Tiết lộ loại tàu ngầm hạt nhân đông nhất thế giới

Google News

(Kiến Thức) - Với 62 chiếc được chế tạo trong đó có 41 chiếc đang hoạt động, Los Angeles là tàu ngầm tấn công hạt nhân đông nhất thế giới của Mỹ.

Những năm 1970, Hải quân Mỹ đã bắt tay vào xây dựng lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles nhằm hình thành xương sống cho lực lượng tàu ngầm tấn công của họ đối phó với mối đe dọa từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Liên Xô và sau này là Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles được xây dựng bởi tập đoàn Northrop Grumman Ship Systems. Chiếc đầu tiên của lớp tàu mang tên USS Los Angeles (SSN-688) được đưa vào sử dụng từ năm 1976. Chiếc cuối cùng mang tên USS Cheyenne (SSN-773) được đưa vào hoạt động từ năm 1996.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles.
Tổng cộng có đến 62 chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles được chế tạo đưa nó trở thành lớp tàu ngầm được chế tạo nhiều nhất trên thế giới. Hiện tại còn 41 chiếc hoạt động vẫn đưa Mỹ trở thành quốc gia có hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân lớn nhất thế giới.
Cực hiện đại, cực mạnh
Để đáp ứng nhiệm vụ tấn công nhanh dưới nước, tàu ngầm lớp Los Angeles được trang bị bộ định vị thủy âm (sonar) khẩu độ rộng BQQ-5D/E. Đây là một hệ thống định vị thủy âm kỹ thuật số được thiết kế dạng hình cầu bố trí ở trước mũi tàu ngầm cùng một mảng gắn ở thân tàu. Hệ thống có khả năng hoạt động ở cả hai chế độ chủ động và thụ động.
 Buồng lái tàu ngầm Los Angeles.
Tàu ngầm này còn được trang bị hệ thống định vị thủy âm cao tần BQS-15 để tìm kiếm các mục tiêu ở những khu vực bị đóng băng cũng như định tầm sonar. Hệ thống ghi âm WLR-9 dùng để phát hiện các hoạt động tìm kiếm mục tiêu bằng sonar cũng như hoạt động của ngư lôi dẫn hướng âm thanh của đối phương.
Tàu ngầm lớp Los Angeles còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử toàn diện WLR-8V cùng hệ thống mồi bẫy điện tử WLR-10. Tàu còn được trang bị hệ thống phát hiện mìn và tránh va chạm MIDAS. Hệ thống này được hỗ trợ bởi hệ thống trinh sát mìn tầm gần NMRS. Hệ thống này là một sợi cáp quang được kết nối với phương tiện trinh sát không người lái dưới nước AQS-14 được triển khai qua ống phóng ngư lôi.
 Bên trong khoang làm việc thủy thủ đoàn.
Để tìm kiếm các mục tiêu trên mặt nước, tàu ngầm Los Angeles được trang bị radar BPS-15. Radar được kết hợp với một bộ vi xử lý video cùng màn hình cảm ứng giúp việc kiểm soát mục tiêu dễ dàng hơn. Các tàu ngầm Los Angeles nâng cấp gần đây được trang bị hệ thống định vị thủy âm tiên tiến AN/BQQ-10 (V4).
Trái tim của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles là hệ thống kiểm soát chiến đấu AN/BYG-1 do tập đoàn khổng lồ Raytheon sản xuất. Bên cạnh đó tàu còn được trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh hai chiều phục vụ các hoạt động chiến thuật cũng như nạp dữ liệu mục tiêu cho tên lửa Tomahawk.
 Ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa Tomahawk trên tàu ngầm lớp Los Angeles.
Vũ khí chính trên tàu ngầm gồm 12 ống phóng thẳng đứng sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk có tầm bắn từ 1.700-2.500km tùy biến thể hoặc tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon tầm bắn 130km. Tàu còn được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm được bố trí ở dưới đáy tàu sử dụng ngư lôi hạng nặng Mark-48 tầm bắn 38km.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles được trang bị lò phản ứng hạt nhân GE PWR S6G. Lò phản ứng này được sử dụng để làm quay 2 tuabin công suất 35.000 mã lực cùng một động cơ phụ trợ công suất 325 mã lực để truyền động cho chân vịt 1 trục.
Hệ thống động lực này giúp tàu ngầm đạt tốc độ khi lặn 20 hải lý/h, tốc độ tối đa của tàu được ghi nhận ở mức 33 hải lý/h. Tàu ngầm có thể lặn sâu tối đa 450 mét, độ sâu hoạt động thông thường là 300 mét. Tầm hoạt động của tàu ngầm này chỉ giới hạn ở nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn.
 Tàu có thể lặn sâu tối đa 450m.
Dày dạn kinh nghiệm trận mạc
Những hệ thống cảm biến tinh vi cùng hệ thống vũ khí cực mạnh giúp tàu ngầm tấn công hạt nhân Los Angeles có thể tấn công tiêu diệt mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ đối phương hàng ngàn kilomet mà không phải lo lắng chuyện bị đối phương đáp trả. Khi phóng tên lửa xong, tàu ngầm có thể nhanh chóng rút khỏi khu vực, việc dẫn đường cho tên lửa được chuyển giao cho hệ thống vệ tinh hoặc các máy bay do thám không người lái.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles tham gia hầu hết các chiến dịch quân sự do Mỹ tổ chức trong thời gian qua. 9 tàu ngầm Los Angeles đã được triển khai tham chiến trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, 2 trong số 9 tàu ngầm này đã phóng tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Iraq.
Trong suốt thời gian phục vụ, tàu ngầm Los Angeles đã phóng nhiều quả đạn Tomahawk.
12 tàu ngầm khác đã được triển khai trong chiến dịch Tự do Iraq vào năm 2003, tất cả đều đã phóng tên lửa Tomahawk tấn công Iraq. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Los Angeles được triển khai thường xuyên cho các hoạt động do thám, thu thập thông tin tình báo trên các vùng biển trên thế giới.
Đặc biệt, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles là một phần quan trọng trong kế hoạch triển khai 60% lực lượng Hải quân Mỹ đến Thái Bình Dương của Washington. Hải quân Mỹ đã hồi sinh liên đội tàu ngầm số 15 với nòng cốt là 3 tàu ngầm lớp Los Angeles đóng tại căn cứ đảo Guam.
Bình Đức

Bình luận(0)