Mới đây, đề tài cấp Bộ: "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị huấn luyện thực hành đào tạo kỹ sư hàng không trên một số hệ thống của máy bay Su-27" do Thiếu tướng Trần Văn Thanh, Giám đốc Học viện Phòng không - Không quân (PK-KQ) làm chủ nhiệm đề tài vừa được nghiệm thu cấp cơ sở.
Đây là thiết bị mô phỏng phục vụ huấn luyện được nghiên cứu, thiết kế thành công bằng trí tuệ, công sức của các cán bộ khoa học của học viện và sự giúp đỡ của một số viện nghiên cứu.
Thiết bị này được chế tạo nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mô phỏng trong giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu tăng thực hành, huấn luyện sát thực tế đơn vị, khí tài trang bị mới, hiện đại của người học và yêu cầu về đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao của quân chủng đang tiến thẳng lên hiện đại.
Đề tài được triển khai từ đầu năm 2011 với 3 nhóm: Nghiên cứu thiết kế và gia công khung vỏ ca bin; nghiên cứu xây dựng các bài tập thực hành và lập trình mô phỏng; nghiên cứu thiết kế lắp đặt phần cứng và trang thiết bị kết nối.
Các cán bộ nghiên cứu đã tận dụng và khai thác tối đa công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng tại Việt Nam như: Áp dụng công nghệ FPGA; cổng kết nối truyền thông RS232; công nghệ nhúng để chế tạo phần cứng, cho phép tác động đồng thời 300 cổng tín hiệu đầu vào và 64 cổng tín hiệu đầu ra. Phần mềm ứng dụng để viết chương trình là Visual C++ 6.0; Visual Basic. NET; DAO, RDO, ADO…
Sản phẩm của đề tài được hình thành gồm 2 khối thiết bị gồm: ca bin mô phỏng và bàn giáo viên. Các khối thiết bị này cho phép:
- Mô phỏng trên buồng lái các thao tác thông điện kiểm tra của 36 bài huấn luyện thực hành thuộc 4 chuyên ngành kỹ sư hàng không
- Mô phỏng trên bàn giáo viên các giao diện kiểm soát quá trình thực hành của học viên, tự động so sánh các động tác sai và sao lưu lại kết quả
- Có thể lựa chọn các trường hợp hỏng hóc để tạo tín hiệu giả về hỏng hóc nhằm kiểm tra khả năng xử lý hỏng hóc của học viên
- Tạo tín hiệu âm thanh giống như âm thanh hoạt động của máy bay
- Sử dụng mã nguồn lập trình mở có thể thay đổi nội dung các bài thực hành.
|
Thiết bị buồng lái mô phỏng dùng để đào tạo kỹ sư hàng không. |
“Việc đưa thiết bị vào huấn luyện rất tiết kiệm, do giá thành thấp hơn so với thiết bị nhập ngoại. Đề tài giúp tăng cường luyện tập cho người học sát thực tế, khí tài, trang bị; nâng cao trình độ, khả năng làm chủ và nghiên cứu khoa học của cán bộ. Thiết bị còn có thể nghiên cứu, nâng số lượng bài tập thông điện lên hàng trăm bài khi nâng cấp số cổng kết nối truyền thông RS232 và lập trình thêm các bài huấn luyện...”, Thiếu tướng Trần Văn Thanh nói.
Trước yêu cầu nhiệm vụ giáo dục – đào tạo trong tình hình mới, Học viện Phòng không- Không quân đã tích cực, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, nghiên cứu khoa học. Cùng với nghiên cứu, chế tạo thiết bị huấn luyện thực hành trên máy bay Su-27, học viện còn nghiên cứu ra nhiều phần mềm mô phỏng, thiết bị mô phỏng phục vụ huấn luyện.
Thiết bị mô phỏng các loại radar của học viện không chỉ phục vụ học viên học tập mà còn được Cục Quân huấn (Bộ Tổng tham mưu) đặt hàng sản xuất cấp cho các đơn vị.
Hiện tại, các cán bộ khoa học của học viện đang tập trung thực hiện dự án “Sở chỉ huy diễn tập sư đoàn phòng không - không quân”. Sau khi hoàn thành sẽ bảo đảm cho việc diễn tập thực nghiệm, đánh giá chính xác quyết tâm, hiệu suất chiến đấu của từng phương án tác chiến, trong các đề tài, đề án, luận văn…
Đại tá Vũ Đình Lục, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường của học viện nhận xét: “Việc nghiên cứu, chế tạo các thiết bị mô phỏng có tác động tích cực giáo dục – đào tạo và đổi mới phương pháp dạy - học tiến hành nhanh chóng, hiệu quả; phong trào nghiên cứu khoa học của học viện ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Nhiều đề tài, sáng kiến tập trung vào các phần mềm mô phỏng, thiết bị mô phỏng phục vụ thiết thực nhiệm vụ giáo dục – đào tạo”.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mô phỏng trong huấn luyện, giáo dục – đào tạo là chủ trương lớn của Quân ủy Trung ương để nâng cao chất lượng huấn luyện của các đơn vị, nhà trường thời gian tới.
Từ những kết quả đạt được, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mô phỏng trong giáo dục – đào tạo của học viện, thực hiện “nhà trường đi trước đơn vị”, Thiếu tướng Trần Văn Thanh kiến nghị: “Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, tổ chức chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ mô phỏng và biên chế thành lực lượng chuyên trách quản lý, khai thác, phát triển công nghệ mô phỏng.
Học viện rất cần có một trung tâm mô phỏng phục vụ thiết thực nhiệm vụ giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học. Để các sản phẩm công nghệ mô phỏng bảo đảm yêu cầu kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, quá trình nghiên cứu cần có sự phối hợp, hiệp đồng, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các nhà trường, viện nghiên cứu và các đơn vị.
Cùng với việc tiếp tục đầu tư kinh phí cho học viện triển khai các đề tài nghiên cứu, chế tạo các thiết bị mô phỏng mới, hiện đại; các sản phẩm mô phỏng có chất lượng cần cho phép sản xuất, cấp cho các đơn vị để tận dụng kỹ thuật, công nghệ, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành…”
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: