Vạch trần “bí kíp” làm chủ công nghệ tàu ngầm của TQ (2)

Google News

(Kiến Thức) - Tương tự quá trình phát triển tàu ngầm thông thường, chương trình tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc cần phải có sự giúp đỡ của Nga mới hoàn thiện.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là một trong những vũ khí quan trọng mà bất kỳ quốc gia nào muốn xưng hùng xưng bá với thế giới đều phải sở hữu nó.  Với tham vọng to lớn, Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc trong việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Type 091 không thể hoạt động vì an toàn

Bắc Kinh bắt tay vào chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầy tham vọng vào năm tháng 06/1958, rất lâu trước khi nước này có thể tự sản xuất được  tàu ngầm điện - diesel. Khi mối quan hệ “trăng mật” với Liên Xô bị sụp đổ vào những năm 1960 khiến chương trình tham vọng này lâm vào bế tắc.

Chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược bị đình chỉ vào năm 1963, tuy nhiên đến năm 1965 các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ thị tiếp tục nối lại công việc nghiên cứu phát triển tàu ngầm hạt nhân. Một trong những công việc quan trọng nhất là phát triển lò phản ứng hạt nhân đặt trên tàu ngầm.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 091 lớp Hán.


Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 091 lớp Hán được hoàn thành vào năm 1970, bắt đầu thử nghiệm năm 1974. Tuy nhiên, chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc phải nằm “đắp chiếu” hơn 1 thập kỷ vì lò phản ứng không an toàn để hoạt động. Mặt khác chiếc tàu ngầm này không có một quả ngư lôi phù hợp để trang bị cùng hệ thống điều khiển hỏa lực thích hợp.

Những 1980, tranh thủ mối quan hệ thân mật với Pháp, Bắc Kinh đã ngỏ ý cầu viện Paris giúp đỡ hoàn thiện lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm. Giai đoạn 1977-1990 thêm 4 chiếc tàu ngầm lớp Hán được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong Hạm đội Bắc hải.

Khi đưa vào sử dụng, các tàu ngầm hạt nhân này chủ yếu để “làm cảnh” sau khi trải qua quá trình hiện đại hóa lớn vào những năm 1990 những tàu ngầm này mới được bổ sung và có khả năng sử dụng vũ khí gồm ngư lôi và tên lửa chống tàu YJ-83.

Type 092 - tàu ngầm hạt nhân chiến lược rởm

Sau khi hoàn thành tàu ngầm hạt nhân Type 091, Trung Quốc tiếp tục bắt tay phát triển tàu ngầm hạt nhân có khả năng mang tên lửa đạn đạo mang tên Type 092 lớp Hạ. Chương trình tàu ngầm này được khởi xướng cùng thời điểm với sự phát triển của tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm JL-1.

Độ an toàn của lò phản ứng tiếp tục là vấn đề đau đầu đối với các kỹ sư Trung Quốc, mặt khác con tàu này không có khả năng phóng tên lửa ở trạng thái ngập nước. Chỉ duy nhất một chiếc lớp này được chế tạo đưa Trung Quốc vào hàng ngũ các quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092.


Tuy nhiên chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược này chỉ là “đồ rởm” và nó phải nằm đắp chiếu tại cảng nhiều hơn là hoạt động vì độ bức xạ hạt nhân của tàu tương đối cao.

Lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm vẫn là một bài toán chưa thể giải đối với các kỹ sư Trung Quốc cho đến đầu những năm 2000. Người ta chỉ thấy những chiếc tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc lởn vởn tại các vùng biển gần bờ càng làm tăng thêm mối hoài nghi về khả năng hoạt động chiến đấu của nó.

Bước đột phá với sự trợ giúp của Nga

Trong khi loay hoay với việc hoàn thiện chất lượng các tàu ngầm hạt nhân thì may mắn tiếp tục gõ cửa Trung Quốc.

Theo một số nguồn tin không chính thức, Nga đã chuyển giao bản vẽ kỹ thuật và công nghệ tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Victor III cho Trung Quốc để hoàn thiện công nghệ tàu ngầm hạt nhân nước này.

Chương trình tàu ngầm hạt nhân tấn công chiến lược Type 093 được hoàn thành với sự giúp đỡ này. Sự tác động từ Nga đã cho thấy kết quả tích cực, tàu ngầm tấn công hạt nhân Type 093 đã đạt được các bước đột phá quan trọng để tiếp cận gần hơn với công nghệ tàu ngầm  hiện đại của thế giới.

Mặc dù còn kém xa so với chất lượng các tàu ngầm tấn công hạt nhân hiện đại của Nga, Mỹ những sự ra đời của lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân Type 093 có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với lực lượng hải quân các nước trong khu vực. Ít nhất 6 chiếc tàu ngầm lớp này đã được đưa vào sử dụng đến năm 2010.

Nhờ sự giúp đỡ từ Nga, Trung Quốc đã có thêm cơ sở để hoàn thành việc phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo liên lục địa đúng nghĩa.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094.


Chương trình tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 lớp Tấn được hoàn thành chiếc đầu tiên vào năm 2004 và chiếc thứ 2 vào năm 2007.

Điểm nhấn của lớp tàu ngầm này là có khả năng phóng tên lửa từ dưới nước, khả năng quan trọng mà trước đó rất lâu Trung Quốc không thể làm được. Lớp tàu ngầm được trang bị 12 ống phóng cho tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 với tầm bắn khoảng 7.000-8.000km.

Mặc dù độ an toàn và năng lượng cung cấp từ các lò phản ứng hạt nhân do Trung Quốc chế tạo không được công bố, nhưng chắc chắn nước này đang từng bước làm chủ được các công nghệ thuộc hàng chiến lược để xây dựng bộ ba răn đe hạt nhân.

Người ta thường bảo “không thầy đố mày làm nên”, sự nhúng tay của Nga vào các chương trình phát triển công nghệ tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đã đưa nước này vào hàng ngũ những quốc gia sở hữu khả năng răn đe hạt nhân trên biển đáng sợ.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Phan Nguyễn

Bình luận(0)