Bộ Quốc phòng Nga và Nhà máy Zvezdochka (ở Severodvinsk) đã ký hợp đồng sửa chữa và hiện đại hoá nâng cấp các tàu ngầm hạt nhân làm bằng vật liệu titan Carp và Kostroma thuộc Project 945 Barrakuda (Cá măng biển) được đóng từ những năm 1970-1980 và đã ra khỏi đội hình chiến đấu của Hạm đội biển Bắc từ rất lâu.
Tuy nhiên, bất chấp việc dường như đã quá “già nua”, những tàu ngầm đóng bằng hợp kim titan này cho đến nay vẫn vượt trội hơn các tàu ngầm tương tự của nước ngoài về hàng loạt chỉ tiêu tính năng kỹ thuật.
Theo các chuyên gia thiết kế và đóng tàu biển, vài chục năm hoàn toàn không có tác động gì đến thân tàu ngầm titan. Thứ kim loại đắt tiền này cực kỳ bền vững chống ăn mòn, thực tế hoàn toàn không bị gỉ và hư hại theo thời gian. Nhưng toàn bộ hay gần như toàn bộ “phần ruột” của các tàu ngầm này sẽ phải làm mới.
|
Làm bằng vật liệu siêu bền, vỏ tàu ngầm Project 945 vẫn không hư hại gì sau nhiều năm "bỏ hoang", tuy nhiên hệ thống bên trong thì phải thay thế toàn bộ. |
Đại tá hải quân đã giải ngũ, nguyên cán bộ cục động viên Hải quân Liên Xô Sergei Vasyutin cho biết: “Tôi không nghi ngờ là quyết định này của Bộ Quốc phòng có thể làm cho tình báo phương Tây tiên tiến nhất cũng phải bế tắc. Ngay chính các chuyên gia Nga cũng bị bất ngờ. Chính tình báo hải quân đã tham mưu cho lãnh đạo Mỹ các tàu ngầm nào của Liên Xô, sau này là của Nga phải đưa vào danh sách thay mục đích sử dụng trong khuôn khổ hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược”.
Ông này cho biết thêm là, với sự hỗ trợ kinh phí của phía Mỹ, chúng ta đã “cưa đứt đục suốt” phần lớn các tàu ngầm hạt nhân chiến lược, nhiều tàu ngầm hạt nhân đa năng. Vậy mà dường như tình báo phương Tây đã quên các tàu ngầm titan. Có lẽ họ cho rằng nước Nga sẽ không đủ sức khôi phục chúng, công nghệ gia công titan quá phức tạp và tốn kém. Dẫu sao những con tàu này đã may mắn sống sót, như người ta thường nói, đến lúc thời thế tốt đẹp hơn. Các tàu ngầm của Project 945 làm bằng titan có tiềm năng cải tiến rất lớn mà các con tàu tương tự của NATO có nằm mơ cũng không có được. Do đó chúng sẽ còn phục vụ nước Nga ngoài đại dương.
Những con tàu này đã từng được gọi là “sát thủ tàu sân bay”, không phải bằng bất cứ tên nào khác. Nhiệm vụ chủ yếu của các tàu ngầm. thuộc Project 945 là theo bám các tàu ngầm hạt nhân chiến lược và các cụm tàu sân bay xung kích của đối thủ tiềm tàng và đảm bảo tiêu diệt chúng ngay khi bắt đầu có xung đột.
Tàu ngầm Project 945/945A được trang bị 4 ống phóng ngư lôi cỡ 650mm và 4 ống phóng cỡ 530mm cho phép bắn tên lửa hành trình tầm xa RK-55 Grant (tầm bắn 3.000km, lắp đầu đạn hạt nhân 200 kiloton), tên lửa chống ngầm RPK-2 Viyuga hoặc RPK-6 Vodopad và ngư lôi, thủy lôi.
Theo báo chí, các tàu ngầm hạt nhân đa năng thuộc Project 945 Barrakuda và 945A Kondor có thân tàu bằng hợp kim titan sau khi được nâng cấp sẽ so sánh được với các tàu ngầm hiện đại Project 885 Yasen-M.
|
Sau hiện đại hóa, các tàu ngầm Project 945 có thể sánh ngang với tàu ngầm Project 885 Yasen. |
Theo quan chức từng phục vụ lâu năm trong hải quân, đã có thời gian các thủy thủ rất sợ các tàu titan sẽ đơn giản là “nuốt chửng” các cầu tàu nổi bằng thép thường (ăn mòn rất mạnh). Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra lối thoát, khi các tàu ngầm titan về bến, họ hàn lên thân tàu một khung bảo vệ bằng sắt, khung này sẽ bị titan “ngốn” sạch, nhưng không đụng đến cầu tàu.
Nga mới chuyển đổi mục đích sử dụng duy nhất một tàu ngầm hạt nhân có thân bằng titan mang tên Zolotaya rybka thuộc Project 661 được đóng từ những năm 1960. Và đây là con tàu có tốc độ nhanh nhất, trong các cuộc thử nghiệm tàu ngầm này đã đạt đến tốc độ 42 hải lý/h khi lặn. Kỷ lục tốc độ khi lặn dưới nước này cho đến nay vẫn chưa bị phá.
Khi đó không ai trong các nhà thiết kế, các đô đốc có thể giải thích cho ban lãnh đạo đất nước hiểu được tàu ngầm “bay” trong đại dương với tốc độ như vậy để làm gì? Vì những người lãnh đạo thực sự lo ngại trước giá thành đóng Zolotaya rybka tới 222 triệu Rub. Vấn đề là đồng Rub Liên Xô chuyển đổi, nghĩa là một con số khổng lồ vào thời gian đó thậm chí đến hình dung ra cũng khó. Và con tàu này đã không được đóng hàng loạt.
Chính vì vậy mà con tàu được gọi là “vàng”. Nếu chạy hết tốc độ khi lặn, tàu ngầm này gây nên độ ồn tới mức, như mọi người từng nói, có thể dễ dàng nghe thấy nó ở bên kia bờ đại dương… Nhân tiện, khi năm 2010 ở Severodvinsk kết thúc việc “xẻ thịt” con tàu này thành “kim”, mọi người lại kinh ngạc vì giá thành việc tháo dỡ tàu titan không phải là dễ cắt. Một lần nữa con tàu lại thành “vàng”.
Hiện Nga còn 4 chiếc tàu ngầm hạt nhân titan gồm: 2 chiếc thuộc Project 945 Barrakuda (K-239 Carp và K-276 Kostroma) và 2 tàu Project 945A Kondor đã được nâng cấp (K-336 Pskov và K-534 Nizhny Novgorod.
Ngoài ra, còn có một chiếc siêu tàu ngầm hạt nhân làm bằng Titan mang tên Komsomolets thuộc Project 685. Đây có thể là chiếc tàu ngầm có “1-0-2” trên thế giới nhờ vào khả năng lặn sâu tới 1km. Rất tiếc, năm 1989 do lỗi kỹ thuật con tàu đã bị chìm làm thiệt mạng 42 thủy thủ. Hiện con tàu nằm dưới độ sâu 1.600m trên biển Barent.
|
Với 4 tàu ngầm Project 945 hiện đại hóa trong tương lai, Hải quân Nga sẽ có lực lượng "tìm và diệt tàu sân bay" đáng sợ nhất thế giới. |
Trong các con tàu thuộc Project 945 Barrakuda và các biến thể của nó được đóng ở thành phố Gorki (nay là Nizhny Novgorod) đã sửa các lỗi phát hiện được khi đóng Zolotaya rybka. Dù rất đắt, Liên Xô dẫu sao cũng đã quyết định đóng thêm mấy con tàu có thân bằng titan nữa, chúng vẫn ở trạng thái tuyệt vời sau mấy chục năm.
Đầu tiên, tàu ngầm hạt nhân Carp sẽ được sửa chữa ở Severodvinsk và sẽ được đưa vào biên chế hạm đội, sau đó là tàu Kostroma. Vào giai đoạn cuối khi sửa con tàu thứ hai sẽ có một hợp đồng nữa được ký, để sửa và nâng cấp hiện đại hoá hai tàu ngầm hạt nhân titan nữa Pskov và Nizhny Novgorod, cho đến nay những tàu này vẫn chưa bị đưa hoàn toàn ra khỏi biên chế Hải quân Nga.
Theo các nhà kinh tế, sửa chữa và nâng cấp hiện đại hoá các tàu ngầm titan nhanh hơn khoảng hai lần so với đóng mới. Điều này cũng cần ít kinh phí hơn. Trong trường hợp này sẽ là vô lý nếu kết tội Bộ Quốc phòng muốn tiết kiệm bằng cách nào đó. Theo một số nguồn tin, cho đến nay các tàu ngầm Nga lớp này vẫn vượt trội hơn các tàu ngầm của NATO, trước hết là về độ sâu lặn. Còn về độ bí mật, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của tàu ngầm đến nay phụ thuộc vào các nhà thiết kế đóng tàu, chính là vào việc họ sẽ “làm phần lõi” của các tàu ngầm được nâng cấp hiện đại hoá bằng thiết bị và vũ khí như thế nào.
Xét về độ bền của các tàu ngầm Titan do Liên Xô đóng đã được thể hiện năm 1992, khi tàu ngầm hạt nhân Kostroma của Nga va chạm với tàu ngầm lớp Los Angelescủa Mỹ ở biển Barents. Con tàu Nga bị hư hỏng mức trung bình ở phần bảo vệ khối nhô cao của tàu ngầm, nhưng tàu của Mỹ thì đã phải loại bỏ.