Tìm hiểu tấn bi kịch trên tàu ngầm Komsomolets Liên Xô (1)

Google News

(Kiến Thức) - Komsomolets là tên tàu ngầm hạt nhân lặn sâu nhất thế giới của Liên Xô, nhưng nó đã chìm xuống đáy biển năm 1989 mang theo cả vị thuyền trưởng.

Tàu ngầm Komsomolets có nghĩa là ”Đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng Sản”, nó được hạ thủy vào tháng 5/1983 tại Severodvinsk, một thành phố nằm trên bờ biển Barent với xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới.
Komsomolets dài 122m, cao 11,2m, bề ngang 8,2m và có lượng choán nước lên đến 8.000 tấn – nó thực sự là một chiếc tàu ngầm rất lớn. Komsomolets có hai lò phản ứng hạt nhân, với những thiết kế được xem như là cách mạng (làm mát bằng kim loại lỏng) nhưng thực tế thì vẫn làm mát bằng nước.
Vỏ chịu lực của tàu ngầm Komsomolets được làm bằng titan, nhẹ nhưng cực kì cứng, biến nó trở thành tàu ngầm lặn sâu nhất thế giới, với độ sâu hoạt động xấp xỉ 1.000m dưới mặt nước biển, sâu hơn nhiều so với tàu ngầm lặn sâu nhất của Mỹ. Kíp thủy thủ đoàn của Komsomolets gồm 70 người và tàu ngầm này có thể mang theo tên lửa hành trình lẫn ngư lôi, trang bị đầu đạn hạt nhân. NATO đặt biệt danh cho loại tàu ngầm này là Mike và dự kiến Komsomolets sẽ chiếc đầu tiên của dòng tàu ngầm tấn công cỡ lớn này.
K-278 Komsomolets khi còn tại xưởng, với lá cờ Hải quân Liên Xô ở mũi.
Tuy vậy thì sau khi Komsomolets đi vào hoạt động cuối năm 1984 đã không có chiếc nào cùng loại được đóng thêm. Mặc dù chỉ là biến thể duy nhất, Komsomolets vẫn thực hiện các nhiệm vụ tuần tra và được giao nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm đối phương.
Bi kịch xảy ra
Đó là ngày 7/4/1989, tàu ngầm Komsomolets thuộc Hạm đội Biển Bắc đang hành trình ở độ sâu 380m dưới mặt biển Na Uy, cách đất liền Na Uy khoảng 320km, nó đã thực hiện nhiềm vụ tuần tra được 39 ngày.
Vào lúc 11h sáng thủy thủ Nodari Bukhnikashvili báo cáo tất cả đều ổn tại khoang thứ 7, khoang đuôi tàu. Một lúc sau, một đường ống khí áp lực mạnh nối với các bể chứa nước dùng khi còn tàu muốn tùy chỉnh độ sâu, bị vỡ ở khoang số 7. Bằng cách nào đó các tia dầu phun ra chạm vào bề mặt nóng ở đó, và một tia lửa bùng cháy trong bầu không khí áp suất cao giàu ôxy. Ba phút sau Vyacheslav Yudin, sĩ quan trực kiểm soát ở phòng chỉ huy, phát hiện nhiệt độ tăng cao ở phía đuôi, anh ta điện máy nội bộ hỏi Bukhnikashvili nhưng không thấy trả lời. Thiết tá Igor Molchanov đã ghi lại thời điểm này trong sổ nhật ký tàu.
 K-278 Komsomolets.
Kỹ sư trưởng Valentin Babenko và thuyền trưởng tàu ngầm Yevgeniy Vanin lúc này cũng đang ở trong phòng chỉ huy, Babenko đề nghị Vanin dập lửa bằng khí Freon, một loại khí không cháy (loại khí mà sau này trên con tàu ngầm K-152 Nerpa mà Nga cho Ấn Độ thuê cũng làm chết 20 người).
Vanin lưỡng lự, vì thuyền trưởng biết rằng khí Freon sẽ chấm dứt ngọn lửa lẫn sự sống của thủy thủ trong khoang. Nhưng rồi sau đó dù miễn cưỡng nhưng anh ta cũng phải ra lệnh kích hoạt hệ thống dập lửa. Dòng khí áp lực mạnh đang tiếp sức cho ngọn lửa biến khoang thứ 7 thành một lò nung. Bukhnikashvili là người đầu tiên hy sinh. Ngọn lửa giờ đây đã ngoài tầm kiểm soát.
Áp suất phía đuôi tàu đẩy dầu tràn vào khoang 6, và ngọn lửa lan theo đường cáp mặc dù các nắp cửa đã đóng. Động cơ turbine đã bị vô hiệu hóa, hệ thống khẩn cấp bảo vệ lò phản ứng khỏi bị quá tải, và trục chân vịt ngừng lại. Lo sợ thảm họa xảy ra, sĩ quan phụ trách lò phản ứng hạt nhân tắt hệ thống động lực chính của con tàu. Komsomolets giờ đây không còn chút sức mạnh nào!
 Tàu ngầm K-278 Komsomolets khi còn tại cảng.
Không còn cách nào và đang ở độ sâu hơn 150m, tàu ngầm mất khả năng “vùng vẫy”. Hệ thống thông tin nội bộ bị ngắt. Vào lúc 11h13 phút, dầu bơm bị ngắt và tàu ngầm mất áp suất thủy lực để kiểm soát nổi lên mặt nước. Bánh lái bị kẹt, còn các cánh ngang dùng khi lặn cũng không thể điều khiển.
Thuyền trưởng Vanin ra lệnh cho các khoang nước xả để tàu nổi lên, và Komsomolets nổi lên độ sâu 90m. Tiếp tục lặp lại các qui trình, Komsomolets đã nổi lên được mặt nước, ngay lúc đó thuyền trưởng cũng giử tín hiệu cấp cứu mã hóa tới sở chỉ huy của tàu ngầm. Nhưng mặt nước cũng không kéo được Komsomolets ra khỏi nguy hiểm.
Vào lúc 11h21 phút sáng, ngọn lửa đã lan sang bùng cháy ở các khoang đuôi với nhiệt độ lên tới 1.000 độ C, các lớp vỏ cao su bọc bên ngoài thân tàu bắt đầu nóng chảy và trượt ra khỏi vỏ tàu. Thủy thủ đoàn lúc này cố gắng chiến đấu để cứu lấy con tàu, nhưng với việc mất áp suất khí, khí từ khoang 7 mang theo khí CO, một loại khí không mùi không vị nhưng độc hại vào hệ thống. Các thủy thủ cảm thấy hoa mắt choáng váng, thiếu tá bác sĩ Leonis Zayats cảm thấy có điều gì đó không ổn. Anh ta tháo mặt nạ dưỡng khí ra và kiểm tra mẫu không khí, nồng độ có thể gây tử vong của khí CO đã được phát hiện. Lúc này hầu hết các thủy thủ phải chiến đấu vì con tàu của họ trong bầu không khí hôi hám và tràn ngập khói nóng bỏng.
Sơ đồ các khoang trong tàu ngầm Komsomolets.
Thuyền trưởng Vanin tiếp tục gửi tín hiệu tới sở chỉ huy Hạm đội Biển Bắc, tới 11h41 thì báo cáo của anh ta mới được nhận, nhưng đã bị cắt xén – một tàu ngầm Liên Xô gặp trục trặc ở đâu đó và lực lượng không quân đã được báo động.
Tới buổi trưa thì ngọn lửa đã lan tới các khoang phía trước, không có thông tin gì về 9 thủy thủ làm nhiệm vụ kiểm soát lò phản ứng ở khoang số 4, Yudin và các sĩ quan khác mang trang phục bảo hộ mở cửa khoang và đi vào. Kì diệu thay, họ tìm thấy hai sĩ quan vẫn còn sống trong làn khói dày đặc và mang họ ra ngoài. Những người khác thì cố gắng thông gió cho khoang 5 và mang ra hai thủy thủ, trong đó một người còn sống. Ở khoang 3 thủy thủ Roman Filippov cố gắng khởi động lại động cơ tuabin để cung cấp sức mạnh cho con tàu, anh ấy đã thành công nhưng cũng kiệt sức và được thay thế bởi Anatoliy Ispenkov tiếp tục đảm trách vị trí.
Ảnh tổng quát tàu ngầm K-278.
Quang Minh

Bình luận(0)