Thông tin này được đăng tải bởi tờ Defence News. Nếu đều này trở thành hiện thực, đây sẽ là hợp đồng đầu tiên dành cho hệ thống tên lửa phòng không hiện đại HQ-9 do Trung Quốc sản xuất.
Theo quan chức cơ quan phụ trách mua bán vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ, rất có thể nước này sẽ lựa chọn hệ thống đánh chặn tên lửa và phòng không do Trung Quốc sản xuất, bất chấp việc nó sẽ rất khó khăn trong việc tích hợp với hệ thống theo chuẩn NATO có sẵn.
”Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kết luận rằng gói thầu cuả Trung Quốc đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, bao gồm cả sự chuyển giao công nghệ và có mức giá rẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ còn lại”, vị này cho biết.
Vấn đề chỉ còn là chờ đợi một quyết định chính thức từ Bộ trưởng Quốc phòng Ismet Yilmaz và Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan. Quyết định cuối cùng và chính thức sẽ được đưa ra tại cuộc họp tiếp theo của Ủy ban điều hành các ngành Công nghiệp Quốc phòng được điều hành bởi Thủ tướng Erdogan, đây là cơ quan giám sát các kế hoạch mua sắm chính. Tuy nhiên, cuộc họp rất được chú ý này không được ấn định ngày giờ cụ thể.
Vào tháng 1, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu một chương trình hiện đại hóa lực lượng phòng không mang tên T-Loramids trị giá tới 4 tỉ $. Ban đầu chương trình được xây dựng như một cuộc đấu thầu, không hạn chế hồ sơ, nhưng Ủy ban điều hành các ngành Công nghiệp Quốc phòng (SSM) sẽ yêu cầu các ứng viên đưa ra phương án hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất. Thủ tướng Erdogan ra yêu cầu phải có sự khả thi về "tiềm năng hợp tác sản xuất" tại Thổ Nhĩ Kỳ của hệ thống.
|
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 có cơ hội gia nhập Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. |
Ngay trong tháng, SSM đã gửi thư cho các nhà thầu yêu cầu họ gửi lại các ý tưởng cho bất kỳ một thỏa thuận sản xuất nào.
Tham gia cạnh tranh trong chương trình là những “người khổng lồ” trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự gồm: Hãng Raytheon và Lockheed Martin (Mỹ) với hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot; Rosoboronexport (Nga) với S-300; Tập đoàn Xuất nhập khẩu Máy móc chính xác (Trung Quốc) với hệ thống HQ-9 (sản phẩm sao chép công nghệ S-300) và hệ thống SAMP/T Aster 30 của Eurosam (liên doanh Italy – Pháp).
T-Loramids đã được xây dựng với yêu cầu có thể đánh chặn máy bay và tên lửa vì hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ không có hệ thống phòng không tầm xa.
Nhưng các nhà ngoại giao và các nhà phân tích cảnh báo rằng có thể Thổ Nhĩ Kỳ không thể tích hợp hệ thống phòng không mang nguồn gốc Trung Quốc vào mạng lưới gồm chủ yếu các thiết bị cảnh báo sớm của NATO.
”Tôi không thể bình luận về cách mà chính quyền Mỹ sẽ phản ứng nếu điều đó xảy ra. Nhưng tôi có thể cho các bạn biết rằng việc tích hợp một tổ hợp phòng không của Trung Quốc hoặc Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ vào hệ thống của NATO là một ý tưởng không hề tốt”, một nhà ngoại giao Mỹ phát biểu.
Theo một số nguồn tin phương Tây, các quan chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về những vấn đề tiềm tàng có thể gặp phải nếu chính phủ nước này quyết định chọn người Trung Quốc hay người Nga.
“Tôi thấy rằng Thổ nhĩ Kỳ đang rất kiên quyết, nhưng tôi không nghĩ sẽ là thực tế nếu kết hợp một trong 2 hệ thống phòng không hoặc chống tên lửa có nguồn gốc Trung Quốc và hệ thống radar của NATO. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ gặp vấn đề tương tự với hệ thống vũ khí của Nga, nhưng theo tôi với Mỹ, Trung Quốc đại diện cho một mối đe dọa trực tiếp hơn,” chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ ở London nhận xét.
Theo một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ làm việc với hệ thống NATO cho biết, một nửa các dữ liệu phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ là dựa vào mạng lưới radar của NATO. Đấy là một phần trong hệ thống phòng thủ của NATO.
|
Hệ thống HQ-9 có thể đem lại cho Thổ Nhĩ Kỳ khả năng diệt mục tiêu cách 200km. |
Để chống lại các mối đe dọa từ tên lửa, Thổ Nhĩ Kỳ cần vệ tinh và radar cảnh báo sớm và theo dõi tên lửa đạn đạo chuyên dụng giống như radar của NATO triển khai tại Kurecik năm ngoái.
”Đối với việc chống máy bay, Thổ Nhĩ Kỳ cần một hệ thống dữ liệu toàn cảnh tổng thể. Tổ hợp Patriot có thể nhận ra các mối đe dọa bằng radar riêng của mình, tổ hợp của Trung Quốc cũng có thể làm điều tương tự. Tuy nhiên, để tương tác với tác với các bộ phận khác nhằm cho ra bức tranh về tình trạng toàn cảnh thì tổ hợp của Trung Quốc không thể thực hiện hiệu quả”, quan chức cho biết.
”Thổ Nhĩ Kỳ luôn có thể xây dựng một hệ thống độc lập, nhưng trong trường hợp đó nó sẽ tách biệt hệ thống phòng không ra khỏi cấu trúc của NATO. Điều này đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ mất đi một nửa khả năng của hệ thống radar”, chuyên gia quân sự khác nói.