Xe tăng Tiger II Đức: "Đi vào vết xe đổ" Tiger I

Google News

(Kiến Thức) - Người Đức kỳ vọng xe tăng hạng nặng Tiger II giúp họ xoay chuyển được cục diện chiến trường, nhưng chúng lại tiếp bước "vết xe đổ" từ Tiger I.

Mùa hè năm 1943, các binh đoàn thiết giáp Đức đã đại bại trước Hồng quân Liên Xô trong chiến dịch Kursk. Về lí thuyết, những chiếc xe tăng hạng nặng Tiger I với pháo 88mm có thể bắn xuyên giáp trước của xe tăng hạng nặng T-34 từ cự li rất lớn 1.000-1.500m, trong khi T-34 chỉ có thể bắn xuyên giáp trước dày hơn 100mm của Tiger I từ cự li 150-200m. Nhưng thực tế chiến trường lại rất khác, những chiếc Tiger I nặng nề gần 60 tấn thép đã bị T-34 lợi dụng địa hình để cơ động bao vây, chia cắt, tạt sườn… 
Thua đau trước Hồng quân Liên Xô và mất thế chủ động trên chiến trường, phát xít Đức đẩy mạnh việc chế tạo mẫu xe tăng mới mạnh mẽ hơn. Cũng giống như Tiger I, Henschel & Son đảm nhận việc thiết kế và cho ra đời xe tăng hạng nặng Tiger II. Loại xe này còn được biết đến với cái tên “King Tiger” (Hổ vương).
Xe tang Tiger II Duc:
Cận cảnh một chiếc Tiger II bị tiêu diệt trên chiến trường 
Đi vào vết xe đổ Tiger I
Nhìn chung, cấu hình vận động của Tiger II tương tự với Tiger I, kíp chiến đấu vẫn giữ nguyên 5 người, nhưng có thay đổi nhiều về giáp. Điều đó dẫn đến kích thước và khối lượng xe tăng vọt. 
Tiger II dài đến 10,26m (kể cả nòng pháo), rộng 3,75m, cao 3,09m, và nặng đến 69,7 tấn. Đó là một con số khủng khiếp, nhất là với điều kiện đường sá, cầu phà thời bấy giờ. Dĩ nhiên, giáp của xe cũng được tăng cường hơn nhiều so với Tiger I. Ở các vị trí có nhiều khả năng trúng đạn như tháp pháo, thân trước… sẽ được bọc giáp dày từ 100-180mm, còn ở các vị trí khác sẽ là từ 40-80mm. 
Tuy nhiên, độ nghiêng của giáp là không lớn, có thể nói là gần như đặt thẳng đứng so với phương ngang, hạn chế phần nào khả năng chống đạn xuyên giáp của xe. Thêm vào đó, trong giai đoạn cuối cuộc chiến, người Đức rất thiếu nguyên liệu, đặc biệt là mangan để làm giáp xe tăng. Họ buộc phải sử dụng loại thép carbon cao, cứng nhưng rất giòn, làm giảm hiệu quả phòng vệ của xe.
Dù có trọng lượng rất lớn, nhưng động cơ của tăng hạng nặng Tiger II lại chỉ là loại chạy xăng V-12 Maybach HL 230 P30 công suất 690 mã lực. Tỉ số công suất/khối lượng chỉ là 9,8 mã lực/tấn (để so sánh, xe tăng hạng nặng IS-2 của Liên Xô nặng 51 tấn được trang bị động cơ 600 mã lực, tỉ số đạt 11,8 mã lực/tấn) nên xe di chuyển rất chậm. Tốc độ hành quân trên đường tốt là 38km/h và giảm rất mạnh trong điều kiện việt dã, chỉ đạt từ 15-20km/h. Tầm hoạt động cũng bị giới hạn còn 120-170km, tùy điều kiện đường. 
Có thể hiểu rằng, Tiger II không được thiết kế cho mục đích đột phá tấn công, mà chủ yếu là phòng ngự như một “lô cốt di động”. Một phần do lúc này, Hồng quân Liên Xô cũng đã chuyển sang phản công mạnh trên các chiến trường. Tiger II cũng sử dụng giảm xóc dạng nhún cổ rùa, nhưng nhìn chung không hiệu quả vì khối lượng xe rất lớn.
Xe tang Tiger II Duc:
 Đội hình xe tăng Tiger II của tiểu đoàn tăng hạng nặng SS số 501.
Về hỏa lực, Tiger II sử dụng pháo chính Kwk 43 L/71 cỡ nòng 88mm, kết hợp với kính ngắm TZF-9d, cho độ chính xác rất cao. Với một mục tiêu giả định xe tăng đối phương cao 2m, rộng 2,5m, xác suất bắn trúng của pháo là gần 100% ở cự li trên 1.000m, 95-97% ở cự li 1.500m và 85-87% ở cự li 2.000m. Trong thực tế chiến đấu, con số này có giảm đi nhưng vẫn đạt xác suất trúng hơn 80% ở cự li 1.000m. 
Pháo có cơ số đạn 86 viên, sử dụng nhiều loại đạn có sức công phá lớn như đạn xuyên giáp PzGr 39/43, PzGr 40/44, đạn nổ mạnh SpGr 43, đạn nổ mạnh chống tăng HlGr 39… Vũ khí phụ là hai súng máy MG 34 cỡ 7,92mm, cơ số đạn 5.850 viên.
Đã có 1.500 chiếc Tiger II được đặt hàng sản xuất. Nhưng lúc này, Chiến tranh Thế giới thứ hai đã đi vào giai đoạn cuối, nên chỉ có 485 xe xuất xưởng trước khi phát xít Đức đầu hàng. Các nhà máy thường xuyên bị ném bom, việc sản xuất bị gián đoạn liên tục. 
Trên chiến trường, Tiger II được biên chế trong các tiểu đoàn xe tăng hạng nặng với số lượng 45 xe (ban chỉ huy tiểu đoàn 3 xe, ba đại đội, mỗi đại đội gồm ba trung đội 4 xe). Với giáp khá dày và hỏa lực mạnh, các xe Tiger II cũng đã lập được một số thành tích. Nhưng nhìn chung, số lượng của chúng quá ít ỏi để tạo ra đột biến trên chiến trường. Và thêm nữa, bên phía Hồng quân - đối thủ chính của tăng thiết giáp Đức - cũng đã kịp cho ra đời chiếc IS-2, loại xe tăng hạng nặng rất mạnh mẽ, mang pháo 122mm D-25T có sức xuyên vượt trội.
"Ngậm trái đắng" trước IS-2
Thực tiễn chiến đấu cho thấy những mẫu xe tăng hạng nặng mới như IS-2 đã áp đảo hoàn toàn Tiger II. Hai loại xe tăng này đã chạm trán nhau vào trung tuần tháng 8/1944, trong chiến dịch chiếm bàn đạp vượt sông Vistula ở Ogledow, Ba Lan. 
Thời điểm đó, Tiểu đoàn xe tăng hạng nặng 501 của Đức đã tham gia đánh chặn đội hình vượt sông của hồng quân. Dù có rất nhiều lợi thế về địa hình phòng thủ, song các Tiger II đã bị lực lượng xe tăng IS-2 Liên Xô áp đảo. Với pháo lớn hơn hẳn, các xe IS-2 đứng trên bờ sông, phơi bày giáp trước về phía địch, bắn xuyên mặt trước của các “Hổ vương” ở cự li 700-1.000m, buộc các xe còn sống sót phải ẩn nấp, tạo điều kiện để Hồng quân chiếm bàn đạp, lập đầu cầu vượt sông.
Xe tang Tiger II Duc:
 Một xác xe tăng Tiger II bị bắn cháy trong trận vượt sông Vistula.
Có thể nói, xe tăng hạng nặng Tiger II đã đi vào đúng vết xe đổ của Tiger I, đó là chế tạo một loại xe tăng quá đắt đỏ nhưng lại không hiệu quả. Thế mạnh của ngành công nghiệp Đức là khả năng gia công chính xác cao, nhưng trong điều kiện thời chiến, việc sử dụng ưu thế này đôi khi sẽ cho ra đời những lại vũ khí quá phức tạp, nặng nề, dễ hỏng hóc và sẽ bị áp đảo bởi số lượng lớn hơn của phía đối phương.
Thanh Hoa

Bình luận(0)