Theo hãng tin Reuters, Campuchia lần đầu tiên tập trận chung với Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đặc biệt, cuộc tập trận này diễn ra ngay sau chuyến thăm Campuchia của chiến hạm Nhật Bản, kình địch của Trung Quốc.
|
Pháo phòng không trong lực lượng vũ trang Campuchia do Trung Quốc viện trợ. |
Theo kế hoạch, ngày 22/2, ba tàu chiến mang 737 thủy thủ Trung Quốc sẽ cập cảng ở tỉnh Preah Sihanouk, chỉ một ngày sau 3 tàu chiến hải quân Cục phòng vệ Nhật (MSDF) về nước sau chuyến giao lưu văn hóa với hải quân Campuchia.
Phó đô đốc Vann Bunneang, phó tư lệnh hải quân Campuchia, nói với Reuters: "Đây sẽ là cuộc hợp tác lớn và là cuộc diễn tập cứu hộ chung. Đây là cách chuẩn bị sẵn sàng xử lý khi có tàu chìm và xảy ra thiên tai”.
Mối quan hệ bang giao giữa Campuchia và Trung Quốc ngày càng trở nên thắm thiết, đặc biệt thông qua các khoản vay ODA để mua vũ khí do Bắc Kinh sản xuất.
Cuối tháng 5/2015 vừa qua, tờ The Cambodia Daily cho biết, Trung Quốc đã bàn giao một loạt vũ khí hạng nặng và các thiết bị quân sự cho Bộ Quốc phòng Campuchia. Được biết, lô vũ khí này nằm trong khoản vay ODA Bắc Kinh dành cho Phnôm Pênh.
Đại diện quân đội Campuchia cho biết, họ sẽ sử dụng vũ khí khí tài Trung Quốc cho tặng vào mục đích huấn luyện, bao gồm cả hệ thống phụ tùng và xe tải gắn bệ phóng tên lửa. Buổi lễ bàn giao được diễn ra tại Học viện Quân sự Campuchia, tỉnh Kompong Speu.
Theo tiết lộ của Trung tướng Chao Phirun, Cục trưởng Cục Trang bị - kỹ thuật Bộ Quốc phòng Campuchia gói viện trợ lần này bao gồm 44 xe gồm có xe jeep, xe tải gắn bệ phóng tên lửa và ít nhất 6 hệ thống súng máy phòng không di động và pháo phòng không.
Không chỉ viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự, Trung Quốc cũng viện trợ cho Campuchia 20 xe bốc dỡ, 4 xe bếp di động, 2 tấn hóa chất không xác định và khoảng 10 tấn phụ tùng.
Gói mua sắm quân sự được cho rằng lớn nhất của Campuchia từ trước đến nay bằng khoản vay từ Trung Quốc chính là 12 chiếc trực thăng Harbin Z-9 với tổng giá trị 195 triệu USD hồi năm 2013. Trong tổng cộng 12 chiếc Z-9 này có 4 chiếc biến thể chiến đấu Z-9W (trang bị súng máy, rocket và tên lửa chống tăng).
Trực thăng đa năng Z-9 do Công ty sản xuất máy bay Cáp Nhĩ Tân (HAMC) Trung Quốc chế tạo dựa trên loại trực thăng AS 365N Dauphin của công ty Aerospatiale Pháp.
Z-9W được thiết kế giá treo vũ khí có thể mang được 4 tên lửa chống tăng dẫn đường qua dây HJ-8 (lệnh điều khiển tên lửa được truyền qua dây dẫn), súng máy 12,7mm, rocket 57-90mm, tên lửa không đối không TY-90.
Viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia hiện nay lớn hơn nhiều so với viện trợ của Mỹ. Hồi năm 2010, Mỹ đã hủy việc bàn giao 200 xe quân sự cho Campuchia sau khi Phnôm Pênh trục xuất một nhóm người xin tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc vào năm 2009.
Hai ngày sau vụ trục xuất, Trung Quốc và Campuchia đã ký các hợp đồng trị giá khoảng 850 triệu USD. Tiếp đến, vào năm 2013, Phnôm Pênh đã tuyên bố ngừng một số hợp tác quân sự với Mỹ sau những chỉ trích của các nghị sĩ Mỹ về cuộc bầu cử tại Campuchia.
Nói về các khoản vay Trung Quốc dành cho Campuchia, đích thân Thủ tướng Hun Sen cho biết trong năm 2015, Trung Quốc đã tăng mạnh hỗ trợ cho Campuchia, từ 100 triệu USD hồi năm 2014 lên 140 triệu USD.