Nhà phân tích quân sự Ilya Kramnik phát biểu trên Đài Tiếng nói nước Nga, Trung Quốc có thể lại một lần nữa chuyển sang mua các hệ thống vũ khí do Nga sản xuất như những gì họ đã làm trong đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ.
Kramnik cho biết, Công ty quốc doanh Rosoboronexport của Nga đã đạt kim ngạch xuất khẩu vũ khí trong năm 2013 là 13,2 tỷ USD. Và công ty này thực hiện các hợp đồng xuất khẩu vũ khí tới 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có “6 khách hàng quan trọng” chiếm 75% tổng giá trị các hợp đồng và công ty này còn cung cấp các hệ thống vũ khí cho các quốc gia đang phát triển. Như vậy, Nga đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới trong năm 2013, chỉ đứng sau Mỹ với doanh thu đạt 23,6 tỷ USD. Còn Pháp đứng thứ ba nhưng giá trị xuất khẩu của Pháp chỉ đạt 6,9 tỷ USD.
|
Tiêm kích đa năng Su-30MKI.
|
Với sự cho phép từ Nga, Ấn Độ hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới được cấp phép và sản xuất hàng loạt hệ thống vũ khí của Nga. Vào đầu năm 2013, Không quân Ấn Độ đã tiếp nhận 170 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MKI theo hợp đồng ký kết giữa hai nước vào năm 2000. Ban đầu hợp đồng này chỉ cho phép Ấn Độ sở hữu 140 chiếc Su-30MKI , nhưng sau đó các điều khoản trong bản hợp đồng này đã được sửa đổi hai lần trong năm 2007 và 2012 cho phép Không quân Ấn Độ có thể mua hơn 220 chiếc.
Theo Kramnik, những chiếc Su-30MKI là thành tựu mới của ngành hàng không quân sự của Nga. Ngoài ra, Ấn Độ cũng được phía Nga cho phép chế tạo những chiếc máy bay chiến đấu đa năng trong nước như một điều khoản được ký kết giữ hai bên. Nga cũng chịu trách nhiệm đào tạo và huấn luyện phi công cho lực lượng Không quân Ấn Độ. Với hợp đồng này chính phủ Nga đã thu về khoản 12-15 tỷ USD trong hơn 10 năm qua.
Trong khi đó, một hợp đồng quân sự khác giữa Nga và Ấn Độ được ký kết vào năm 2001 và 2007 với việc Nga cung cấp 2.000 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 cho Quân đội Ấn Độ. Theo đó sẽ có một số lượng những chiếc T-90 được sản xuất tại Ấn Độ, nhưng đổi lại một số bộ phận phục vụ cho việc sản xuất những chiếc T-90 sẽ do Nga cung cấp. Được biết giá trị của hợp đồng này lên tới 6 tỷ USD, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Ấn Độ có đủ khả năng sản xuất 140 chiếc T-90/năm.
|
Nhờ công nghệ Nga chuyển từ đầu những năm 1990, Trung Quốc mới phát triển được tiêm kích thế hệ 4 J-11.
|
Ấn Độ trước đây đã có kinh nghiệm sản xuất các hệ thống vũ khí do Liên Xô cung cấp như máy cường kích MiG-27 và xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và thêm vào đó hiện nay Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất của Nga.
Theo nhận định của các nhà phân tích quốc phòng, trong tương lai Trung Quốc có thể sẽ trở lại là một thị trường tiềm năng cho các công ty quốc phòng của Nga như những gì mà Bắc Kinh đã từng làm vào đầu những năm 1990. Điều này là có cơ sở khi hầu hết các loại vũ khí được thiết kế bởi Quân đội Trung Quốc trong những năm qua như máy bay chiến đấu J-11, máy bay chiến đấu trang bị trên tàu sân bay J-15, máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 Y-20, máy bay ném bom chiến lược tầm trung H-6 hay hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, đều được dựa trên các bản sao của các hệ thống vũ khí cũ do Nga chế tạo trong cuối thời kì Chiến tranh lạnh.
|
Su-35 có lẽ là tín hiệu cho thấy Trung Quốc một lần nữa muốn "nắm tay" Nga giúp đỡ nâng cấp sức mạnh quân sự.
|
Trước đây Trung Quốc từng được hưởng lợi từ sự sụp đổ của Liên Xô khi nguồn nhân lực quốc phòng từ các ngành công nghiệp quốc phòng của Nga và Ukraine bị bỏ rơi do thiếu hụt ngân sách và việc này diễn ra suốt 1 thập kỷ, chính điều này đã giúp Trung Quốc sở hữu một số lượng lớn công nghệ cũng như vũ khí do Liên Xô chế tạo.
Trong những năm gần đây với sự trở lại đầy mạnh của nền công nghiệp quốc phòng của Nga ít nhiều cũng dành được sự quan tâm của Bắc Kinh điển hình là việc quân đội Trung quốc muốn mua phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu Su-35S của Nga. Đó là tín hiệu rằng Bắc Kinh một lần nữa hy vọng sẽ sở hữu được các loại vũ khí tiên tiến của Nga nhằm nâng cấp kho vũ khí lỗi thời của mình. Tất nhiên là sau khi đã có được các loại vũ khí trên Trung Quốc sẽ có những bản sao y hết với những cái tên khác, và bản thân người Nga cũng nhận thức được điều đó.