Theo tạp chí quân sự Jane’s Defence Weekly, tại triễn lãm vũ khí quốc tế SOFEX 2014 diễn ra từ ngày 5 đến ngày 8/5 ở Amman, Jordan. Không quân Hoàng gia Jordan (RJAF) đã lần đầu giới thiệu 2 máy bay hỗ trợ hỏa lực đường không AC-235 sẽ được đưa vào trang bị cho lực lượng tác chiến đặc biệt của Jordan.
AC-235 là máy bay hỗ trợ hỏa lực đường không được phát triển dựa trên khung thân máy bay vận tải hạng nhẹ CN235 đi theo cách phát triển mẫu AC-130 nổi danh của Mỹ.
|
Máy bay vận tải CN235.
|
Những chiếc CN235 này được Jordan mua lại sau đó được sửa chữa và nâng cấp lại dưới sự hợp tác giữa công ty ATK của Mỹ và Viện thiết kế và phát triển Abdullah II của Jordan, theo một hợp đồng được hai bên ký kết vào năm 2011.
Brad Hayes - giám đốc kinh doanh của công ty quốc phòng ATK cho biết, thành công của dự án trên là niềm tự hào không chỉ riêng của ATK mà còn là của ngành công nghiệp quốc phòng của Jordan. Ông này còn cho biết, đây là mẫu máy bay vũ trang đầu tiên mà công ty này cung cấp cho khách hàng nước ngoài không phải là Quân đội Mỹ.
Theo thiết kế, AC-235 trang bị một pháo tự động 30mm M230LF do ATK phát triển và được đặt bên hông máy bay. Ngoài ra, nó còn được trang bị các tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser AGM-114 Hellfire và rocket tự dẫn chính xác cao APKWS 70mm.
AC235 trang bị 2 động cơ tuốc bin cánh quạt General Electric CT7 có công suất 1.305 kW. Điều này cho phép nó tốc độ bay tối đa 450km/h với trần bay 7.620m, phạm vi hoạt động hiệu quả là hơn 4.300km.
|
AC-235 với việc "độ" thêm giá treo ngoài mang tên lửa Hellfire và rocket tự dẫn.
|
Về hệ thống điện tử, AC-235 được trang bị hệ thống radar I-Master do hãng Thales chế tạo cùng với hệ thống cảm biến quang điện L-3 Wescam MX-15. Các hệ thống trên sẽ giúp cho vũ khí của AC-235 xác định chính xác mục tiêu trong quá trình tác chiến. Ngoài ra, nó còn được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động AN/AAR-47 đối phó với các loại tên lửa - pháo phòng không mặt đất.
Ngoài AC-235, mới đây, hãng Aermacchi Alenia (Italy) đã thực hiện chuyến bay thử thành công mẫu máy bay hỗ trợ hỏa lực đường không MC-27J - phát triển dựa theo khung thân cơ sở vận tải cơ C-27J. Đặc biệt, chương trình phát triển này cũng có sự hợp tác với công ty ATK.
Khác với AC-235, MC-27J vừa có thể làm nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực và vừa là máy bay vận tải, với việc có thể di chuyển dễ dàng hệ thống pháo tự động GAU-23 30mm ra khỏi khoang hàng hóa.
Hiện nay, công ty ATK đang nâng cấp 6 chiếc C-27J của Không quân Italy lên phiên bản MC-27J để số máy bay trên có thể tham gia vào các hoạt động tác chiến đặc biệt trên không.
Giám đốc Hayes của ATK cho hay, hệ thống module của MC-27J cũng có thể phù hợp với một số loại máy bay vận tải tầm trung khác như Airbus C295, CASA C212 hay Antonov An-32.
"Ngoài Jordan, hiện nay các nước như Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đều đang sở hữu mẫu máy bay vận tải tầm trung CN235 và trong tương lai các nước trên có khả năng sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho ATK", Hayes cho biết thêm.
|
Máy bay hỗ trợ đường không giá thành thấp AC-208 phóng tên lửa Hellfire.
|
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang dành khá nhiều sự quan tâm cho các loại máy bay trinh sát và tấn công đường không cải tiến từ vận tải cơ, ngoài những chiếc máy bay được nâng cấp với chi phí khá cao như AC-235 hay MC-27J còn có một số lựa chọn khác với chi phí thấp hơn.
Điển hình như Yamen và Lebanon khi các nước này tiến hành nâng cấp máy bay vận tải siêu nhẹ Cessna C208 Grand thành phiên bản AC-208, với chi phí thấp dành cho việc trang bị thêm các tên lửa dẫn đường Hellfire và nâng cấp hệ thống trinh sát - giám sát.
Việc Yamen quyết tâm xây dựng phi đội AC-208 xuất phát từ thành công của phiên bản nâng cấp này trên chiến trường Iraq, khi Quân đội Iraq đã chứng minh được khả năng của AC-208 trong thời gian gần đây.