MC-27J: người anh em của “hung thần” AC-130 Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Máy bay hỗ trợ hỏa lực đường không MC-27J được phát triển trên cơ sở AC-130 Mỹ đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm.

Tạp chí Jane’s Defence Weekly đưa tin, hôm 25/4, công ty hàng không Alenia Aermacchi Italy đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đối với dòng máy bay hổ trợ hỏa lực trên không MC-27J Spartan tại trung tâm thử nghiệm hàng không ở Turin.
Được giới thiệu lần đầu tiên tại triễn lãm hàng không Farnborough vào năm 2012, MC-27J là biến thể dành cho nhiệm vụ tác chiến đặc biệt và hỗ trợ hỏa lực của dòng máy bay vận tải hạng trung C-27J do công ty Alenia chế tạo.
MC-27J được xem như là phiên bản thu nhỏ của Châu Âu đối với dòng máy bay hỗ trợ hỏa lực AC-130J của Không quân Mỹ với cấu hình thấp hơn.
Được thiết kế trên nền tảng C-27J nên thông số kỹ thuật của MC-27J khá giống với đàn anh của nó. Với trọng lượng 11,5 tấn, dài 22,7m, có trọng lượng cất cánh tối đa hơn 30 tấn. MC-27J được trang bị 2 động cơ Rolls-Royce AE2100-D2A kiểu turboprop có công suất 3.460 kW cho mỗi động cơ.
MC-27J có tốc độ bay tối đa 602km/h với trần bay 9.144m, phạm vi hoạt động khi mang theo 6 tấn hàng hóa 4.260km và không tải là 5.926km.
Ảnh đồ họa gunship MC-27J.
MC-27J  được trang bị hệ thống cảm biến quang điện L-3 Wescam MX-15HD sử dụng cho hệ thống pháo tự động do công ty vũ khí ATK phát triển cùng với sự hỗ trợ của hệ thống chia sẻ thông tin theo chuẩn NATO Link-16 data link - phiên bản nâng cấp của hệ thống thông tin liên lạc Selex ES.
Ảnh đồ họa hệ thống vũ khí bên trong MC-27J.
Alenia đã hợp tác với ATK để phát triển hệ thống vũ khí trang bị cho MC-27J, đó là pháo tự động GAU-23 30mm được đặt bên hông của máy bay. GAU-23 thực chất là biến thể dùng cho lực lượng không quân của pháo tự động Mk44 Bushmaster II 30mm có tốc độ bắn 100-200 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 3.000m. 
Dự kiến quá trình lắp đặt hệ thống vũ khí trên sẽ hoàn thành trong tháng tới. Theo kế hoạch thử nghiệm, MC-27J sẽ bay thử một lần nữa vào tháng 6 năm nay và sẽ tiến hành bắn đạn thật hệ thống pháo tự động 30mm.
Bên cạnh pháo tự động GAU-23 của ATK, công ty Alenia cũng đang tìm kiếm một số loại vũ khí khác để có thể tích hợp lên MC-27J, ví dụ như bom liệng dẫn đường bằng laser Strike Viper và tên lửa đối đất Raytheon Griffin cũng như các hệ thống vũ khí khác được phát triển bởi ATK. Nếu được trang bị thì số vũ khí trên sẽ được đặt ở hai bên cánh hoặc cửa phía sau của máy bay.
 MC-27J trưng bày tại triển lãm hàng không Dubai.
Italy là khách hàng đầu tiên mua các máy bay MC-27J tại triển lãm hàng không Dubai 2013, với hợp đồng 3 chiếc, dự kiến thời gian bàn giao vào năm 2016. Bên cạnh đó, Không quân Italy cũng sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng C-27J trong biên chế lên chuẩn MC-27J trong tương lai gần.
Không quân Mỹ cũng đang sở hữu 7 chiếc C-27J được biên chế cho Bộ chỉ huy các Chiến dịch đặc biệt của Không quân Mỹ (AFSOC) và rất có thể các máy bay này cũng sẽ được nâng cấp lên bản MC-27J. Mặc dù hiện nay vẫn chưa có thông tin gì về việc nâng cấp nhưng công ty Alenia đã giới thiệu mẫu máy bay này cho AFSOC.
Theo đánh giá của Alenia, ước tính sẽ có 50 chiếc C-27J được Quân đội Italy đặt hàng cùng với một số thị trường tiềm năng khác như Trung Đông, Nam Mỹ, và khu vực Viễn Đông.
Trà Khánh

Bình luận(0)