TQ đánh giá lực lượng tàu ngầm láng giềng (P1)

Google News

(Kiến Thức) - Thời báo Hoàn cầu cho rằng, do tranh chấp biển ngày càng tăng các nước láng giếng Trung Quốc đang tập trung xây dựng lực lượng tàu ngầm.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, với việc tranh chấp quyền lợi biển ngày càng tăng, những năm gần đây các nước láng giềng Trung Quốc đang cố găng tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là thực lực hải quân. Trong đó đáng chú ý là việc phát triển lực lượng tàu ngầm của các nước.

Nhật Bản đẩy mạnh việc phát triển tàu ngầm

Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, khả năng quân sự của Nhật Bản bị phá hủy gần như hoàn toàn, do chịu ảnh hưởng bởi Hiến pháp hòa bình và giới hạn của Công ước quốc tế, cho tới nay Nhật Bản chỉ có thể phát triển tàu ngầm phi hạt nhân. Nhưng, Nhật Bản đã trở thành một trong những quốc gia có công nghệ tàu ngầm phi hạt nhân tiên tiến nhất trên thế giới.

Bắt đầu từ những năm 1960, Nhật Bản liên tục chế tạo nhiều tàu ngầm các lớp như Hayashio, Natsushio, Asashio, Uzushio, Yuushio, Harushio và Soryu trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập AIP.

Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) có 18 tàu ngầm 3 lớp gồm 5 tàu lớp Soryu, 11 tàu lớp Oyashio và 2 tàu lớp Harushio.

Trong đó, lớp Harushio là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân có lượng giãn nước lớn nhất trên thế giới lúc bấy giờ, lên tới 3.000 tấn khi lặn dưới nước. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm cho phép bắn tên lửa chống tàu mặt nước Harpoon và ngư lôi điều khiển bằng dây dẫn Type 89. Tàu ngầm có thể thực hiện các nhiệm vụ như trinh sát dưới nước, chống hạm, chống ngầm.

 Tàu ngầm phi hạt nhân lớp Soryu.

Về phần tàu ngầm lớp Soryu có lượng giãn nước khi lặn đạt 4.100 tấn bắt đầu đưa vào phục vụ từ năm 2009. Đây được xem là tàu ngầm phi hạt nhân lớn nhất thế giới và cũng là hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. Loại tàu ngầm này được trang bị hệ thộng động cơ đẩy không khí độc lập (AIP), giúp tàu đạt thời gian lặn liên tục dưới nước có thể kéo dài đến 3 tuần hoặc lâu hơn.

Những năm gần đây, JMSDF căn cứ vào phương thức một tàu ngừng hoạt động, một tàu vào phục vụ mỗi năm để tiến hành công tác thay đổi tàu ngầm mới với tàu ngầm cũ, vì tuổi thọ phục vụ của tàu ngầm khá ngắn.

Tuy nhiên, hiện nay JMSDF chuẩn bị sẽ tăng số lượng tàu ngầm phục vụ trong hải quân lên 22 tàu cộng với 2 tàu huấn luyện, thì số lượng tàu ngầm được giữ lại sẽ là 24 tàu.

Việc mở rộng quy mô của lực lượng tàu ngầm Nhật Bản chính là muốn tăng cường ưu thế trong lĩnh vực tàu ngầm phi hạt nhân, sử dung mô hình “kế hợp số lượng và chất lượng” để nâng cao khả năng kiểm soát dưới nước đối với châu Á – Thái Bình Dương của Nhật Bản.

Tàu ngầm của Hàn Quốc chủ yếu mua từ Đức


Cuối những năm 1980, Hải quân Hàn Quốc mới bắt đầu xây dựng lực lượng tàu ngầm có ý nghĩa thực sự, nhưng tốc độ phát triển đáng chú ý là đã bắt kịp xu hướng.

Ban đầu, Hàn Quốc mua 9 tàu ngầm phi hạt nhân Type 209/1200 của Đức, tại Hàn Quốc những tàu ngầm này được đổi thành tàu ngầm lớp Jang Bogo (KSS-I). Lượng giãn nước của tàu này là 1.200 tấn, có thể mang được 14 quả ngư lôi hoặc 28 quả thủy lôi, trong đó có 3 tàu còn được trang bị tên lửa hành trình chống tàu Harpoon.

Để tăng cường hơn nữa lực lượng tác chiến dưới nước, Hàn Quốc đã đề xuất chiến lược phát triển “hải quân viễn dương” và tháng 11/2000 mua thêm 3 tàu ngầm Type 214 của Đức, sau đó tự đóng 6 tàu ngầm được định danh là lớp Sohn Won-il (KSS-II).

 Tàu ngầm phi hạt nhân lớp Sohn Won-il của Hải quân Hàn Quốc

Loại tàu ngầm này sử dụng công nghệ pin nhiên liệu, có thể hành trình liên tục 15-21 ngày. Trong chiến đấu, các hệ thống trinh sát của tàu có thể đồng thời theo dõi được 25 mục tiêu và dẫn hướng tấn công được 8 mục tiêu trong số đó. Tàu ngầm được trang bị 8 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, có thể phóng được ngư lôi các loại và tên lửa chống tàu Harpoon. Mỗi lần hành trình có thể mang được 16 ngư lôi hạng nặng hoặc 25 thủy lôi.

Hải quân Hàn Quốc còn chuẩn bị tự nghiên cứu và đóng 3 tàu ngầm KSS-III có lượng giãn nước khoảng 3.500 tấn. Tàu ngầm KSS-III là chìa khóa để xây dựng Hải quân Hàn Quốc theo hướng hiện đại hóa, loại tàu ngầm này sẽ được trang bị tên lửa hành trình đối đất phóng từ tàu ngầm (có thể là loại tên lửa Hyunmoo III), để tăng cường khả năng răn đe đối với Triều Tiên.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn có ý định phát triển loại tàu ngầm mini kiểu mới để có thể cạnh tranh với tàu ngầm mini của Triều Tiên.
Bằng Hữu

Bình luận(0)