“Rồng lửa” Nike Ajax đã thay đổi chiến tranh thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Đã 60 năm kể từ khi Mỹ triển khai tên lửa đất đối không Nike Ajax thay thế pháo cao xạ, kể từ đó cuộc chiến tranh đường không đã thay đổi mãi mãi.

Ngày 27/3/1999, Trung tá Dale Zelko điều khiển chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-117 trị giá 1 tỷ USD oanh kích Serbia. Đó là ngày thứ 3 của chiến dịch Allied Force – kế hoạch ném bom Nam Tư của NATO.
Sau khi tiến hành đánh bom, Zelko nhìn xuống và thấy một vệt lửa rực sáng của tên lửa phòng không, xé tan màn đêm và lao về phía anh ta, đó chính là một tên lửa đất đối không SAM-3.
Các máy bay chiến đấu tàng hình, được cho là vô hình trên radar, đã bị hạ gục bởi một hệ thống tên lửa phòng không ra đời cách đó 5 thập kỉ.
Điều không thể tưởng tượng nổi này là kết quả của hàng loạt nghiên cứu kể từ năm 1953, khi Quân đội Mỹ cho ra đời hệ thống tên lửa phòng không đầu tiên – Nike Ajax.
Quá trình nghiên cứu Nike Ajax
Ngày 17/8/1944, Quân đội Mỹ đã đưa ra biên bản ghi nhớ, định hình một hệ thống tên lửa đất đối không với 2 đài radar điều khiển bằng máy tính (một để theo dõi mục tiêu, một để điều khiển tên lửa). So với pháo phòng không, tên lửa phòng không hiệu quả hơn rất nhiều, có thể bảo vệ cả một khu vực rộng lớn.
Bell Labs đã đưa ra đề xuất này, và phát triển nó thành dự án Nike (được đặt tên theo nữ thần chiến thắng trong thần thoại Hi Lạp).
 Tên lửa đất đối không đầu tiên trên thế giới Nike Ajax có tầm bắn 48km.
7 năm sau, tháng 10/1951, tên lửa đầu tiên Nike I đã đánh chặn thành công một máy bay không người lái. Dự án Nike, đã tiến triển tiếp với việc nghiên cứu để tên lửa có thể đạt tốc độ siêu âm. Năm 1953, khẩu đội B, Tiểu đoàn pháo - tên lửa phòng không 36 đã nhận được hệ thống mới Nike Ajax, sau này trở thành một phần của Hệ thống Chỉ huy Phòng không (ARADCOM ). Tên lửa phòng không Ajax chính thức được định danh là MIM-3/3A dài 9m, có thể bay trong mọi điều kiện thời tiết với tầm bắn 48km, độ cao diệt mục tiêu 21km.
Nhiệm vụ chính của Nike Ajax là bảo vệ các mục tiêu chiến lược quan trọng ở Mỹ chống lại máy bay ném bom Liên Xô.
Hệ thống Ajax được bố trí cố định, bao gồm khu hành chính, khu vực bãi phóng và và khu điều khiển tên lửa (IFC), bao gồm radar và phòng điều khiển. Ba thành phần của hệ thống là riêng biệt, nhưng khu hành chính và khu điều khiển IFC thường được gộp chung với nhau. Các tên lửa này sẽ được cất giữ dưới lòng đất và khi cần sẽ được đưa đến bãi phóng bằng đường ray.
Radar sẽ giúp phát hiện và theo dõi máy bay địch, và cuối cùng dẫn đường cho các tên lửa nhắm mục tiêu.
Sự đáp trả của Liên Xô
Sau khi Nike Ajax đi vào hoạt động, Liên Xô như “ngồi trên đống lửa” và nhanh chóng sản xuất tên lửa phòng không cho riêng mình.
Cho rằng Mỹ và Anh muốn ném bom Liên Xô, nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin đã ra lệnh nhanh chóng đáp trả. Tháng 3/1954, hệ thống tên lửa phòng không S-25 (NATO định danh là SA-1) đã được triển khai bảo vệ xung quanh Moscow. Việc triển khai bảo vệ thủ đô Liên Xô hoàn chỉnh vào năm 1956.
Ngay sau đó, Liên Xô đã tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa S-75 Dvina ( NATO định danh là SA-2) vào năm 1957, với khả năng điều khiển chính xác hơn đáng kể, và tầm bay cao lên đến 27km.
Đạn tên lửa S-75 Dvina "đón đầu" cường kích F-105 của Không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.
Những tiến bộ trong công nghệ radar của Liên Xô khi đó đã giúp các tiểu đoàn tên lửa Dvina định vị mục tiêu chính xác hơn. Tên lửa hai tầng động cơ S-75 Dvina được điều khiển bởi đài radar SNR-75 với chùm tia bức xạ hẹp chính xác cao. Hệ thống này được tích hợp vào một mạng lưới lớn hơn gồm các radar cảnh giới và radar đo cao, có tầm bao quát lên tới 280km.
Hiệu quả của hệ thống này đã được chứng minh năm 1960, khi một chiếc máy bay trinh sát tầng cao U-2 (Không quân Mỹ) do phi công Francis Gary Powers điều khiển bị bắn hạ bởi một tiểu đoàn tên lửa S-75 ở Ural. Những chuyến bay trinh sát Liên Xô của U-2 đã kết thúc trong nhục nhã. Nhưng điều đó không có nghĩa đó là lần cuối cùng các hệ thống tên lửa phòng không của Liên Xô phải ngăn cản Không quân Mỹ.
Liên Xô cũng xuất khẩu và viện trợ khí tài tên lửa S-75 cho Trung Quốc và Việt Nam. Trong chiến tranh Việt Nam, một chiếc F-4C Phantom là nạn nhân đầu tiên của S-75, vào tháng 7/1965. Do bị các tên lửa S-75 đe dọa, nên phi công Mỹ phải bay thấp nhưng lại vướng phải lưới lửa của pháo phòng không Việt Nam.
Ở Việt Nam, S-75 đã được sử dụng một cách cực kỳ hiệu quả bắn hạ hàng chục loại máy bay Mỹ, trong đó có cả máy bay ném bom chiến lược B-52 – “thần tương của Không quân Mỹ”.
Biện pháp đối phó của phương Tây
Dù đi trước Liên Xô trong phát triển tên lửa đối không, nhưng hệ thống phòng không của Liên Xô đi sau lại thực sự cực kỳ nguy hiểm. Điều đó khiến người Mỹ lo sợ và tìm cách đối phó với tên lửa S-75. Các chiến thuật này tồn tại cho đến ngày nay và đóng một vai trò quan trọng trong học thuyết không chiến.
Giữa những năm 1960, các máy bay hai chỗ ngồi như F-100F đã được trang bị hệ thống trinh sát tín hiệu radar, có thể phát hiện và thu tín hiệu radar phát ra từ hệ thống điều khiển tên lửa. Điều này đã khiến người Mỹ tiến hành dự án "Wild Weasel" nhằm phát triển các công nghệ đánh trả tên lửa phòng không.
 Tiêm kích F-4E Phantom II phóng tên lửa chống radar AGM-45 Shrike - loại tên lửa được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh Việt Nam.
Nhiệm vụ của chiến dịch Wild Weasel là vô cùng nguy hiểm. Phi đội đầu tiên thực hiện nhiệm vụ - Phi đoàn Không quân Chiến thuật 354 chỉ còn mỗi một máy bay sau 45 ngày phục vụ. Trước việc chế áp tên lửa không hiệu quả, người Mỹ phát triển tên lửa chống radar AGM-45 Shrike, có thể thu tín hiệu của đài phát và phóng tên lửa theo cánh sóng radar đánh vào đài điều khiển.
Các biện pháp tác chiến điện tử mới cũng được sử dụng để chế áp các trận địa tên lửa bao gồm cả các thiết bị gây nhiễu. Công nghệ - như hệ thống gây nhiễu AN/ALQ-99E - có thể vô hiệu hóa tín hiệu bức xạ với radar đối phương, làm cho chúng trở nên vô dụng. Chúng được sử dụng cùng với những biện pháp gây nhiễu cũ như chaff – những dải kim loại mỏng chắn ngang cánh sóng radar, làm mù các trắc thủ.
Các chiến thuật này đến nay vẫn tồn tại trong học thuyết quân sự Mỹ, đặc biệt là Chế áp phòng không (SEAD). SEAD là hành động quân sự ngăn chặn và sau đó tiêu diệt các trận địa tên lửa và pháo cao xạ đối phương, cùng với các khí tài không chiến khác, đảm bảo chiếm ưu thế hoàn toàn và kiếm soát toàn diện không phận. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và 2003, cũng như các hoạt động ở vùng Balkans, cho thấy hiệu quả của SEAD. Trong chiến dịch tại Libya 2011 gần đây, Mỹ và các đồng minh không mất một máy bay nào, trước lưới lửa phòng không dày đặc của quân chính phủ Libya.
Ngày nay, Mỹ đã thay thế các tên lửa chống radar AGM-45 Shrike bằng AGM-88 HARM vào những năm 1980, chúng có khả năng bắn trúng đài radar kể cả khi đã tắt máy. Mỹ và các nước phương Tây khác cũng bắt đầu sử dụng nhiều tên lửa hành trình, mà các hệ thống tên lửa phòng không cổ lỗ không thể ngăn chặn.
 Hiện nay, Không quân Mỹ sử dụng chủ yếu tên lửa chống radar AGM-88 Harm tốt hơn AGM-45 về tầm bắn, khả năng bắt bám mục tiêu.
Công nghệ tàng hình cũng gây nhiều khó khăn cho các tên lửa phòng không. Không có máy bay chiến đấu tàng hình bị bắn hạ kể từ năm 1999, việc bắn rơi F-117A ở Serbia có thể xem như một sự tình cờ.
Sự hữu ích của tên lửa phòng không
Với những khó khăn kể trên, công nghệ tên lửa phòng không có thực sự hữu ích nữa? Câu trả lời là có.
Dù cho các tên lửa phòng không thế hệ cũ liên tục thất bại trước các máy bay chiến đấu hiện đại, công nghệ tên lửa phòng không vẫn trải qua một thời kỳ phục hưng trong thế kỷ 21. Nga và Trung đều phát triển các công nghệ chống chế áp, kháng nhiễu mạnh. Mỹ và Isarel cũng liên tục cải tiến các hệ thống như Patriot hay Iron Dome. Chúng đã tiến xa hơn Nike Ajax rất rất nhiều.
Trung Quốc đã đưa ra thiết kế FT-2000 - hệ thống tên lửa phòng không tầm xa được đặt trên xe tải, thiết kế chủ yếu để tấn công các máy bay gây nhiễu, máy bay trinh sát, chỉ huy và cảnh báo sớm (AWACS). FT-2000 được thiết kế kháng nhiễu mạnh, với hệ thống dẫn đường thụ động, đề kháng tốt trước các tên lửa chống radar. Các máy bay gây nhiễu sẽ vô tình tự tố cáo mình trước các tên lửa FT-2000.
 Hệ thống tên lửa phòng không tầm bắn xa nhất thế giới S-400 Triumf.
Nga cũng đã đưa ra hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf (NATO định danh là SA-21), được thiết kế và sản xuất bởi hãng Almaz-Antey. S-400 có thể diệt mục tiêu ở khoảng cách tới 400km. Đầu đạn tên lửa của hệ thống cũng có tính năng dẫn đường bằng radar chủ động, có thể nhắm mục tiêu mà không cần radar mặt đất. Nếu máy bay cố gắng gây nhiễu đầu dò, tên lửa có thể chuyển sang chế độ chống gây nhiễu, và lao thẳng vào mục tiêu gây nhiễu. Trốn thoát S-400 là gần như không thể!
Hệ thống phòng thủ chống tên lửa
Không giống như người tiền nhiệm S-300, S-400 cũng có thể được sử dụng như một hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo. Từ năm 2007, các phân đội đã được triển khai trên khắp nước Nga để đối phó với việc triển khai hệ thống Patriot của Mỹ tại chấu Âu. Trong tương lai gần, tiếp nối S-300, S-400 sẽ tiếp tục được xuất khẩu.
Hệ thống Patriot cũng đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong phòng thủ chống tên lửa đạn đạo.
Những công nghệ này có thể chống trả rất hiệu quả các cuộc tấn công phủ đầu bằng tên lửa hành trình. Ở góc độ chiến thuật, các hệ thống như Iron Dome của Israel cũng cho thấy tính hiệu quả của các hệ thống tên lửa phòng không ngay cả với các đầu đạn nhỏ nhất, chẳng hạn như đạn cối, đạn pháo phản lực.
Với sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc và tham vọng quân sự của Nga, thế trận phòng thủ chống tên lửa đang ngày càng phức tạp hơn. 60 năm trôi qua kể từ khi Nike Ajax ra đời, đã có những biến chuyển đáng kể với chiến tranh đường không.
Lương Minh

Bình luận(0)