Tờ Washington Free Beacon của Mỹ cho hay, tại Hội nghị An ninh lần thứ 1, khi được hỏi hệ thống vũ khí nào của Trung Quốc khiến Mỹ quan tâm nhất nếu 2 nước xảy ra xung đột, tư lệnh tác chiến Hải quân Mỹ Jonathan W. Greenert cho rằng, đó là tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. “Nếu xung đột xảy ra, với tầm bắn của tên lửa đạn đạo Trung Quốc thì tôi có chút lo lắng”, ông nói.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã nghiên cứu nhiều loại hệ thống tên lửa tiên tiến, bao gồm tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D được thiết kế dùng để tấn công tàu sân bay Mỹ khi cách bờ biển Trung Quốc hàng trăm dặm. DF-21D được giới chuyên gia quốc tế gọi là “sát thủ tàu sân bay” mà Hải quân Mỹ dường như không thể phòng thủ.
|
Ảnh minh họa.
|
Thực sự thì DF-21D đã khiến cho giới chức Mỹ bày tỏ sự lo ngại lớn. Trong báo cáo thực lực quân sự Trung Quốc năm 2014 của Lầu Năm góc đệ trình lên quốc hội nước này cho biết, DF-21D giúp cho quân đội Trung Quốc có khả năng tấn công tàu chiến lớn tại Thái Bình Dương, bao gồm tàu sân bay.
Xung đột Mỹ-Trung trong tương lai, còn có một mối đe dọa lớn khác là tàu khu trục tên lửa Type 052D của Trung Quốc. Theo Lầu Năm góc, tàu khu trục tên lửa Type 052D trang bị hệ thống phóng thẳng đứng có thể mang nhiều loại tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa hành trình tấn công mặt đất, tên lửa hạm đối không và tên lửa chống ngầm. Hiện Trung Quốc đang có kế hoạch đóng 12 tàu khu trục 052D.
Ngoài ra, trước đó giới quan chức quốc phòng Mỹ cũng bày tỏ sự lo ngại về biến thể nâng cấp của oanh tạc cơ H-6 – H-6K có khả năng mang được 6 tên lửa hành trình CJ-10 có tầm bắn 2.000-3.000km đủ sức vươn tới Guam.
Báo cáo của Lầu Năm góc cho rằng, nhìn từ bối cảnh tổng thể hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, việc phát triển tên lửa thông thường của Trung Quốc rất nhanh chóng. Chỉ 10 năm trước, Trung Quốc còn chưa có khả năng tấn công mục tiêu nằm cách xa bờ biển. Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc đã có hơn 1.000 quả tên lửa đạn đạo và vô số tên lửa hành trình từ tầm ngắn – cực xa. Các hệ thống này đều có khả năng vươn tới căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn – Nhật, ở Guam và vươn tới tận lãnh thổ Mỹ.
|
Trung Quốc đã sở hữu bộ sưu tập tên lửa hành trình từ tầm vài trăm tới vài nghìn km.
|
Bên cạnh đó, tên lửa Trung Quốc ngày càng chính xác, thích hợp để tấn công cơ sở không quân, cơ sở hạ tầng hậu cần và cơ sở hạ tầng đất liền khác, chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng, trong chiến tranh hiện đại những tài sản này rất dễ bị tấn công. Nếu kết hợp tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình phóng trên đất liền và trên không với lực lượng khác sẽ tạo thành mối đe doạ nguy hiểm đối với mục tiêu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Mặc dù Trung Quốc đang xây dựng lực lượng tàu sân bay, nhưng tướng Jonathan W. Greenert không đặc biệt quan tâm đến sự phát triển tàu sân bay của Trung Quốc. Vì tác chiến tàu sân bay của Mỹ hiện nay có thể phục vụ cho 100 máy bay cất cánh và hạ cánh, còn tàu Liêu Ninh của Trung Quốc chỉ có thể đáp ứng cất hạ cánh cho 10 máy bay. Trước khi Trung Quốc có thể sử dụng thành công tàu sân bay để triển khai các hoạt động thì nước này vẫn còn rất nhiều công việc cần phải làm.
Trong chuyến thăm Trung Quốc và lên tàu sân bay Liêu Ninh của nước này, tướng Jonathan W. Greenert cho rằng, hiện nay tàu sân bay duy nhất hiện có của Trung Quốc vẫn đang trong qua trình phát triển, không thể sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ tấn công trên không.
Theo mô tả của tướng Mỹ, tàu sân bay Trung Quốc có “đầy đủ” màu sắc Nga, “to, nặng và cồng kềnh” dù được trang bị hệ thống điện tử hiện đại “made in China”.