Vì sao siêu đạn pháo thông minh Excalibur “thất nghiệp”?

Google News

(Kiến Thức) - Với bán kính lệch mục tiêu chỉ là 4m, lẽ ra đạn pháo thông minh Excalibur (Mỹ) phải rất "đắt hàng" tuy nhiên thực tế lại ngược lại.

Vấn đề trong Quân đội Mỹ hiện nay, đó là dù đạn pháo có điều khiển bằng GPS có độ chính xác rất cao trong chiến đấu, nhưng lại ít được sử dụng hơn so với dự kiến. Vì thế, số lượng đặt hàng của loại đạn pháo được sử dụng từ năm 2007 này đã bị cắt giảm. 

Việc loại đạn pháo có điều khiển 155mm dẫn đường bằng GPS mang tên Excalibur ít được sử dụng thường xuyên, chủ yếu là do luôn “chậm chân” so với các loại vũ khí chính xác cao khác. 

Ngày càng có nhiều vũ khí được điều khiển thông qua GPS hoặc bằng tia lade có độ chính xác không hề thua kém Excalibur. Hệ thống pháo phản lực phóng loạt với đạn pháo có điều khiển bằng GPS đã trở nên phổ biến. Quân đội Mỹ cũng sử dụng rất nhiều tên lửa dẫn đường bằng lade AGM-114 Hellfire bắn từ trực thăng AH-64. Ngoài việc giảm sản xuất Excalibur, Quân đội Mỹ cũng cắt giảm đơn đặt hàng cho loại đạn cối có điều khiển bằng GPS 120mm sau một năm sử dụng.

 Đạn pháo thông minh Excalibur có giá thành khá đắt đỏ.
Excalibur còn gặp phải một đối thủ cạnh tranh khác, đó là các bộ dẫn đường cho đạn pháo PGK (Projectile Guidance Kit). PGK khá dễ dàng sử dụng, chỉ cần lắp đặt lên một quả đạn pháo 105mm hay 155mm thông thường sẽ thành đạn pháo có điều khiển. Dĩ nhiên PGK kém chính xác hơn Excalibur, nhưng PGK có cơ chế đảm bảo đạn pháo chỉ nổ cách mục tiêu định trước 50m. Nếu đạn được lắp bộ dẫn đường PGK không đánh trúng bán kính 150m, nó sẽ bị vô hiệu hóa và không kích nổ. Trong khi đó, đạn pháo không điều khiển thông thường có thể lệch mục tiêu từ 250-300m. 

Đạn Excalibur rất chính xác, chỉ sai lệch khoảng 4m so với mục tiêu tấn công định trước, nhưng giá thành đắt gấp đôi so với PGK. Quân đội Mỹ đã gửi khá nhiều bộ dẫn đường PGK tới Afghanistan, sau khi thử nghiệm thành công trong nước. Quân đội đã chọn giải pháp rẻ tiền hơn, nhưng độ chính xác vẫn chấp nhận được.

Một yếu tố khác gây hại cho Excalibur và đạn cối có điều khiển 120mm là giá thành. Excalibur được cho là có giá khoảng 50.000USD/quả, thậm chí là lên đến 100.000USD/quả. Tất nhiên, với vũ khí Mỹ thì cái giá 100.000USD cũng không phải là quá đắt (tên lửa chống tăng Javelin cũng có giá tương tự). Đạn cối 120mm có điều khiển GPS (sử dụng công nghệ tương tự như PGK) cũng khá đắt tiền, nhưng không nhiều như Excalibur. Còn các đạn pháo phản lực phóng loạt có điều khiển cũng có giá 100.000 USD nhưng có tầm bắn xa hơn nhiều, và sát thương lớn hơn.

 Hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS - "kẻ cướp ngôi" đạn pháo Excalibur.
Một trong những hệ thống pháo phản lực phóng loạt có điều khiển điển hình là HIMARS, có giá khoảng 3 triệu USD/hệ thống. HIMARS chỉ mang được 6 rocket trong một thùng phóng (thay vì 2 thùng phóng như các hệ thống thông thường). Tuy nhiên, một xe tải 12 tấn của HIMARS có thể dễ dàng vận chuyển bằng máy bay C-130, không như các hệ thống thông thường nặng 22 tấn. Hệ thống HIMARS đầu tiên đi vào hoạt động trong năm 2005, khoảng một năm sau khi đạn pháo phản lực dẫn đường GPS đi vào biên chế.

Đạn rocket 227mm của HIMARS nặng 309kg, bắn xa đến 70km và có độ sai số so với mục tiêu dự định chưa đến 1m. Điều này có được vì nó sử dụng hệ dẫn GPS cùng với hệ thống dẫn đường quán tính dự phòng để tìm mục tiêu. Trong năm 2008, quân đội thử nghiệm pháo phản lực phóng loạt có điều khiển ở cự ly tối đa (khoảng 85km) và thấy rằng nó làm việc tốt. Điều này cho phép một hệ thống HIMARS hỗ trợ hỏa lực cho quân đội trên một tuyến dài 170 km hoặc diện tích hơn 20.000 km2. Đây là một bước tiến rất lớn của đạn pháo có điều khiển, và thay đổi về cơ bản việc triển khai pháo binh trong chiến đấu. Bởi Excalibur tầm bắn tối đa là 37 km và đạn cối có điều khiển 120mm chỉ là khoảng 7,5 km.

Quân đội Mỹ đã mua hơn 800 hệ thống HIMARS cùng với 100.000 quả đạn pháo có điều khiển, hầu hết được trang bị đầu đạn 89kg nổ mạnh. Những viên đạn pháo phản lực này đã được sử dụng thành công ở Iraq và Afghanistan, nơi gần 2.000 quả đạn pháo đã được bắn tính cho đến nay. HIMARS đã tỏ ra rất hữu dụng khi chi viện hỏa lực chính xác cho quân Mỹ.
 Nhu cầu sử dụng đạn pháo thông thường vẫn còn rất lớn trên chiến trường.
Còn những quả đạn cối có điều khiển 120mm chỉ chứa khoảng 2,2 kg chất nổ, so với 6,6 kg trong một đạn pháo Excalibur 155mm. Lượng chất nổ ít hơn sẽ hạn chế thiệt hại phụ cho dân thường, nhưng ở Afghanistan thì quân Mỹ cần những hỏa lực mạnh nhất có thể.

Excalibur phù hợp hơn với chiến trường Iraq, nhưng Quân đội Mỹ đang tham chiến chủ yếu ở Afghanistan. Hơn nữa, có rất nhiều vũ khí chính xác có sẵn trong trang bị bộ binh (ví dụ như tên lửa Javelin có đầu đạn 4kg, và TOW có đầu đạn 5,9 hay tên lửa Hellfire có đầu đạn 9kg). Lực lượng không quân cũng có bom có điều khiển SDB nặng 114kg, mang theo 23kg chất nổ.

Trong khi đó, vẫn còn nhu cầu sử dụng đạn pháo không điều khiển 155mm và đạn cối 120mm. Có những lúc cần phải có hỏa lực trải trên một diện tích lớn, và đạn pháo không điều khiển sẽ làm tốt nhất, với giá rẻ nhất. 

Các nhà sản xuất Excalibur cũng đã chế tạo một loại đạn pháo dùng cho pháo 127mm của tàu hải quân. Chúng được sử dụng trên nhiều chiến hạm cho phép diệt mục tiêu chính xác hơn từ khoảng cách xa đến 40km.
Lương Minh

Bình luận(0)