Want Daily dẫn nguồn Tạp chí Wired (trụ sở tại Mỹ) cho hay, tiêm kích hạm đầu tiên của Trung Quốc J-15 Flying Shark (Cá mập bay) đã từng gặp nhiều lỗi kỹ thuật và tai nạn trong quá trình thử nghiệm trên mặt đất, trước khi hoàn thành lần cất hạ cánh đầu tiên trên tàu sân bay Liêu Ninh vào ngày 25/11/2012.
Sự cố đầu tiên diễn ra vào khoảng thời gian 6/2011-11/2012 khi phi công đang điều khiển chiếc J-15 hạ cánh xuống trung tâm thử nghiệm ở Tây An, Tây Bắc Trung Quốc.
Trong quá trình hạ cánh, thiết bị cảnh báo trên J-15 báo hiệu hệ thống thủy lực bị rò rỉ. Ngay lập tức, phi công thử nghiệm hạ độ cao máy bay trước khi hệ thống thủy lực hỏng hoàn toàn. Sau khi hạ cánh trong điều kiện khó khăn, phi công thử nghiệm đã không thể dường chiếc J-15 do không còn phanh. Cuối cùng, đội kỹ thuật dưới mặt đất phải dựng tấm lưới cản để giữ cho máy bay không vượt ra ngoài đường băng.
|
Tiêm kích hạm J-15 trong quá trình tiếp cận mặt boong tàu sân bay Liêu Ninh. |
Theo tác giả bài viết trên Tạp chí Wired David Axe, tình trạng trục trặc kỹ thuật mà J-15 gặp phải không có gì đáng ngạc nhiên bởi chiến đấu cơ này là thiết kế sao chép “không giấy phép” từ tiêm kích hạm Su-33 (Liên Xô). Vì vậy, trong quá trình phát triển nó sẽ gặp nhiều vấn đề chất lượng.
Thực tế, một mẫu tiêm kích Trung Quốc “sao chép trái phép” từ Nga là J-11 từng gặp khá nhiều vấn đề về chất lượng.
Ít lâu sau, trong bài thử khác hạ cánh trên boong tàu sân bay mô phỏng, J-15 tiếp tục gặp lỗi kỹ thuật động cơ. Trong quá trình tiếp cận mặt boong, một trong 2 động cơ của chiếc J-15 gặp lỗi, tốc độ giảm xuống và gây ra tình huống có thể gây cháy hoặc nổ máy bay. Phi công ngay lập tức tắt động cơ gặp lỗi và điều khiển máy bay hạ cánh.
Vụ tai nạn thứ 3 mà J-15 mắc phải khi thử nghiệm việc đưa thiết bị móc cáp vào một trong 2 dây hãm trên mặt đất (mục đích dừng máy bay trên tàu sân bay). Phi công J-15 đã lao trên đường băng với tốc độ 200km/h mà không cất cánh. Sau khi móc thành công dây hãm đầu tiên, do lực quá mạnh làm máy bay giật ngược, phần đuôi đập mạnh xuống đất. Rất may, chiếc cáp hãm thứ 2 đã níu chiếc J-15 đứng trên đường băng.
|
Bộ phận móc cáp trên máy bay đã móc thành công vào 2 dây hãm đầu tiên trong 4 dây trên boong tàu Liêu Ninh. |
Sau đó, phi công thử nghiệm này đã được chỉ định thực hiện chuyến hạ cánh đầu tiên trên boong tàu sân bay Liêu Ninh, ngày 25/11/2012. Người này đã điều khiển chiếc J-15 móc vào 2 trong số 4 cáp hãm trên boong tàu.
Trước khi thực hiện lần thử này, phi công J-15 đã trải qua nhiều lần bay “touch and go” trên Liêu Ninh. Nghĩa là cho máy bay chạm bánh xuống mặt boong rồi tăng tốc cất cánh ngay. Bài bay này nhằm giúp phi công trong trường hợp máy bay không móc được vào cáp hãm sẽ tăng tốc vọt lên nếu không muốn... “tắm biển”.
“Những tai nạn mà J-15 gặp phải mà tôi đã đề cập ở trên đã chứng minh rằng Hải quân Trung Quốc sẽ mất một khoảng thời gian dài để hoàn thiện khả năng tác chiến đầy đủ của các chiến đấu cơ trên tàu sân bay Liêu Ninh”, tác giả David Axe kết luận trong bài đăng trên Tạp chí Wired.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: