40 giáo viên Thanh Hóa sửa điểm: “Thầy bất chính” sao dạy nổi trò?

Google News

Bày tỏ ý kiến về sự việc 40 giáo viên Thanh Hóa sửa điểm học sinh, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Liên hiệp Hội Việt Nam) nhấn mạnh: "Việc nâng điểm cho học sinh của những giáo viên này đã vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức của người thầy giáo".

Theo báo cáo của Ban Giám hiệu Trường THCS Ngư Lộc (Thanh Hóa), kết quả rà soát toàn bộ dữ liệu điểm kiểm tra, đánh giá học sinh năm học 2020-2021 trong sổ điểm điện tử đã phát hiện có 40 giáo viên chỉnh sửa điểm cho học sinh, trong đó có 14 giáo viên chỉnh sửa các điểm kiểm tra thường xuyên, 26 giáo viên chỉnh sửa điểm kiểm tra giữa kỳ và điểm kiểm tra cuối kỳ.
40 giao vien Thanh Hoa sua diem: “Thay bat chinh” sao day noi tro?
 Trường THCS Ngư Lộc (Thanh Hóa) nơi xảy ra việc 27 giáo viên nâng điểm cho học sinh.
Báo cáo cho biết, đối với những giáo viên chỉnh sửa điểm kiểm tra là do quá trình thực hiện kế hoạch môn học trong cả học kỳ, số lần kiểm tra thường xuyên của học sinh nhiều hơn số con điểm tối thiểu theo quy định, nên giáo viên đã căn cứ vào sự tiến bộ của học sinh để chọn các con điểm đã được kiểm tra đưa vào tính điểm trung bình trong học kỳ. Vì vậy các con điểm nhập trước đó đã được sửa lại bằng các con điểm học sinh đạt được ở cuối học kỳ.
Đối với những giáo viên chỉnh sửa điểm kiểm tra giữa kỳ và điểm kiểm tra cuối kỳ, có một số nguyên nhân được đưa ra như: Do nhập điểm nhầm cho học sinh, sau đó phát hiện ra và tiến hành sửa lại điểm cho học sinh theo đúng điểm trong bài kiểm tra; do chấm sót điểm hoặc cộng nhầm điểm thành phần trong bài kiểm tra, nên khi học sinh đề nghị giáo viên đã chấm lại và sửa điểm theo nội dung chấm lại và do giáo viên làm tròn điểm chưa chính xác, do lỗi đánh máy; do ý thức chủ quan trong quá trình sử dụng phần mềm…
Sự việc xảy ra khiến nhiều người đặt nghi vấn về bệnh thành tích về tính công bằng, trong sạch trong công tác giáo dục, không chỉ tại trường THCS Ngư Lộc, mà cả hệ thống giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng, dù có đạt "thành tích cao trên giấy tờ" nhưng các em học sinh vẫn là những người thiệt thòi nhất và hệ quả là tỉnh nhà, đất nước sẽ đào tạo ra 1 thế hệ có chất lượng không thực chất. Nguy hiểm hơn là vấn đề đạo đức người thầy! Trong một cuộc nói chuyện với học sinh, Bác Hồ từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Lời nói của Bác đặt ra cho thanh niên, học sinh chúng ta một vấn đề rất cụ thể và cần thiết: Phải tu dưỡng, rèn luyện để có đức, có tài. Hành động sửa điểm của 40 thầy cô ở Thanh Hóa mức độ sai phạm đến đâu sẽ được cơ quan chức năng xem xét, xử lý thấu đáo. Song, nếu mục đích sửa điểm vì bệnh thành tích, vì vụ lợi cá nhân, vì mục tiêu không trong sáng thì vô hình trung các thầy cô, người dạy học trò tri thức và dạy các em học sinh đạo đức để làm người lại tự làm méo mó hình ảnh của mình. Sẽ ra sao nếu các học sinh học theo và chấp nhận những sai trái đó khi bước vào cuộc sống? Khi thầy đạo đức không tốt làm sao dạy được trò tốt? 
 Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - Trung tâm tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc cho rằng: "Chúng ta cần hiểu rõ mục tiêu trong giáo dục là gì, phương pháp giáo dục ra sao, có tồn tại chủ nghĩa thành tích trong giáo dục, chế độ lương cho giáo viên  như vậy có hợp lý...?".
Theo chuyên gia Lê Thị Túy, bản chất của giáo dục là đào tạo "con" thành người, việc này người làm công tác giáo dục phải có tâm huyết, yêu nghề mới hết mình vì công việc.
Ngành giáo dục ở nước ta thay đổi quá nhanh, mỗi năm một phương pháp, một cách làm khác nhau. Có quá nhiều "thử nghiệm" trong công tác giáo dục, người làm giáo dục và các em học sinh bị "loạn'.
Bệnh thành tích trong giáo dục cũng đang là vấn nạn khi có nhiều chương trình thi đua giữa các trường, các phòng, các giáo viên với nhau. Việc thi đua nếu làm tốt thì nó là động lực thúc đẩy sự phát triển, còn nếu chỉ thi đua về thành tích dễ dẫn đến trình trạng chạy đua, so kè với nhau, dùng mọi cách thức để đạt kết quả cao.
"Liệu rằng những người làm trong công tác giáo dục đã được trả lương tương xứng với công sức của họ? Theo tôi, lương của các giáo viên hiện nay khá thấp. Nếu mức lương không đáp ứng được cho cuộc sống của họ, nhiều người sẽ tìm cách kiếm thêm thu nhập bằng cách đi làm thêm, làm nghề tay trái... khiến họ không tập trung trong công tác của mình, dễ bị lợi dụng, sa ngã trước những cám dỗ" - chuyên gia Lê Thị Túy nói và cho biết, suy cho cùng các em học sinh là những người thiệt thòi nhất, bản thân các em luôn phải cố gắng đạt thành tích cao để làm vừa lòng bố mẹ, để làm đẹp thành tích của một số người.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục, thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: "Việc nâng điểm cho học sinh của những giáo viên này đã vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức của người thầy giáo".
"Đây là một trong những vụ việc làm cho niềm tin vào giáo dục của người dân nói chung và đặc biệt là niềm tin của học trò vào người thầy càng thêm lung lay. Người thầy không còn là chân lý, không còn sự nghiêm minh của mình" - TS Nguyễn Tùng Lâm nói và cho biết, công tác quản lý của chúng ta cũng rất yếu kém, không chặt chẽ, đây chỉ là một trường hợp bị phát giác, chắc chắn còn nhiều trường khác cũng sẽ có tình trạng tương tự.
Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, mục tiêu của giáo dục là để con người tự phát triển, phát triển ở đây là phát triển khả năng, tư duy của mỗi con người. Còn giáo dục chỉ là định hướng để thực hiện mục tiêu đó, nếu muốn phát triển thì cần phải có sự cố gắng, vận động ở bản thân mỗi chúng ta. Không nên chạy theo thành tích mà  thiếu trung thực trong công tác giáo dục.
>>> Mời quý độc giả xem video: HẬU THI TỐT NGHIỆP THPT - MỐI LO TỪ CÁC ĐIỂM THI CÓ F0

Nguồn: VTV


Hiểu Lam - Văn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)