (gió bão, cây đổ vào đường dây) làm quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây… dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy trụ. Ngoài ra, một số vị trí nằm ngoài khu dân cư có gió giật mạnh làm xoáy và đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy đổ cột.
Đơn vị này cũng cho biết đã tiến hành rà soát sau khi sự việc xảy ra và thấy rằng toàn bộ quy trình từ khâu thiết kế, thi công, chất lượng vật tư đều đảm bảo theo quy định. Công tác mua sắm cột điện được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của Luật Đấu thầu. Qua rà soát, các cột điện được sử dụng trên lưới điện EVNCPC được thiết kế, sản xuất tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam TCVN 5847:2016, 5847:1994 và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt.
Dù giải thích là vậy tuy nhiên, với sức gió cấp 7,8 mà khiến hàng trăm cột điện bị gãy, đổ là khó hiểu, dẫn đến việc người dân nghi ngờ về chất lượng, kỹ thuật công trình. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần phải có sự đánh giá lại của hội đồng khoa học để có cái nhìn chính xác. Đồng thời, không ít ý kiến đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế liên quan sự việc trên…
>>> Mời độc giả xem thêm video Bão số 5 đổ bộ vào đất liền, một số địa phương đã ghi nhận một số thiệt hại: