“Ông vua” pháo binh Việt Nam
Đầu những năm 1960, Việt Nam bắt đầu nhận viện trợ của Liên Xô lựu pháo tầm xa M-46 130mm.
Lựu pháo tầm xa M-46 do nhà máy MOTZ (Liên Xô) thiết kế từ cuối những năm 1950, và đưa vào sản xuất loạt từ 1954-1971. Pháo được thiết kế cho nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực bộ binh và chống tăng khi cần.
M-46 là loại pháo xe kéo nặng 7,7 tấn, dài 11,73m, cao 2,55m. Pháo cỡ nòng 130mm được đặt trên khung gầm có 2 bánh lốp, có thể kéo bằng xe vận tải hạng nặng hoặc xe kéo bánh xích chuyên dụng.
|
Lựu pháo tầm xa 130 của bộ đội pháo binh Việt Nam trong chiến đấu. |
Pháo được thiết kế hệ thống hãm giật 2 xilanh đặt trên và dưới nòng pháo. Pháo có một khiên chữ V để bảo vệ pháo thủ trước mảnh bom, đạn pháo. Tuy nhiên, khiên này được đánh giá là khá hạn chế, khó bảo vệ được pháo thủ.
Lựu pháo M-46 thiết kế với pháo nòng dài cỡ 130mm cho phép đạt tầm bắn xa tới 27km, tốc độ bắn cao nhất tới 8 phát/phút. Pháo có khả năng bắn nhiều loại đạn như: đạn nổ phá mảnh; đạn xuyên giáp; đạn khói; đạn chiếu sáng và đạn hóa học.
Với tầm bắn xa tới 27km, đây được xem là khẩu pháo bắn xa nhất của pháo binh Việt Nam, hoặc có thể coi M-46 là “ông vua pháo binh Việt Nam”.
Chiếm ưu thế trước “vua chiến trường” Mỹ
Tháng 4/1967, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn Pháo binh 204) trang bị lựu pháo M-46 nhận lệnh hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Đây là lần đầu tiên ta đưa pháo 130mm này vào chiến đấu.
Thời kỳ này, ở Quảng Trị quân Mỹ đang bố trí siêu pháo tự hành M107 175mm. Khi sang Việt Nam, loại pháo này còn được quân đội Sài Gòn đặt biệt danh “vua chiến trường” vì có tầm bắn xa, uy lực mạnh.
So về sức cơ động thì M107 nổi trội hơn M-46 khi đặt sẵn trên khung gầm xe bánh xích. Ngay sau khi bắn xong, nó có thể nhanh chóng di chuyển khỏi trận địa cũ tránh phản pháo. Ngoài ra, tầm bắn của pháo 175mm cũng xa tới 40km, khả năng công phá của đạn cũng mạnh hơn.
|
Pháo 175mm của quân Mỹ tuy có tầm bắn lớn nhưng tốc độ bắn thua xa pháo 130mm. |
Tuy nhiên, nếu so về tốc độ bắn thì M-46 lại chiếm ưu thế so với M107. Trong chiến đấu, tốc độ của pháo 175mm chỉ 2-3 phát/phút còn M-46 đạt đến 8-10 phát/phút. Bởi vậy khi đưa pháo 130mm vào chiến trường Quảng Trị, pháo binh ta đã tạo được ưu thế lớn trong các trận đấu pháo với địch.
Ngày 13/7/1967, Tiểu đoàn 1 dùng 6 khẩu pháo 130mm tập kích căn cứ Đông Hà (Quảng Trị). Cuộc pháo kích đã phá hủy hoàn toàn 13 máy bay, làm hỏng 2 đài radar và gây thương vong cho 200 tên địch.
“Khiếp vía” trước uy lực pháo 130mm, quân Mỹ phải lùi các căn cứ, kho tàng sâu về phía Nam sông Bến Hải để tránh tầm pháo của ta.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: