Tàu ngầm Trung Quốc “đe dọa” Nga, Đức

Google News

(Kiến Thức) - Việc Trung Quốc bắt đầu đưa tàu ngầm phi hạt nhân chào bán trên thị trường thế giới có thể làm ảnh hưởng tới thị phần của Nga, Đức.

Tại triển lãm Hàng không Không gian và Hàng hải quốc tế Langkawi (Malaysia), Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã giới thiệu thiết kế tàu ngầm phi hạt nhân S-20. Theo các quan chức Trung Quốc tại triển lãm, S-20 được phát triển không chỉ dành cho nhu cầu trong nước mà còn nhắm tới xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

Theo mô hình được giới thiệu tại triển lãm, dường như S-20 là thiết kế thu nhỏ tàu ngầm phi hạt nhân tiên tiến Type 041 lớp Nguyên của Trung Quốc.

Tàu ngầm S-20 có chiều dài khoảng 66m, rộng 8m, mới nước 8,2m và lượng giãn nước toàn tải 1.850 tấn (khi nổi) hoặc 2.300 tấn (khi lặn). S-20 được vận hành bởi thủy thủ đoàn 38 người, khả năng hoạt động liên tục trên biển 60 ngày.  

Tàu được trang bị hệ thống động cơ diesel - điện cho phép đạt tốc độ tối đa 18 hải lý/h, tầm hoạt động tối đa 8.000 hải lý nếu chỉ chạy với tốc độ 16 hải lý/h.  Nó có khả năng lặn sâu tối đa 300m.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, tàu có thể trang bị hệ thống AIP tiên tiến (cho phép lặn sâu hơn dưới mặt nước, bớt ồn hơn) nếu khách hàng nước ngoài có yêu cầu.

Mô hình tàu ngầm phi hạt nhân S-20 của Trung Quốc giới thiệu tại triển lãm.

S-20 được trang bị hệ thống định vị thủy âm tiên tiến dùng để phát hiện và theo dõi tàu ngầm đối phương.

Về trang bị vũ khí, tuy không đưa ra loại vũ khí chi tiết, nhưng theo các quan chức ở triển lãm thì tàu ngầm S-20 thiết kế với 6 máy phóng ngư lôi có thể bắn nhiều loại vũ khí khác nhau gồm: ngư lôi chống ngầm/tàu mặt nước; tên lửa chống tàu ngầm; tên lửa chống tàu mặt nước.

Theo các chuyên gia quốc tế, sự xuất hiện của S-20 trên thị trường tàu ngầm thế giới sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhà xuất khẩu tàu ngầm phi hạt nhân Nga, Đức. Đây là hai quốc gia đang khá thành công trên thị trường xuất khẩu tàu ngầm phi hạt nhân với thiết kế Kilo và Type 206/209.

Công nghệ tàu ngầm Trung Quốc vẫn còn những vướng mắc ở động cơ, tiếng ồn gây ra khi hoạt động lớn, nhưng nước này có một lợi thế đó là giá rẻ, hợp túi tiền các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển. Với những nước có ngân sách quốc phòng eo hẹp, muốn sở hữu tàu ngầm có tính năng mạnh mẽ thì thực sự tàu ngầm Trung Quốc là giải pháp tốt nhất.

Dù cho sức mạnh của S-20 thực tế vẫn chưa được kiểm chứng một cách độc lập, nhưng với tính năng như trên cùng giá cả rẻ thì thực sự đây sẽ là đối thủ đáng gờm với tàu ngầm Nga, Đức và một vài nước khác.

Theo một số nguồn tin, Pakistan và Bangladesh có thể là những khách hàng đầu tiên của tàu ngầm phi hạt nhân S-20. Hai nước này đồng thời cũng là những “bạn hàng truyền thống” của Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Hoàng Lê

Bình luận(0)