Liên quan vụ 39 người chết trong container ở Essex, ngoại ô London (Anh) có nạn nhân là người Việt Nam, bên hành lang Quốc hội sáng 4/11, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, vụ 39 người thiệt mạng tại Anh không phải là vụ buôn người mà theo pháp luật Việt Nam đây vụ này là trốn ra nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép.
Theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, trong vụ việc 39 người tử vong ở Anh, hiện nay ở Nghệ An có 21 người trong diện nghi vấn mất tích.
“Tỉnh Nghệ An thống kê 24 trường hợp có thông tin bị mất tích. Tuy nhiên, cũng trong ngày, có 3 trường hợp đã điện về cho gia đình. Như vậy Nghệ An nay có 21 người đang còn nghi vấn là mất tích. Trong số 21 người nghi vấn này có những người đi nước ngoài từ năm 2017, có những người đi từ tháng 8/2018, tuy nhiên, phần lớn đi từ tháng 4 đến tháng 8/2019”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết.
Theo tướng Cầu, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, Công an tỉnh Nghệ An đã chủ động tiến hành các công việc xác minh, điều tra, phối hợp với các cơ quan Trung ương tập hợp danh tính, lấy ADN và vân tay của 21 người nghi vấn trong vụ việc để phục vụ công tác giám định. Đồng thời, làm rõ các đối tượng nghi vấn trong các đường dây đưa người sang Anh trái phép.
|
Cảnh sát Anh đang tiếp tục mở rộng vụ việc 39 người chết trên xe container, có thể bao gồm nhiều người Việt Nam. |
Đáng chú ý, theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Công an tỉnh Nghệ An đã xác lập chuyên án để chủ động đấu tranh bóc gỡ và chủ động, thường xuyên báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp Bộ Công an, xử lý đảm bảo yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật.
“Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 8 đối tượng liên quan trong các đường đây này. Hiện nay chúng tôi tiếp tục điều tra làm rõ”, Giám đốc Công an Nghệ An cho biết.
Người đứng đầu Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, vấn đề là khắc phục các hậu quả nếu có, làm thế nào để đưa người xấu số trở về Việt Nam và cho biết, sáng 4/11, Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An sẽ họp bàn cụ thể.
“Ngày 3/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo cuộc họp liên ngành, bàn cách đưa số người Việt Nam chết ở Anh về quê hương và địa phương sẽ thực hiện tốt theo các chỉ đạo”, ông Cầu cho biết.
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng cho biết, đến thời điểm này, Nghệ An chưa nhận được thông tin về việc một số người nhà nạn nhân nhận điện thoại đe dọa và cho biết, Công an tỉnh chỉ nhận được thông tin, sau khi phát hiện người chết bên Anh, có đối tượng đưa tiền trả lại cho các gia đình.
“Đây là sự việc đau lòng, thảm họa nhân đạo. Xin gửi lời chia buồn đến gia đình có người thân bị nạn! Từ 23/10, sau khi có thông tin ở Anh có 39 người chết chúng tôi đã bắt đầu nắm tình hình và đến 27/10 đã xác định chuyên án để tổ chức công tác điều tra làm rõ”, tướng Nguyễn Hữu Cầu nói.
Đồng thời cho biết, tình trạng buôn người tại Việt Nam như Nghệ An chủ yếu xuất hiện ở địa bàn miền núi - nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhận thức của người dân chưa cao, nên bị một số đối tượng môi giới, lừa đảo đi làm việc chỗ này chỗ kia sau đó bán họ sang chỗ khác. Hoặc những đối tượng trước đây lấy chồng ở Trung Quốc, buôn bán sang Trung Quốc nay trở về Việt Nam dụ dỗ người thân của mình, thậm chí đến bản làng mình sinh sống để dụ dỗ người cả tin đưa sang Trung Quốc để bán.
Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Nghệ An khởi tố vụ án và đến ngày hôm qua, chúng tôi đã bắt giữ 8 đối tượng có liên quan đến vụ việc này. Chúng tôi sẽ làm nghiêm, theo đúng ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ", Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thông tin thêm.
Trước đó, liên quan vụ việc trên, chiều 1/11/2019, Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 1 đối tượng; bắt khẩn cấp 1 đối tượng, tạm giữ, triệu tập lấy lời khai một số đối tượng liên quan đến hành vi “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Đại tá Nguyễn Tiến Nam cho biết thêm: sau khi khởi tố vụ án hình sự về tội “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” xảy ra tại địa bàn Hà Tĩnh ngày 30/10/2019, đến thời điểm này, ngày 1/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 1 đối tượng, tạm giữ, bắt khẩn cấp 1 đối tượng, triệu tập, ghi lời khai một số đối tượng liên quan về hành vi “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Hiện nay, cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh đang phối hợp các cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các địa phương tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm minh các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Được biết, trong số đơn trình báo của người dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh về 10 trường hợp mất liên lạc với gia đình khi trên đường sang Anh, ở huyện Can Lộc có 8 trường hợp, huyện Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh mỗi địa phương có 1 trường hợp. Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu ADN của người thân của các gia đình có trình báo người thân mất tích để gửi sang Anh phục vụ công tác xác định danh tính các nạn nhân và công tác điều tra.
Sáng 4/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an cho biết, sẽ tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm, trước mắt ngăn chặn loại tội phạm này.
“Việc này điều tra quốc tế rồi, phải điều tra, kết luận sớm, vạch trần tội phạm, đưa đối tượng có liên quan ra xét xử”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết, Bộ Công an chỉ đạo khởi tố một số vụ án tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, phát hiện, xử lý, bắt giữ một số đối tượng có liên quan.