Tờ Asia Weekly (trụ sở tại Hồng Kông) có đăng bài viết với tiêu đề “Quân đội Trung quốc xây dựng lực lượng máy bay trên hạm” do Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tổng hợp Đông Á của Đài Loan Sái Dực viết.
Bài viết chỉ ra, tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung quốc đã được đưa vào phục vụ, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Hải quân Trung Quốc, điều này đã gây sự chú ý mạnh mẽ của các nước láng giềng. Đặc biệt, giới nghiên cứu quân sự trong, ngoài nước còn để tâm tới sự phát triển của tiêm kích hạm trên tàu sân bay Trung Quốc.
|
Tiêm kích hạm J-15 được đánh giá là không đạt yêu cầu thiết kế.
|
Căn cứ vào số liệu gần đây cho thấy, tiêm kích hạm chủ lực trên tàu sân bay Hải quân Trung Quốc sẽ do dòng máy bay Thẩm Dương J-15 đảm nhận. J-15 cơ bản là lấy Su-33 của Nga làm mô hình “sao chép”. Tuy nhiên, trong chế tạo thì J-15 lại lấy J-11B (sao chép Su-27, mà Su-33 cũng có nền tảng từ Su-27) làm cơ sở để phát triển, hệ thống điện tử và radar trên máy bay đều có sự cải tiến lớn, mang được nhiều loại vũ khí sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, lực đẩy của động cơ sản xuất trong nước không đủ và trọng lượng của máy bay vẫn không đạt yêu cầu thiết kế. Vì vậy, Trung Quốc đang cố gắng cải tiến máy bay chiến đấu J-15.
Theo một số nguồn tin, Trung Quốc đã phát triển thành công biến thể cải tiến J-15S. Và tương lai, J-15S sẽ đảm nhiệm vai trò tiêm kích hạm chủ lực trên tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay tương lai của Hải quân Trung Quốc.
J-15S là biến thể cải tiến hoàn toàn dựa trên J-15 nhưng thiết kế với buồng lái 2 chỗ ngồi. J-15S có thể mang được tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh JL-12 có tầm bắn 300km hoặc CM-400AGK, bom đường kính nhỏ trang bị bộ dẫn đường GPS.
|
Biến thể 2 chỗ ngồi J-15S.
|
Theo một số chuyên gia phân tích, Trung Quốc đang thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình J-31, có thể trở thành tiêm kích hạm tương lai của hải quân. Nhưng nhìn vào kinh nghiệm sử dụng máy bay chiến đấu hạng nặng trên hạm mà Mỹ và Pháp đều sử dụng, thì máy bay J-31 hạng trung có thể bị hạn chế về tải trọng và tầm bay, có thể không được sử dụng. Tuy nhiên, nếu tính năng được nâng cấp hơn nữa sẽ có thể trở thành đối thủ của F-35.
Cũng theo bài viết, do tàu sân bay Liêu Ninh không trang bị máy phóng thủy lực mà dùng boong phóng kiểu nhảy cầu nên máy bay cảnh báo cánh cố định loại lớn không thể cất cánh từ Liêu Ninh. Vì vậy, trong tương lai, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ tạm sử dụng trực thăng cảnh báo Ka-31 của Nga hoặc Z-8YJ do Trung Quốc sản xuất để trang bị cho tàu sân bay, tính năng kém xa máy bay cảnh báo E-2 trên tàu sân bay Mỹ.
Nhưng quân đội Trung Quốc cũng đang tích cực lấy máy bay vận tải Y-7 làm nền tảng để phát triển loại máy bay cảnh báo JYZ-01 trên hạm tương tự E-2 của Mỹ cho tàu sân bay thế hệ tiếp theo của Trung Quốc. Liên quan đến tác chiến chống ngầm, Quân đội Trung Quốc hiện sẽ dựa vào Ka-28 làm chủ lực để chống ngầm từ trên không.
Trong tương lai, khu nhiệm vụ của nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc, sẽ triển khai tác chiến “tích cực phòng vệ” tại khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông giữa chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai.
Trong điều kiện địa lý này, tàu sân bay Liêu Ninh ngay cả khi không có máy bay cảnh báo trên tàu cảnh báo, Quân đội Trung Quốc cũng có thể thông qua các phương thức khác để tiến hành giám sát kiểm soát trên không, trên mặt nước và dưới nước đối với khu vực biển của 2 chuỗi này.