TQ đánh giá lực lượng tàu ngầm láng giềng (P2)

Google News

(Kiến Thức) - Thời báo Hoàn Cầu cho rằng sức mạnh tàu ngầm của Triều Tiên “tuy đông nhưng yếu”, còn Ấn Độ đang ra sức xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm Triều Tiên: “đông nhưng không mạnh”
Thời báo Hoàn cầu nhận định, nhìn vào số lượng, thì tàu ngầm của Hải quân Triều Tiên thuộc top đầu trên thế giới với 4 tàu ngầm phi hạt nhân Project 613 (NATO định danh là lớp Whiskey), 22 tàu ngầm phi hạt nhân Type 033 (NATO định danh là lớp Romeo), 29 tàu ngầm mini Sang-O và số lượng đáng kể lớp Yugo.
Nhưng nhìn vào chất lượng thì năng lực tác chiến tàu ngầm Triều Tiên là không mạnh. Tàu ngầm Project 613 do Liên Xô sản xuất từ những năm 1950 đã rất cũ, cơ bản không có khả năng chiến đấu.
Vì thế, tàu ngầm Type 033 trở thành tàu chủ lực của lực lượng tàu ngầm Triều Tiên hiện nay, tuy không mới nhưng trải qua nhiều lần nâng cấp của Triều Tiên, có thể nói là có khả năng tác chiến nhất định.
 Tàu ngầm phi hạt nhân Type 033 của Hải quân Triều Tiên.

Theo một số nguồn tin quốc tế, 22 chiếc tàu ngầm Type 033 được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong đó có 4 chiếc được lắp ráp ở Trung Quốc, phần còn lại được chuyển giao công nghệ, vật liệu cho Triều Tiên lắp ráp trong nước.
Tàu ngầm Type 033 là một thiết kế sao chép từ tàu ngầm Project 633 của Liên Xô. Tàu có lượng giãn nước 1.475 tấn khi nổi và 1.830 tấn khi lặn, dài 76,6m, rộng 6,7m, mới nước 5,2m.
Nhìn chung, về kiểu dáng thì con tàu sao chép gần như nguyên vẹn thiết kế thủy động lực học của Project 633. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có một số cải tiến để hạn chế tiếng ồn khi hoạt động.
Cụ thể theo quảng cáo từ phía Trung Quốc, độ ồn của tàu ngầm Type 033 sau khi được Trung Quốc “cải tiến” giảm xuống còn 20dB. Hệ thống định vị thủy âm trên tàu ngầm cũng liên tục được nâng cấp.
Vũ khí chính của Type 033 gồm 8 máy phóng ngư lôi cỡ 533mm (6 ống ở đầu, 2 ống ở đuôi) có khả năng bắn 2 loại ngư lôi gồm: Yu-1 (tầm bắn 9km) và Yu-4 (tầm bắn 6km) đều dùng đầu tự dẫn âm thanh thụ động.
Ấn Độ khẩn trương xây dựng tàu ngầm hạt nhân
Hải quân Ấn Độ hiện đã trở thành hải quân có thực lực mạnh nhất trong khu vực Nam Á và đang tích cực đưa lực lượng chiến lược mở rộng ra khu vực Đông Nam Á và vịnh Péc xích.
Hải quân Ấn Độ hiện biên chế 14 tàu ngầm phi hạt nhân chạy động cơ điện - diesel gồm: 10 tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo và 4 tàu ngầm Type 209 do Đức chế tạo. Tuy nhiên những tàu ngầm này đang giảm dần tuổi thọ và có nguy cơ phải ngừng hoạt động.
 Tàu ngầm phi hạt nhân tấn công lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ.

Để thay thế tàu ngầm lớp Kilo và Type 209 cũ, hiện nay dưới sự giúp đỡ của Pháp thì Ấn Độ đang đóng 6 tàu ngầm lớp Scorpene. Đến năm 2015 chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao cho hải quân Ấn Độ. Tuy lượng giãn nước của tàu ngầm lớp Scorpene không lớn, nó có thể làm cho khả năng tác chiến dưới nước của Hải quân Ấn Độ được nâng cao rất nhiều.
Tàu ngầm Scorpene được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể mang và phóng được các vũ khí như ngư lôi hạng nặng điều khiển bằng dây dẫn Black Shark, tên lửa chống tàu tầm ngắn SM-39 Exocet.
Bên cạnh đó, Ấn Độ đang tập trung phát triển lực lượng tàu ngầm hạt nhân tấn công, chiến lược. Tháng 4/2012, tàu ngầm hạt nhân tấn công mang tên Nerpa thuộc Project 941 mà Ấn Độ thuê của Nga đã bắt đầu đưa vào phục vụ.
Lượng giãn nước của INS Chakra (tên mới của tàu Nerpa) khi lặn hơn 12.000 tấn, trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm và 4 ống phóng ngư lôi 650 mm, có thể phóng các loại vũ khí như tên lửa hành trình, ngư lôi. Thời gian thuê tàu ngầm này là 10 năm, sự tham gia của INS Chakra giúp cho Ấn Độ trở thành quốc gia có tàu ngầm hạt nhân thứ 6 sau Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc.
 "Quả đấm hạt nhân" INS Chakra của Hải quân Ấn Độ.

Ấn Độ còn có mục tiêu phát triển từ nay tới năm 2020 phải sở hữu 5 tàu ngầm hạt nhân, trong đó 2 tàu ngầm sẽ được thuê từ Nga, 3 tàu còn lại thuộc lớp Arihant là tự đóng.
Dù vậy, theo Hoàn Cầu, tầm phóng của tên lửa trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược INS Arihant do Ấn Độ tự đóng chỉ có 700 km, tuy có khả năng răn đe chiến lược nhấn định, nhưng chỉ khu vực ven biển gần quốc gia khác mới có thể phát huy tác dụng. Vì vậy, nó sẽ rất khó cạnh tranh được với những tàu ngầm hạt nhân của các cường quốc khác.
Đông Nam Á tăng cường tàu ngầm
Ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia có 2 tàu ngầm Type 209 là quốc gia có tàu ngầm đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á. Và gần đây Indonesia còn ký hợp đồng mua 3 tàu ngầm Type 209 với Hàn Quốc.
Trong khi Singapore sớm đã mua 4 tàu ngầm lớp Challenger từ Thụy Điển, sau đó lại mua 2 chiếc thuộc lớp Archer hiện đại, xây dựng hạm đội tàu ngầm lớn nhất Đông Nam Á.
Tàu ngầm phi hạt nhân RSS Swordsman thuộc lớp Archer của Singapore.

Hai tàu ngầm lớp Scorpene mà Malaysia đặt mua từ Pháp cũng đã được bàn giao và tiến hành bắn thử nghiệm tên lửa hành trình chống tàu SM-39 Exocet tại khu vực biển Đông.
Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng đã mua từ Nga 6 tàu ngầm tấn công Kilo 636 hiện đại được trang bị ngư lôi và tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh 3M54 Klub-S.
Có báo cáo cho rằng, Thái Lan cũng chuẩn bị mua ít nhất 4 tàu ngầm, nhưng hiện vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng là mua của quốc gia nào.
Hoàn Cầu nhận định, với xu thế phát triển hiện nay, cuộc chạy đua vũ trang tàu ngầm giữa các nước trong khu vực đã ngày càng tăng cao. Theo đánh giá, trong 10 năm tới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có ít nhất 9 nước thực hiện 18 dự án đóng tàu ngầm, liên quan đến 83 tàu ngầm, trong đó có ít nhất một nửa là chế tạo tàu ngầm dùng hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP).
Bằng Hữu

Bình luận(0)