Cho đến trước ngày 7/10/2015, Washington vẫn đinh ninh rằng Nga không đủ khả năng đối phó với hành động vũ lực của người Mỹ nếu không dùng các loại vũ khí hạt nhân.
Định đề này, trên thực tế dựa vào thói ngạo mạn quá mức của Mỹ trong nền chính trị quốc tế. Tuy nhiên, đòn tấn công sấm sét của tên lửa hành trình Nga từ vùng biển Caspia giáng vào các căn cứ của IS tại Syria, chí ít cũng đã đặt tín điều cứng nhắc của Mỹ trước sự ngờ vực, Chủ tịch Trung tâm hệ thống Phân tích và Dự báo Rostislav Ishenko nhận xét.
|
Tên lửa hành trình 3M-14T Kalibr rời bệ phóng. |
Nga xuất khẩu các tên lửa hành trình với tầm bắn 300 km. Mỹ giả thiết có vẻ hợp lý rằng phạm vi hoạt động của tên lửa tương tự được trang bị cho quân đội Nga có thể cao hơn như thế hai lần, tức là tầm bay xa khoảng 600 km. Nhưng tên lửa phóng từ tàu chiến của đội tàu Caspia – hoàn toàn chưa phải là đơn vị hùng mạnh nhất của Hải quân Nga – đã bao phủ mục tiêu ở tầm xa tới 1.500 km. Và xét theo mọi điều, đó còn chưa phải là giới hạn cuối cùng.
Trước đây đội tàu Caspia và thậm chí là Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Baltic chỉ được coi là đối thủ tiềm năng mà hoạt động hạn chế ở tầm chiến dịch cục bộ trong vùng biển khép kín của mình. Trong cái nhìn của Mỹ, mối đe dọa thực sự phải là Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Bắc, có thể triển khai trên vùng không gian biển rộng lớn của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong trường hợp bắt đầu xung đột nghiêm trọng.
|
Hệ thống kiểm soát phóng tên lửa hành trình Kalibr trên tàu chiến Nga. |
Theo tính toán của các nhà chiến lược Mỹ, để hủy diệt một nhóm tàu sân bay chiến đấu của Mỹ, Hải quân Nga cần tập trung gần như toàn bộ các chiến hạm tấn công của Hạm đội Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương. Nhưng sau “cố gắng tuyệt vọng” đó, như người Mỹ mỉa mai, lực lượng tấn công của Hải quân Nga sẽ hầu như không còn tồn tại. Và từ đó địa vị thống trị của Hải quân Mỹ trên đại dương thế giới sẽ chẳng gặp phải mối đe dọa nào hơn nữa.
Tuy nhiên, sự kiện ngày 7/10/2015 đã chứng tỏ rằng chỉ đội tàu nhỏ Caspia hoặc Hạm đội Biển Đen cũng thừa sức tiêu diệt bất cứ đối thủ ở phần Đông Địa Trung Hải và thậm chí cả ở vùng vịnh Péc-xích. Bậc trưởng lão biển khơi của Nga là Hạm đội Baltic có khả năng bao quát biển Bắc Âu cho đến tận eo biển Manche và một phần vùng biển Na Uy. Hạm đội Bắc có thể kiểm soát vùng Bắc Đại Tây Dương mà vẫn là không thể tiếp cận đối với kẻ thù. Còn Hạm đội Thái Bình Dương thì đảm bảo nhấn chìm mọi tàu bơi trên Thái Bình Dương ở cực bắc Hawaii.
Trong trường hợp xảy ra xung đột nghiêm trọng rất không mong đợi, Hải quân Nga chẳng còn cần đặt những tàu nổi lớn dưới thước ngắm hỏa lực để tiêu diệt chỉ một nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ. Còn tên lửa Nga phóng từ khoảng cách hàng nghìn cây số thì các thủy thủ Mỹ sẽ chỉ nhìn thấy vào thời điểm tên lửa bắn trúng con tàu của họ hoặc tối đa là đang bay tới gần. Rõ ràng đối phương khó lòng kịp trở tay hay thi hành biện pháp tự vệ hiệu quả. Như vậy, bất kỳ con tàu tuần tra nào của Nga, thông thường truy đuổi những kẻ săn bắt trộm ở đâu đó trong vùng biển Okhotsk, về lý thuyết đều có khả năng dễ dàng nhấn chìm tàu sân bay "lạ" đang ở cách xa hàng nghìn dặm.
|
Chỉ bằng 26 quả tên lửa hành trình 3M-14T Kalibr, người Nga đã tặng cho người Mỹ một cú sốc lớn. |
Ngày 7/102015, lần đầu tiên Nga cho thấy khả năng không chỉ giáng đòn hiệu quả, mà còn thực sự che chắn được toàn bộ lãnh thổ của đất nước mình và lãnh thổ các quốc gia đồng minh tại vùng Á- Âu khỏi mọi cuộc xâm lăng hiếu chiến. Rõ ràng, sự thật này cũng “mở mắt” các đồng minh của Mỹ. Nhiều nước trong số họ duy trì lòng trung thành với Mỹ chỉ bởi e sợ sức mạnh quân sự của Mỹ và trông cậy vào sự bảo vệ mà như định kiến của Washington là không ai sánh kịp. Nga đã hạ bệ thói ngạo mạn vô lý cố hữu này. Và điều đó thực sự thay đổi đáng kể toàn cục tình hình quân sự và chính trị trên thế giới, chuyên viên Rostislav Ishenko đánh giá. Trong mọi trường hợp, giờ đây Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi ra lệnh cho các đồng minh và "đối tác" của Washington nếu không tính đến quyền lợi của những nước này.