Siêu cơ F-22 có thể trị tên lửa HQ-9 của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ với cảm biến tối tân, hỏa lực mạnh cùng khả năng tàng hình cao có thể vô hiệu hóa khả năng tác chiến của tên lửa HQ-9.

Việc Trung Quốc triển khai trái phép hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang gây xôn xao dư luận quốc tế. Động thái nguy hiểm này của Bắc Kinh khiến cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp hơn.

Mục đích đưa HQ-9 đến đảo Phú Lâm của Trung Quốc nhằm đối phó với kế hoạch tăng cường tuần tra Biển Đông bằng tàu chiến và máy bay của Hải quân Mỹ. Mặc dù, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông rất khó xảy ra. Nhưng nếu có một cuộc xung đột giữa 2 nước ở khu vực này, vũ khí nào của Mỹ có thể “khắc chế” HQ-9 của Trung Quốc?

Nhà phân tích quốc phòng Dave Majumdar cho rằng, tiêm kích tàng hình F-22 Raptor là vũ khí hiệu quả nhất để chống lại HQ-9. Tổ hợp phòng không tầm xa HQ-9 là “đứa con lai” giữa S-300 của Nga và Patriot của Mỹ. Tên lửa này có thiết kế tương tự S-300 của Nga trong khi cơ chế dẫn đường sao chép từ Patriot của Mỹ.

Sieu co F-22 co the tri ten lua HQ-9 cua Trung Quoc
Bom SBD là khắc tinh đối với hệ thống phòng không HQ-9. 

Một khẩu đội HQ-9 có thể tấn công đồng thời 6 mục tiêu ở cự ly 150 km, lên đến 200 km với phiên bản HQ-9B, tầm cao 27 km.

Tổ hợp này đủ mạnh để thiết lập một vùng cấm bay đối với các chiến đấu cơ thông thường. Nhưng với tiêm kích tàng hình F-22 sẽ tạo nên khác biệt. Ban đầu, Raptor được chế tạo cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không chuyên dụng. Nhưng tiêm kích này đã chứng minh nó là một thiết kế linh hoạt.

Trong những năm gần đây, F-22 đã được nâng cấp để thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất ngoài khả năng chiếm ưu thế trên không. Raptor sẽ chia sẻ nhiệm vụ cùng với máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit trong lực lượng đặc nhiệm tấn công toàn cầu của Mỹ, nhằm đối phó sự phát triển ngày càng mạnh của các hệ thống phòng không.

Gần đây, F-22 đã chứng minh khả năng trinh sát, tấn công mặt đất chính xác thậm chí là chỉ huy trên không trong các nhiệm vụ ở Iraq và Syria. Raptor được trang bị radar quét mạng pha điện tử tối tân với khả năng mở khẩu độ tổng hợp.

Radar AN/APG-77 có thể phát hiện chính xác vị trí triển khai tên lửa phòng không và đột kích chúng nhờ vào tính năng tàng hình ưu việt và tốc độ cao. F-22 có thể bay với tốc độ Mach 1.8 (2.200 km/h) mà không cần sử dụng buồng đốt 2 lần.

Bên cạnh đó, mức độ phản xạ radar của Raptor chỉ bằng một mẫu kim loại nhỏ. Điều đó cho phép F-22 tiếp cận đủ gần khu vực bố trí HQ-9 để tấn công với bom hàng không đường kính nhỏ SBD hoặc bom thông minh JDAM.
Bom hàng không đường kính nhỏ SBD là một loại bom lượn thông minh dẫn đường bằng GPS. SBD có hai phiên bản GBU-39 (SBD I) có phạm vi hoạt động tới 110 km, GBU-53 (SBD II) có thể diệt mục tiêu ở cự ly 72 km.
GBU-39 sử dụng cơ chế dẫn đường kết hợp quán tính và GPS với bán kính lệch mục tiêu chỉ 5-8 m. Phiên bản GBU-53 có cơ cấu dẫn đường kết hợp quán tính, GPS và cảm biến hồng ngoại hoặc radar giai đoạn cuối với sai số chỉ 1 m. 

Nhà phân tích Majumdar nhận định, việc triển khai HQ-9 ở đảo Phú Lâm chỉ có thể “dọa” các nước láng giềng trong khu vực. Nhưng nếu Mỹ triển khai tiêm kích tàng hình F-22 Raptor đến khu vực, Không quân Mỹ có thể việc kiểm soát bầu trời ở Biển Đông.

Quốc Minh

Bình luận(0)