Kì 1: Động lực và vỏ giáp
Hiệp ước Hải quân Anh - Đức được kí năm 1935 có thể coi là một biện pháp hợp thức hóa các thiết giáp hạm lớp Scharnhorst. Không những vậy, nó còn cho phép Đức đóng mới một cặp thiết giáp hạm thực sự để thay thế hai tàu chiến tiền Dreadnought vẫn còn trong biên chế (thỏa thuận này cũng cho phép người Đức có tàu ngầm trong biên chế, bất chấp việc Hiệp ước Versailles đã cấm Đức sở hữu thiết giáp hạm và tàu ngầm).
Dù Hiệp ước năm 1935 đã giới hạn lượng giãn nước của các thiết giáp hạm mới là 35.000 tấn, trên danh nghĩa là tương đương với các thiết kế lúc bấy giờ của Anh và Mỹ. Nhưng các kĩ sư Đức đã bỏ qua giới hạn này ngay từ khi bắt đầu thiết kế. Phụ lục bổ sung của Hiệp ước kí năm 1938 giới hạn trọng tải tối đa của thiết giáp hạm là 45.000 tấn. Nhìn chung thì phe Đồng Minh cũng không mất gì khi kí Hiệp ước bổ sung, vì trên thực tế thì các thiết kế thiết giáp hạm đã vượt qua giới hạn cũ nhiều ngàn tấn giãn nước.
Hải quân Đức (Kriegsmarine) đã đặt hàng thiết giáp hạm Bismarck năm 1935, và con tàu đã gia nhập biên chế hải quân ngày 24/08/1940. Tiếp đó là chiếc Tirpitz, được đặt hàng năm 1936 và gia nhập biên chế ngày 25/02/1941.
Hai thiết giáp hạm lớp Bismarck này có lượng giãn nước tiêu chuẩn trên 41.000 tấn, và giãn nước toàn tải lên đến 51.000 tấn (để hiểu rõ hơn về kích cỡ của hai con tàu, cần biết rằng trên thế giới chỉ có một số rất ít thiết giáp hạm lớn hơn lớp Bismarck được hoàn thành, đó là bốn tàu lớp Iowa của Mỹ, hai tàu lớp Yamato của Nhật Bản, và một thiết giáp hạm lớp Vanguard được Anh đóng sau chiến tranh thế giới thứ hai).
|
Bismarck khi mới hạ thủy, chưa có cấu trúc thượng tầng và hỏa lực pháo tàu |
Bismarck là một lớp thiết giáp hạm đúng nghĩa, theo mọi cách định danh và phân loại tàu chiến thời bấy giờ. Thiết kế lớp Bismarck được cho là phái sinh từ thiết kế thiết giáp hạm lớp Baden thời kì cuối chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng như tuần dương hạm chiến đấu lớp Ersatz Yorck (một lớp tàu chiến chưa bao giờ hoàn thành của hải quân Đức).
Giống như những tàu này, lớp Bismarck cũng được thiết kế với hỏa lực chính là tám pháo 380mm, bố trí trong bốn tháp pháo hai nòng, cũng như có lớp giáp bảo vệ thân tàu dày 320mm. Ngoài ra, tương tự các tàu lớp Schanhorst, thiết giáp hạm lớp Bismarck cũng còn sàn boong bọc thép để chống lại các mối đe dọa từ trên không.
|
Thiết giáp hạm Bismarck với mũi tàu kiểu mới "Đại Tây Dương". |
Điểm khác biệt lớn nhất giữa thiết giáp hạm Bismarck với “tổ tiên” của mình, đó là ở tốc độ: 29 hải lí mỗi giờ, nhanh hơn bất cứ thiết kế nào trước đó. Ban đầu, thiết kế Bismarck sử dụng hệ thống động lực điện tăng áp. Hệ thống này sử dụng turbine hơi nước để kéo các máy phát điện, cung cấp năng lượng cho các động cơ điện lớn quay chân vịt của tàu. Hệ thống này là rất phổ biến trong hải quân Mỹ, trong và ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Ưu thế lớn của hệ thống điện tăng áp là sự linh hoạt của nó, vì các turbine sẽ không nối trực tiếp với các trục truyền động, các máy phát điện tăng áp có thể phối hợp theo nhiều cách để điều khiển tất cả các trục. Các trục truyền động cũng được thiết kế ngắn hơn, và tương ứng điều đó thì các khoang kín nước sẽ được cải tiến.
Tuy nhiên, nhược điểm chính của hệ thống này là kích cỡ và khối lượng rất lớn, hơn rất nhiều so với các hệ thống turbine thông thường, với cùng một công suất.
Cuối cùng thì Hải quân Đức đã lựa chọn một hệ thống động lực turbine cao áp thông thường, để có thể tiết kiệm nhiều trọng lượng của tàu. Cũng cần nói thêm rằng, hải quân Mỹ khi đó cũng bắt đầu thiết kế lớp thiết giáp hạm đầu tiên của mình trong 20 năm, lớp Bắc Carolina sử dụng động cơ turbine hơi nước.
|
Sơ đồ thiết kế thiết giáp hạm Bismarck. |
So sánh với các thiết giáp hạm đương thời, Bismarck nằm ở khoảng giữa. Pháo chính 380mm của tàu lớn hơn pháo 356mm của thiết giáp hạm lớp King George V, nhưng nhỏ hơn pháo 460mm trên các tàu lớp Yamato và pháo 406mm của các tàu chiến hiện đại của Mỹ.
Tương tự như vậy, giáp và tốc độ của tàu chiến Bismarck cũng không quá vượt trội hay thua kém so với các thiết giáp hạm khác. Giống như các tàu chiến lớp Deutschland trước đây, sự hiện diện của chúng gây ra một tác động không tương xứng trong tư duy chiến lược của hải quân Đồng Minh và mối nguy thực sự chúng tạo ra.
Sau khi đánh chiếm Na Uy và Phần Lan, Đức đã có được các hải cảng mà từ đó những tàu chiến này có thể xuất kích để hoạt động trong phạm vi từ vòng cực Bắc đến tận biên giới Tây Ban Nha. Để chống lại mối đe dọa này, Hải quân Hoàng gia Anh huy động một lượng lớn các tàu chiến mạnh để sẵn sàng theo sát mọi di biến động của các thiết giáp hạm Bismarck. Trong mọi trường hợp, không quân Anh luôn phát hiện được sự di chuyển của các tàu Bismarck, và sẽ tập trung tấn công tiêu diệt con tàu.
Trong một thời gian ngắn của tháng 5/1941, sau khi đánh chìm tàu tuần dương chiến đấu HMS Hood và trước khi chính mình bị đánh chìm, thiết giáp hạm Bismarck là một con quái vật biển đáng sợ trong mắt hệ thống tuyên truyền Đức và người Anh. Còn sau đó, việc tàu Tirpitz và các tàu chủ lực khác của hải quân Đức vẫn còn nguyên vẹn cũng chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ đến chiến cục trên biển. Kết thúc chiến tranh, cả bảy tàu chủ lực của Đức đều an nghỉ dưới đáy biển sâu.
|
Xuồng máy được bố trí trên tàu Bismarck. Ngoài ra, Bismarck còn có thể mang theo 6 thủy phi cơ Arado Ar 196A |
Khi hạ thủy, thiết giáp hạm Bismarck dài 240,2m ở mực mớn nước, chiều dài tổng thể là 248m, chiều rộng 36m, mớn nước 8,7m khi tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn và 10,2m ở lượng giãn nước toàn tải. Thiết giáp hạm Tirpitz nặng hơn nên có mớn nước tương ứng là 9m và 10,6m. Cả hai tàu đều được thay thế với mũi cánh cung mới trước khi gia nhập biên chế, làm tăng chiều dài ở mực mớn nước lên 241,5m và chiều dài tổng thể là 251m. Lượng giãn nước toàn tải của tàu Bismarck khi tham chiến trên biển là 50.900 tấn, còn với tàu Tirpitz là xấp xỉ 52.600 tấn.
Hai tàu lớp Bismarck được trang bị 12 nồi hơi cao áp đốt dầu Wagner và ba cơ cấu trục turbine truyền động kéo ba chân vịt. Blohm & Vohm chế tạo turbine cho thiết giáp hạm Bismarck, trong khi Brown-Boveri chịu trách nhiệm chế tạo turbine cho thiết giáp hạm Tirpitz. Công suất đầu ra thiết kế của tàu là 138.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 29 hải lí trên giờ. Tầm hoạt động của Bismarck là 9.280 hải lí ở tốc độ 16 hải lí trên giờ. Trong khi đó, Tirpitz có dự trữ nhiên liệu lớn hơn, có tầm hoạt động 10.200 hải lí ở cùng tốc độ trên.
Cả hai tàu đều có vỏ giáp với độ dày lớn nhất là 320mm. Vách ngăn chống ngư lôi bên trong của chúng dày đến 45mm, chạy từ trên boong tàu bọc thép cho đến tận bên trong phần đáy tàu. Sàn boong bọc thép chính dày 80mm, với phần từ góc mở rộng cho đến phía dưới của giáp thân tàu được bọc thép 100mm. Tàu cũng có một vách ngăn mỏng dày 30mm ngăn giữa sàn boong bọc thép với phần boong chính dày 50mm.