Kì 2: Hỏa lực và uy lực trên chiến trường
Thủy thủ đoàn của tàu thay đổi nhiều trong thời gian chiến tranh, từ mức 2.092 người của tàu Bismarck trong chuyến xuất kích của nó ra Đại Tây Dương cho đến mức tối đa 2.608 người trên tàu Tirpitz, khi tàu được trang bị thêm nhiều vũ khí phòng không.
Hỏa lực mạnh "khủng"
Hỏa lực chính của các thiết giáp hạm Bismarck là tám pháo hải quân nòng xoắn SK C/34 cỡ 380mm, bố trí trong bốn tháp pháo hai nòng, hai tháp ở phía trước và hai ở phía sau. Pháo chính được thiết kế từ năm 1934 với hiệu suất cao hơn đáng kể so với các pháo thời kì chiến tranh thế giới thứ nhất được trang bị trên các tàu chiến lớp Bayern. Pháo có chiều dài gấp 47 lần cỡ nòng, tức 1.786cm.
Pháo SK C/34 bắn các đạn nặng 798kg với sơ tốc đầu đạn 820m/s, tầm bắn tối đa 19,85 hải lí, tốc độ bắn ba phát mỗi phút. Tầm bắn này là thấp hơn nhiều so với các pháo 280mm trên các tàu chiến lớp Deutschland và Schanhorst, đó là do pháo của thiết giáp hạm lớp Bismarck bắn các đạn pháo nặng hơn, với sơ tốc thấp hơn và góc bắn cũng nhỏ hơn.
Ngoài pháo 380mm, Bismarck còn được trang bị 12 pháo hải quân SK C/28 cỡ nòng 150mm bố trí trong sáu tháp pháo hai nòng. Khi hạ thủy, biên chế vũ khí phòng không của tàu là 16 pháo phòng không SC C/33 cỡ nòng 105mm bố trí trong tám ụ pháo hai nòng, 16 pháo phòng không SK C/30 cỡ nòng 37mm bố trí trong tám ụ pháo hai nòng, và 12 pháo phòng không Flak 38 cỡ nòng 20mm bố trí trong các ụ pháo đơn. Trong chiến tranh, tàu Tirpitz được bố trí 16 pháo bốn nòng Flakvierling 38 cỡ 20mm trong các ụ pháo đơn.
|
Tháp pháo chính Anton cỡ 380mm của thiết giáp hạm Bismarck, năm 1940 |
Khi hạ thủy, cả hai tàu đều không được trang bị ngư lôi. Nhưng kể từ năm 1942, tàu Tirpitz cũng mang theo tám ống phóng ngư lôi 533mm chia làm hai cụm bốn ống phóng bố trí trên boong chính. Các ống phóng ngư lôi này được lấy từ các tàu khu trục của hải quân Đức bị đánh chìm ở Narvik, Na Uy năm 1940. Cũng giống như các tàu lớp Deutschland, chúng sử dụng ngư lôi tiêu chuẩn loại G7.
"Mắt thần" trên siêu hạm phát xít
Các thiết giáp hạm lớp Bismarck cũng có năm khí tài đo xa quang học 10,5m để hỗ trợ việc ngắm bắn cho pháo chính. Hai hệ thống được bố trí phía trước và phía sau phần đỉnh của thượng tầng con tàu, trong khi ba hệ thống còn lại được bố trí cho ba trong số bốn tháp pháo chính.
Các tàu này cũng được trang bị một khí tài đo xa quang học loại nhỏ 7m để gắn trên đỉnh tháp chỉ huy, do việc trang bị khí tài đo xa cỡ lớn ở vị trí này là không thể. Cả hai tàu lớp Bismarck khi gia nhập biên chế đều có radar trinh sát FuMO 23 bố trí trên cột buồm mũi, đằng sau cột buồm và trên tháp chỉ huy. FuMO 23 là một loại radar tương tự như phiên bản FuMO 22 trước đây, nhưng được gia tăng về công suất để tăng độ chính xác. Radar FuMO 23 sử dụng anten màn kép cao 2m và rộng 4m.
Tàu Bismarck đã giữ nguyên trang bị này cho đến khi bị đánh chìm, trong khi radar trên tàu Tirpitz được nâng cấp theo diễn biến của chiến tranh. Vào tháng 1/1942, tại Na Uy, Tirpitz được trang bị radar FuMO 27 bên trên khí tài đo xa phía trước, thay thế cho vị trí của radar FuMO 23, nhưng vẫn giữ nguyên anten. Một trạm radar nhỏ được bố trí bên trên trạm đo xa quang học. Ở phía trước của trạm này được gắn một anten FuMB Ant 7 Timor, với vị trí gần tương tự như hệ thống phát hiện radar FuMB 4. Một anten lưỡng cực đơn cỡ nhỏ (FuMB Ant 4 Sumatra) được bố trí ở ba điểm khác nhau quanh trạm radar này.
Sau này, thi thoảng một anten lưỡng cực kép FuMB Ant 6 Palau được gắn trên một cột bên trên trạm radar, nhưng việc này đã kết thúc trước lần nâng cấp lớn của tàu năm 1944. Đồng thời, hai anten đối diện ở cột buồm mũi bị thay thế bằng một anten màn kép cao 3m và rộng 4m của radar FuMO 26, một phiên bản nâng cấp sâu của radar FuMO 22.
Giữa năm 1944, một hệ thống điều khiển hỏa lực phòng không được lắp đặt thử nghiệm ở phần cuối tàu, với radar điều khiển hỏa lực họ Wurzburg (có thể là FuMO 212 hoặc FuMO 213) do Luftwaffe (Không quân Đức) chế tạo. Radar này sử dụng anten chảo tròn đường kính 3m.
|
Thiết giáp hạm Bismarck khai hỏa về phía tàu tuần dương chiến đấu HMS Hood, bình minh ngày 24/6/1941 |
Phận thảm của siêu hạm
Ngày 18/5/1941, thiết giáp hạm Bismarck lên đường rời Gotenhafen (nay là Gdynia, Ba Lan) cùng tuần dương hạm hạng nặng Prinz Eugen, tham gia chiến dịch Rheinubung, xuất kích ra Đại Tây Dương. Và chỉ 6 ngày sau, tức ngày 24/05/1941, con tàu đã tham gia trận chiến eo biển Đan Mạch.
Với hỏa lực pháo 380mm, Bismarck đã bắn chìm tuần dương hạm chiến đấu HMS Hood, bắn bị thương nặng thiết giáp hạm HMS Prince of Wales của Hải quân Hoàng gia Anh ở eo biển Đan Mạch. Tuy nhiên, trong quá trình hải chiến, tàu bị trúng ba phát đạn pháo, một trong số chúng xuyên thủng kho chứa dầu. Tàu bị chảy dầu và không thể tiếp nhiên liệu tại Korsfjord (Bergen - cảng phía tây nam Na Uy) nên buộc phải hướng về phía bờ biển nước Pháp.
|
Một góc chụp khác của thiết giáp hạm Bismarck trong trận hải chiến eo biển Đan Mạch. Giàn pháo 380mm đang bắn phá dữ dội tàu HMS Hood |
Thất bại đau đớn ở eo biển Đan Mạch, Hải quân Anh tung toàn lực săn đuổi Bismarck. Con tàu tiếp tục bị 9 máy bay của tàu sân bay HMS Victorious tấn công, và bị trúng thêm một vết thương nữa. Đến ngày 26/5/1941, Bismarck bị trúng một ngư lôi từ máy bay Swordfish của tàu sân bay HMS Ark Royal, cơ cấu dẫn hướng của tàu bị hỏng. Số phận Bismarck lúc này như cá nằm trên thớt. Chỉ một ngày sau, các tàu chiến hải quân Anh bắt kịp.
Các thiết giáp hạm HMS King George V và HMS Rodney, cùng nhiều tàu chiến khác đã tập trung bắn pháo Bismarck trong ba tiếng đồng hồ liên tục. Cuối cùng, tuần dương hạm HMS Dorsetshire phóng một ngư lôi về phía Bismarck, kích nổ số đạn pháo đánh chìm tàu. Trong số hơn 2.200 người trên tàu, chỉ có 114 người được cứu thoát.
|
Pháo chính 356mm trên thiết giáp hạm HMS Prince of Wales của Anh có tầm bắn ngắn hơn pháo 380mm của Bismarck |
Nhưng có lẽ, it nhất Bismarck còn may mắn vì được chết trên chiến trường. Vì chiếc tàu còn lại - Tirpitz thì luôn phải lẩn trốn không quân Đồng Minh. Tháng 3/1942, nó có tham gia đánh chặn các đoàn vận tải PQ.12 và QP.8 của quân Đồng Minh nhưng không thành công do thời tiết xấu. Đến tháng 9/1943, Tirpitz tham gia chiến dịch Sizilien cùng tàu Scharnhorst ở vùng biển đảo Spitzbergen, pháo kích Barentsburg. Ngày 22/09/1943, con tàu bị các tàu ngầm X (tàu ngầm cỡ nhỏ của Hải quân Hoàng gia Anh) tấn công, tàu bị hư hại do vướng thủy lôi của các tàu ngầm X6 và X7.
Sau đó, thì con tàu không còn tham gia các chiến dịch trên biển nữa. Nó chỉ còn lẩn trốn trong các cảng, và được bảo vệ kĩ lưỡng bởi các pháo phòng không và tàu phóng lôi. Ngày 3/04/1944, Anh huy động máy bay từ 6 tàu sân bay, tấn công và đánh trúng tàu 14 lần, nhưng Tirpitz vẫn giữ được khả năng đi biển. Hai ngày sau, con tàu tiếp tục bị máy bay từ các tàu sân bay Anh tấn công nhưng không bị thiệt hại. Đến ngày 17/7/1944, Tirpitz tiếp tục bị máy bay từ các tàu sân bay Anh tấn công nhưng không bị thiệt hại.
|
Ảnh chụp thiết giáp hạm Bismarck sau trận eo biển Đan Mạch. |
Một tháng sau đó, trong các ngày 22-29/8/1944, Tirpitz bị máy bay từ các tàu sân bay Anh tấn công liên tiếp. Vào ngày 24/8/1944, tàu bị trúng hai quả bom nhưng vẫn duy trì được khả năng đi biển.
|
Thiết giáp hạm Tirpitz với những cành lá ngụy trang |
Không đánh chìm được Tirpitz, quân Anh huy động đến loại “bom động đất” Tallboy nặng đến 5.400kg. Ngày 15/9/1944, 28 máy bay ném bom Lancaster ném bom 5.400kg đánh tàu. Một quả bom nổ gần mũi tàu, gây tổn thất lớn. Tàu tạm thời mất khả năng đi biển.
Ngày 17/10/1944, con tàu chuyển đến Tromso, Na Uy, giữ vai trò như một pháo đài nổi trên biển. Ngày 29/10/1944, 32 máy bay ném bom Lancaster tấn công tàu, nhưng không thành công. Cuối cùng, đến ngày 12/11/1944, quân Anh huy động 21 máy bay ném bom Lancaster tấn công một lần nữa. Và lần này, thiết giáp hạm Tirpitz không thể đứng vững, nó lật úp và chìm sau đó.