Sức khỏe của dạ dày phụ thuộc rất nhiều vào cách mà chúng ta ăn uống mỗi ngày. Không chỉ thực phẩm, có những hành vi khi ăn tưởng chừng nhỏ nhặt, ít ai để ý nhưng lại có thể âm thầm "phá hủy" dạ dày.
Nếu không muốn dạ dày bị tổn thương, suy yếu và mắc bệnh thì hãy nhanh chóng bỏ ngay 4 thói xấu sau đây:
1. Ăn quá nhanh
Ảnh minh họa
Nhịp sống vội vã, công việc bận rộn khiến nhiều người có thói quen ăn quá nhanh. Ăn nhanh ở đây không chỉ là thời gian ăn uống được rút ngắn quá mức mà còn là khi nuốt vội vàng, nhai không kỹ. Đây là một hành vi ăn uống có thể "phá hủy" dạ dày.
Nếu ăn quá nhanh, thức ăn sẽ không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng mà đã chuyển đến dạ dày khi vẫn còn ở dạng thô để tiếp tục quá trình tiêu hóa. Chính điều này sẽ trực tiếp làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày, làm mệt mỏi cơ bắp dạ dày và giảm nhu động dạ dày, là nguyên nhân chính gây bệnh dạ dày nguy hiểm.
Ăn nhanh trong một thời gian dài còn có thể gây ra tình trạng đau dạ dày và làm dây thần kinh vị giác vẫn ở trạng thái hưng phấn, kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến vị giác. Mặt khác, khi ăn nhanh, nuốt vội vàng khiến cho thức ăn khó di chuyển hơn qua đường tiêu hóa, không hấp thu dinh dưỡng cần thiết và tăng cảm giác khó chịu cho dạ dày.
Về mặt thời gian cho mỗi bữa ăn, các chuyên gia khuyến nghị nên kéo dài ít nhất 20 phút. Bởi vì ăn quá nhanh không chỉ hại dạ dày mà còn dễ gây ăn quá nhiều, làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường cùng nhiều bệnh khác.
2. Ăn quá no hoặc quá đói
Thói quen ăn quá no hoặc quá đói đều không tốt cho dạ dày, thậm chí tình trạng này kéo dài liên tục có thể gây ra một số căn bệnh nguy hiểm cho dạ dày.
Khi ăn quá đói, axit hydrochloric và các chất xúc tác trong dạ dày ở nồng độ khá cao dẫn tới tình trạng tự tiêu hóa niêm mạc. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý, nếu đói, khi ăn cần phải ăn một cách từ từ không nên ăn quá nhanh hoặc quá nhiều nếu không dạ dày của bạn lại phải làm việc quá sức, gây hại cho dạ dày. Ăn quá đói còn khiến dạ dày không đủ thức ăn cho việc co bóp, nhưng vẫn tiết dịch nên dễ bị tổn thương. Nó cũng khiến dạ dày cũng như cả cơ thể không đủ dinh dưỡng và dễ mắc bệnh.
Còn trường hợp ăn quá no lại dễ làm tổn thương cơ chế tự bảo vệ của dạ dày và gây bệnh. Bởi dạ dày là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng nếu bạn ăn quá no. Mỗi ngày, dạ dày tiết khoảng 8.000 mg dịch tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn. Nếu ăn quá no, dạ dày phải căng phồng, nhu động chậm lại, dịch tiêu hóa tiết không đủ khiến thức ăn ở trong dạ dày không tiêu hóa hết. Từ đó sẽ khiến dạ dày bị ứ đọng, gây ra hiện tượng đau nhức, khó chịu.
Ngoài ra, khi thức ăn trong dạ dày không tiêu hóa hết sẽ bị vi khuẩn phân hủy thành độc tố có hại cho sức khỏe. Những độc tố này sau khi bị hấp thụ trong quá trình dài sẽ khiến hệ thần kinh trung ương bị tổn thương, tư duy chậm chạp.
3. Ăn uống thất thường
Ăn uống không đúng giờ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh dạ dày. Nhưng vì công việc quá bận rộn hoặc do sở thích, lý do giảm cân khiến nhiều người ăn uống thất thường, bỏ bữa.
Các nghiên cứu cho thấy, khi ăn đúng giờ, dạ dày sẽ tiết dịch vị tiêu hoá thức ăn, nhưng nếu bạn ăn uống thất thường, dạ dày vẫn duy trì thói quen đó. Lâu dần, cơ chế cân bằng giữa sự tiết và bảo vệ bị rối loạn dẫn đến bệnh đau dạ dày. Chưa kể, sự thất thường về giờ giấc ăn này còn làm đồng hồ sinh học của toàn bộ cơ thể, khiến hệ miễn dịch suy yếu và dạ dày dễ bị mầm bệnh tấn công hơn.
Ngoài ra, khi axit dạ dày và enzym có trong dịch vị không có thức ăn trung hòa, sẽ tự tiêu hóa chính niêm mạc dạ dày, gây hư hại niêm mạc dạ dày. Điều này dẫn tới các bệnh như đau dạ dày, viêm loét dạ dày, lâu ngày còn có thể gây ung thư dạ dày.
4. Không tập trung hoặc uống nước khi ăn
Vừa ăn vừa uống nước là thói quen của rất nhiều người ở mọi lứa tuổi. Thậm chí, không ít người còn cho rằng việc này tốt cho dạ dày, thức ăn được tiêu hóa dễ dàng hơn, nhưng sự thật thì ngược lại.
Các chuyên gia cho rằng, đây là thói quen không hề tốt cho sức khỏe. Bởi vì, khi cùng lúc có nhiều thức ăn và chất lỏng đi vào dạ dày thì việc tiêu hóa sẽ bị đình trệ. Vì vậy, dù là nước lọc hay nước trái cây mà uống cùng lúc ăn nhai cũng đều gây hại cho dạ dày.
Hoặc việc chan canh vào cơm tưởng lợi nhưng cũng hại không kém. Thói quen này sẽ khiến bạn lười nhai và nuốt nhanh hơn. Thức ăn chưa được tiêu hóa kịp, vẫn còn ở dạng cứng nên dạ dày phải hoạt động nhiều hơn để nghiền nát thức ăn, tình trạng này duy trì lâu dài sẽ kéo theo các cơn đau dạ dày, bệnh dạ dày rất nguy hiểm.
Thêm một thói xấu khi ăn nhiều người mắc nữa là không tập trung. Ngày nay, chúng ta khó rời mắt khỏi điện thoại, máy tính hay tivi… khi ăn uống. Không chỉ bởi vì quá bận rộn mà còn vì muốn tranh thủ giải trí hoặc đơn giản chỉ là khiến bữa ăn bớt nhàm chán.
Nhưng cái giá mà dạ dày của bạn phải trả cho thói quen này về lâu về dài là rất đắt. Không tập trung vào bữa ăn khiến bạn bị giảm cảm giác ngon miệng, không nhai kỹ thức ăn nên không tốt cho tiêu hóa. Đồng thời, điều này gây ảnh hưởng đến quá trình tiết axit và enzym để tiêu hóa thức ăn và khiến dạ dày của bạn gặp nhiều rắc rối, dễ mắc bệnh hơn.
Ngoài ra, việc không tập trung vào bữa ăn có thể khiến bạn ăn nhiều hơn mà không biết. Những người không tập trung khi ăn cũng thường ăn vặt nhiều hơn sau bữa chính. Điều này có thể là do bản thân họ không nhận ra rằng mình đã ăn nhiều bao nhiêu trong suốt bữa ăn. Như vậy không những làm dạ dày quá tải, suy yếu mà còn làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì.