Sự thật "sốc" về tên lửa liên lục địa RS-26 Rubezh Nga

Google News

(Kiến Thức) - Tuy được coi là tên lửa liên lục địa mới của Nga nhưng tầm bắn của RS-26 có thể chỉ xếp vào tên lửa tầm trung không được phát triển.

Trước bối cảnh các nước phương Tây dẫn đầu là Mỹ đang triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa rộng khắp châu Âu cũng như một số địa điểm ở khu vực châu Á đang đe dọa đến an ninh Nga. Viện Công nghệ nhiệt Moscow đang tiến hành chương trình phát triển loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới mang tên RS-26 Rubezh.

RS-26 được thiết kế để đột phá lá chắn tên lửa của Mỹ triển khai ở châu Âu. Một số nguồn tin cho biết, sự phát triển của tên lửa mới đã được bắt đầu trong năm 2008. Thử nghiệm đầu tiên đã được thực hiện trong năm 2012, tên lửa đạt tầm bắn khoảng 5.800km.

Theo kế hoạch, công tác phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-26 sẽ hoàn thành trong năm 2014, và những tên lửa đầu tiên có thể đi vào phục vụ trong năm 2015 hoặc 2016. RS-26 thuộc loại ICBM hạng nhẹ, nó sẽ bổ sung cho các ICBM hạng nặng của Nga hiện nay như một vũ khí có tính cơ động cao.

Trong ảnh là xe phóng tự hành của RS-26 Rubezh.

Một số nguồn tin cho rằng, RS-26 là bản thu nhỏ của  ICBM hạng nặng RS-24 Yars (NATO định danh SS-27 Mod2) mới được đưa vào hoạt động trong lực lượng tên lửa chiến lược Nga từ năm 2010. RS-26 nhỏ hơn nhiều so với các ICBM chủ lực hiện nay của Nga là Topol-M và Yars. Xét về kích thước nó tương đương với ICBM phóng từ tàu ngầm - RSM-56 Bulava.

Mặc dù RS-26 là một ICBM nhưng nó gần với tầm bắn tối đa của tên lửa đạn đạo tầm trung. Phương Tây cho rằng, Nga đang phát triển một tên lửa đạn đạo tầm trung núp bóng hợp pháp dưới một ICBM. Nếu RS-26 mang nhiều đầu đạn hạt nhân nó sẽ không thể đạt tầm bắn của một ICBM.

Trong trường hợp đó, tên lửa sẽ rơi vào loại tên lửa đạn đạo tầm trung. Phát triển các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 500-5.000km bị cấm theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tầm trung INF được ký kết giữa Mỹ-Liên Xô vào năm 1987. Vì vậy Nga có thể đang tìm cách phát triển một loại tên lửa tầm trung để lấp đầy khoảng trống trước đây do tên đạn đạo tầm trung RSD-10 Pioner (NATO định danh là SS-20 Saber) đảm nhận.

Trong năm 2007, Nga tuyên bố rằng Hiệp ước INF không phục vụ lợi ích của Nga hiện nay. Năm 2012, Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF bằng cách phát triển một tên lửa đạn đạo mới. Cho đến năm 2014, RS-26 đã không xuất hiện trước công chúng bất kỳ lần nào.

 RS-26 có khả năng đột phá ngay cả những hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi nhất. Ảnh minh họa

Ước tính, RS-26 có chiều dài khoảng 12 mét, đường kính 1,8 mét, trọng lượng phóng khoảng 36 tấn. Nhiều khả năng, RS-26 là một tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn. Hiện vẫn chưa rõ tên lửa RS-26 sẽ mang 1 đầu đạn hay nhiều đầu đạn tái nhập cảnh mục tiêu độc lập. Cả hai cấu hình đầu đạn đã được thực hiện trong năm 2013.

RS-26 được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay cho phép nó chính xác hơn nhiều so với các tên lửa đạn đạo hiện nay của Nga. Người ta tin rằng, RS-26 có khả năng đột phá những hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi nhất thế giới.

Tên lửa mới được trang bị trên khung gầm xe chuyên dụng MZKT-27291, chiếc xe có 6 trục có khả năng cơ động rất cao. Xe có một mái che đặc biệt để giấu tên lửa bên trong giúp ngụy trang tốt hơn. Thiết kế xe chuyên dụng MZKT-27291 tương tự như xe MAZ-547 trước đây được sử dụng cho tên lửa đạn đạo tầm trung RSD-10 Pioner.

RS-26 có khả năng sống sót rất cao nhờ vào khả năng cơ động, nó rất khó khăn để phát hiện sự di chuyển hoặc khai hỏa. Khi ở trạng thái báo động cao, tên lửa RS-26 có thể di chuyển rời xa các căn cứ và hoạt động tại các khu vực rừng núi. Xe phóng có phạm vi hoạt động tới 500km cho phép tên lửa hoạt động mà không bị phát hiện trên một khu vực tương đương với một quốc gia nhỏ ở châu Âu.

Trong quá trình triển khai phóng thông thường, xe phóng sẽ được sự hỗ trợ của xe  kiểm soát tín hiệu, xe hậu cần cũng như một số xe quân sự khác để đảm bảo an ninh cho tên lửa. Trong các tình huống khẩn cấp, xe mang phóng có thể hoạt động độc lập mà không cần sự hỗ trợ.

Sự ra đời của ICBM RS-26 Rubezh có thể sẽ làm phá sản kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa tốn kém hàng tỉ USD mà Mỹ đang cố gắng để thực hiện.

Quốc Minh

Bình luận(0)