Sau khi có hành vi, lời nói vi phạm Điều lệnh CAND trong công tác tuần tra kiểm soát giao thông, 3 cán bộ CSGT huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) đã bị tạm đình chỉ, không phân công nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát gồm thiếu tá Hoàng Anh Cường, đại úy Tống Kiên Cường và thượng úy Đỗ Trọng Đại.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi lệch chuẩn của 3 cán bộ CSGT trên được lãnh đạo Công an huyện Việt Yên lý giải, do tài xế Trần Văn Việt (23 tuổi, trú xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) chở hàng hóa dấu hiệu vi phạm quá khổ, quá tải. Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng phương tiện kiểm tra nhưng lái xe Việt không chấp hành mà điều khiển xe bỏ chạy. Trong quá trình xử lý, 3 thành viên tổ công tác đã có lời nói, hành động vi phạm Điều lệnh CAND.
Tuy nhiên, trong một video lan truyền trên mạng xã hội, hai trong số ba người trong tổ công tác đã dùng tay đấm vào người vi phạm khiến dư luận bức xúc.
Video: 3 CSGT bị tố đánh tài xế, vi phạm điều lệnh
Trước hết phải khẳng định, hiện không có văn bản pháp luật nào cho phép CSGT được đánh người tham gia giao thông, ngay cả khi người tham gia giao thông có vi phạm luật giao thông đường bộ. Trường hợp người vi phạm chống đối thì CSGT có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính, chứ cũng không được phép đánh người vi phạm.
Đối với một CSGT thì ngoài việc phải tuân thủ, làm gương, chấp hành các quy định của pháp luật thì còn phải tuân thủ các quy định của ngành. Hành vi đánh người sẽ phần nào làm xấu đi hình ảnh của người công an nhân dân, do đó cơ quan, đơn vị chủ quản của chiến sĩ cảnh sát đó phải có hình thực kỷ luật thích đáng.
Có nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp cần thiết thì CSGT cũng có quyền đánh người, nếu không đánh thì nhiều người tham gia giao thông có những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng thậm chí có tính chất côn đồ, gây nguy hiểm cho người khác.
|
Tổ công tác CSGT huyện Việt Yên đánh tài xế xe tải |
Tuy nhiên, cần phải phân biệt giữa đánh người và việc khống chế, trấn áp hành vi vi pháp luật của CSGT. Nếu hành vi chống đối của người vi phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xét thấy cần thiết phải ngăn chặn bằng biện pháp dùng vũ lực thì CSGT có thể tấn công đối tượng để không chế. Tuy nhiên, hành vi đánh người này cũng chỉ được coi là hợp pháp nếu thuộc trường hợp “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” đã được Bộ luật hình sự quy định.
Dù vậy, xét về mặt tổng thể của vụ việc, cũng cần phải nhìn nhận khách quan về nguyên nhân dẫn hành vi “chưa chuẩn” của tổ CSGT.
Thực tế, 3 chiến sĩ CSGT đã buộc phải viết bản tường trình, nhận quyết định tạm đình chỉ công việc tuần tra. Thậm chí, có thể bị điều chuyển công tác hoặc buộc ra khỏi ngành. Nhưng điều cần nhìn nhận đúng và thay đổi hơn cả là ý thức của tài xế xe tải nói riêng và người tham gia giao thông nói chung.
Vì sao phải bỏ chạy? vì sao phải chống đối lực lượng CSGT? Vì sao phải tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm?.
Có lẽ đó là vì kinh tế, vì sợ bị phạt số tiền lớn và bị tước bằng lái xe trong thời gian dài. Nhưng “nếu sợ thì đừng làm”, đừng chở quá tải, đừng vi phạm luật giao thông đường bộ, đừng cá cược tính mạng của mình với lỗi vi phạm của bản thân.
Dù tài xế xe tải đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình, cũng như xin lỗi tổ công tác. Nhưng công bằng mà nói, cần phải làm rõ thêm thái độ, hành vi chống đối của tài xế và có mức xử lý đủ để răn đe cho các trường hợp khác. Còn ở góc độ 3 vị CSGT trong vụ việc cũng là bài học của toàn ngành khi thực thi nhiệm vụ phải luôn nhớ điều lệnh, tuân thủ pháp luật và 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Đừng để 1 phút bốc đồng để rồi mất tất.