16 ứng viên GS, PGS ngành Y và Dược năm 2020 bị tố gian dối
Ngày 22/10, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước xác nhận với báo chí, đã nhận được email tố cáo 16 ứng viên ngành Y, Dược.
Trước đó, GS Nguyễn Ngọc Châu, nghiên cứu viện cao cấp của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa có báo cáo gửi Hội đồng GS Nhà nước và Vụ Thanh tra, Bộ GD&ĐT.
GS Nguyễn Ngọc Châu cho biết, thời gian qua ông và GS Phạm Đức Chính (ngành Cơ học) đã nhận được 11 thư tố cáo 16 ứng viên GS, PGS, ngành Y và Dược khai gian dối các bài báo khoa học, không xứng đáng đạt tiêu chuẩn chức danh. Trong đó, 15 ứng viên đã được các Hội đồng GS ngành thông qua để Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt chuẩn năm 2020.
|
Ảnh minh họa. |
Để có cơ sở đánh giá chuẩn xác nội dung đơn thư tố cáo, GS Nguyễn Ngọc Châu, với ba nhiệm kỳ (2009-2017) là thành viên Hội đồng Khoa học sự sống, Sinh học - Nông nghiệp, đã thẩm định lại tất cả công bố của 15 ứng viên có thư tố cáo.
Kết quả thẩm định cho thấy 12 ứng viên không đạt yêu cầu về công bố do không đủ bài báo khoa học đối với ứng viên GS, PGS. Ba ứng viên PGS có đủ số bài yêu cầu. Hầu hết bài của các ứng viên này được đăng trên tạp chí Open Access (OA), tạp chí mở, mất phí để đăng nên bài chất lượng thấp.
GS Châu cho rằng các Hội đồng GS ngành Y và ngành Dược chưa thực hiện tốt việc thẩm định, dẫn đến thông qua nhiều ứng viên không đáp ứng đủ chuẩn về công bố bài báo quốc tế và yêu cầu về giảng dạy. Do đó, ngoài gửi kiến nghị Hội đồng GS Nhà nước, ông đề nghị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng vào cuộc để thanh tra toàn diện kết quả xét GS, PGS, năm 2020 của hai hội đồng này, thông báo công khai cho cộng đồng khoa học và dư luận xã hội biết.
GS Nguyễn Ngọc Châu xin chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và sẵn sàng hợp tác với Hội đồng GS Nhà nước và cơ quan chức năng làm sáng tỏ các nghi vấn.
Nếu vi phạm cần nghiêm trị?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, vụ việc trên tiếp tục là một “xì căng đan” nữa đối với ngành y trong việc phong hàm GS, PGS. Trước đó, ngành này cũng từng xảy ra việc phong hàm GS, PGS đã phải dừng lại do chưa đạt tiêu chuẩn.
“Trong vụ việc này, Hội đồng GS Nhà nước rất nghiêm khắc trong vấn đề này. Xã hội rất hoan nghênh và rất đồng tình việc rà soát xác minh lại trong bối cảnh bệnh thành tích và học hàm, học vị của một số vị không tương xứng, không xứng đáng với những công trình khoa học của mình mà được phong hàm PGS, GS. Tình trạng trên dẫn đến việc loạn bằng cấp, loạn tiến sĩ, GS, PGS và mang tai mang tiếng khi giữ học hàm học vị cao như thế mà chất lượng, công trình nghiên cứu khoa học và cống hiến cho xã hội không nhiều, chất lượng không cao” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
|
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. |
Đại biểu Hòa cho rằng, vấn đề trên cần làm cho rõ và mổ xẻ. Đáng chú ý, 16 ứng viên GS, PGS ngành Y và Dược bị khai gian dối các bài báo khoa học, không xứng đáng đạt tiêu chuẩn chức danh thì có đến 15 ứng viên đã được các Hội đồng GS ngành thông qua.
“Tôi cho rằng, Hội đồng GS ngành y công nhận họ là biểu hiện của việc dĩ hòa vi quý, trong ngành với nhau, châm trước cho nhau, không xem xét đặt những vấn đề rõ để phong hàm cho tốt. Trong khi hàm GS, PGS là cực kỳ quan trọng, phải có một công trình cống hiến cho sự nghiệp, cho chuyên môn của mình cho tốt để xứng đáng với vị trí được phong hàm và được nhân dân tín nhiệm. Hơn nữa, chuyện phong hàm trong ngành y là cực kỳ quan trọng, liên quan đến khám điều trị, chữa trị bệnh cho nhân dân. Nếu mà chuyên môn không giỏi mà có học hàm, học vị như vậy, thậm chí học hàm, học vị “dởm” mà năng lực thực tế không xứng sẽ ảnh hưởng đến người dân rất lớn” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định.
Theo đại biểu Hòa, việc Hội đồng GS Nhà nước vào cuộc, thậm chí Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng phải vào cuộc là hết sức cần thiết. Nếu phát hiện sự dối trá, cần phải nghiêm trị. Đồng thời, phải có hình thức xử lý nghiêm đối với Hội đồng GS ngành. Tại sao lại để lọt lưới những trường hợp này để người ta phát hiện làm đơn tố cáo?
“Sự việc trên làm dư luận hoang mang, bức xúc, đặc biệt là về chuyên môn của ngành y, dược. Thanh tra Bộ GD&ĐT, thậm chí thanh tra nhà nước cần vào cuộc để trả lời cho công luận và có hình thức xử lý nghiêm về mặt chuyên môn đối với những đối tượng khai báo gian dối, thậm chí ăn cắp đề tài, copy các công trình khoa học để được phong hàm. Những người này không xứng đáng trong một ngành mà người dân rất tôn vinh. Nếu có sự gian dối, dư luận hoàn toàn có cơ sở nghi ngờ việc cố để được phong hàm nhằm mục đích trục lợi riêng tư về vật chất cũng như vinh dự bản thân. Không phải phong hàm GS,PGS là được thăng quan, tiến chức nhưng nếu được những hàm đó là vinh dự ngành và cá nhân những người đó, kèm theo đó là tạo sự tin tưởng của đồng nghiệp, của người dân đối với người thầy thuốc để trục lợi cho riêng tư” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Liên quan vụ việc trên, ngày 22/10, Hội đồng GS Nhà nước đã gửi công văn tới Hội đồng GS ngành Y, Dược yêu cầu rà soát, xác minh, đánh giá lại.
Ngày 7/10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 321 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2020. Ngành Dược học có hai ứng viên giáo sư và 8 ứng viên phó giáo sư. Ngành Y học có 9 ứng viên giáo sư và 31 ứng viên phó giáo sư.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bổ nhiệm Tân Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước
Nguồn: Truyền hình Thông tấn.