Thủy phi cơ DHC-6 thứ 2 sắp về tới Việt Nam?

Google News

(Kiến Thức) - Chiếc thủy phi cơ DHC-6 thứ 2 mà Việt Nam mua của Canada đã tới sân bay ở Đài Bắc, Đài Loan.

Theo hình ảnh được đăng tải trên trang blog Twinotterspotter, chiếc thủy phi cơ DHC-6 có màu sơn giống với chiếc DHC-6 VNT-777 mà Việt Nam đang sử dụng, cùng phù hiệu Không quân Việt Nam trên máy bay đang nằm ở sân bay thuộc Đài Bắc, Đài Loan.
Tác giả bức ảnh này không công bố chi tiết, tuy nhiên, đây nhiều khả năng là chiếc DHC-6 thứ 2 đang được công ty Viking, Canada vận chuyển sang Việt Nam bàn giao cho lực lượng không quân hải quân nước ta.
 Thủy phi cơ DHC-6 sơn phù hiệu Không quân Việt Nam, màu sắc giống với chiếc VNT-777 tại sân bay ở Đài Bắc.
Đáng lưu ý, so với chiếc DHC-6 VNT-777 VIP đã chính thức được bàn giao cho Không quân Hải quân Việt Nam vào tháng 10/2013 tại Cam Ranh, Khánh Hòa, chiếc thứ 2 có khí tài ở dưới mũi (có thể thiết bị quang học, hồng ngoại hoặc camera) – biến thể dùng cho tuần tra, giám sát biển.
Viking Air đã nhận được hợp đồng từ Việt Nam sản xuất 6 máy bay DHC-6 vào tháng 5/2010. 3 trong số 6 chiếc này được thiết kế đặc biệt cho các nhiệm vụ tuần tra, giám sát trên biển và duyên hải, chuyên chở quân và hàng hóa, thực hiện các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
 Có lẽ trong vài ngày tới thì chiếc DHC-6 này sẽ về tới Việt Nam.
DHC-6 là sản phẩm nổi tiếng của tập đoàn de Havilland Canada, bắt đầu được sản xuất cách đây gần 50 năm qua. Năm 2005, Viking Air mua lại de Havilland Canada và vào năm 2008 bắt đầu trình làng thế hệ thủy phi cơ hiện đại DHC-6 Twin Otter Series 400.
Với nhiều ưu điểm như có thể cất/hạ cánh trên cạn lẫn dưới nước, trên đường băng ngắn, tầm bay xa, có thể bay thấp, bay chậm và được trang bị hệ thống điện tử hiện đại, DHC-6 phiên bản Guardian 400 đã được Việt Nam chọn để thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra biển, tìm kiếm cứu nạn.
Máy bay trang bị 2 động cơ tuốc bin cánh quạt PT6A-34 hoặc PT6A-35 cho phép đạt tốc độ tối đa 314km/h, tầm bay 1.480km (với lượng nhiên liệu lớn nhất), trần bay 8.138m. Tải trọng của máy bay khoảng 1,1 tấn hoặc chở 20 người.
DHC-6 Series 400 còn được trang bị bộ càng phao cho phép cất hạ cánh dễ dàng trên mặt nước. Với đặc điểm này, DHC-6 có thể chở hàng hóa, người bay ra tiếp cận các đảo nhỏ thuộc Quần đảo Trường Sa.
DHC-6 VNT-777 trước giờ cất cánh tìm kiếm máy bay Malaysia gặp nạn.
Đặc biệt, chiếc DHC-6 đầu tiên mang số hiệu VNT-777 đang thực hiện nhiệm vụ truy tìm máy bay chở khách Boeing 777-200ER của Malaysia bị mất tích trên vùng biển cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc (Việt Nam) khoảng 300km.
Ngay trong lần đầu làm nhiệm vụ, DHC-6 đã phát huy được khả năng của mình khi phát hiện vật thể lạ nghi là cửa số máy bay xấu số.
Theo thông tin từ báo QĐND, sáng 10/3, chiếc thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT-777 của Quân chủng Hải quân, đã cất cánh từ sân bay Phú Quốc tới khu vực phát hiện vật thể lạ giống cửa thoát hiểm của máy bay Malaysia mất tích để trục vớt.
Nếu phát hiện vật thể trên, trong điều kiện sóng biển không quá cấp 2, thủy phi cơ sẽ hạ cánh xuống nước để vớt lên. Trong trường hợp, vật thể đó quá lớn, máy bay sẽ định vị tọa độ và liên hệ với các đơn vị cứu hộ gần đó tới hỗ trợ.
Trong chuyến đi sáng nay, đoàn mang đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để thực hiện việc trục vớt vật thể trên. Ngoài ra, còn có một thợ lặn của Vùng 5 Hải quân đi cùng đoàn, sẵn sàng xuống biển để tham gia trục vớt.
Hoàng Lê

Bình luận(0)