Căng thẳng giữa Iran và Ả Rập Xê-út sau vụ hành quyết giáo sĩ dòng Shia Sheikh Nimr al-Nimr vẫn chưa có giấu hiệu hạ nhiệt. Ả Rập Xê-út đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi đại sứ quán nước này ở Tehran bị tấn công bởi đám đông giận dữ vào ngày 2/1. Bóng ma một cuộc xung đột quân sự giữa 2 cường quốc Trung Đông lại nổi lên.
Quân đội Iran và Ả Rập Xê-út được đánh giá thuộc top hàng đầu khu vực Trung Đông. Quân đội 2 nước này có những điểm mạnh và hạn chế nào. Nếu có một cuộc xung đột xảy ra, bên nào sẽ nắm nhiều lợi thế hơn?
Lục quân
Lục quân Iran có quân số khoảng 350.000 người. Theo Globalfirepower, về quân số, Iran đứng thứ 18 thế giới. Trang bị vũ khí của lục quân Iran khá mạnh, thuộc hàng đứng đầu khu vực Trung Đông. Lục quân nước này sở hữu 1.658 xe tăng chiến đấu chủ lực các loại, trong đó mạnh nhất là T-72 và Type-72Z Safir-74, T-62.
1.315 xe thiết giáp các loại, nổi bật là BMP-1, BMP-2, BTR-60, FV101 Scorpion. 320 lựu pháo tự hành các loại, mạnh nhất là lựu pháo tự hành M109 Paladin 155 mm, M107 175 mm của Mỹ, 2S1 Gvozdika 122 mm của Nga, Raad-1, Raad-2 do Iran chế tạo dựa trên lựu pháo của Mỹ và Nga.
|
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72S - nắm đấm hỏa lực mạnh nhất của lục quân Iran. |
Ngoài ra, lục quân Iran còn có 2.078 pháo kéo xe, 1.474 hệ thống pháo phản lực bắn loạt, phần lớn do Iran chế tạo với tầm bắn từ 15-75 km.
Trong khi đó, lục quân Ả Rập Xê-út có quân số khoảng 239.000 người, đứng thứ 46 thế giới về quân số. Lục quân nước này có 1.210 xe tăng chiến đấu chủ lực, trong đó mạnh nhất là xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2SA được đánh giá mạnh ngang M1A2SEP của lục quân Mỹ.
5.472 xe thiết giáp các loại, nổi bật là xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley của Mỹ, AMX-10P của Pháp. 524 lựu pháo tự hành, trong đó có M109 Paladin của Mỹ, PLZ-45 của Trung Quốc, AMX-GCT của Pháp. 432 pháo kéo xe. 322 hệ thống pháo phản lực bắn loạt.
Về lục quân, Iran có quân số đông hơn, trong khi Ả Rập Xê-út có trang bị khí tài hiện đại hơn.
Không quân
Không quân Hoàng gia Ả Rập Xê-út (RSAF) có tổng cộng 675 máy bay chiến đấu các loại, trong đó có những loại hiện đại nhất thế giới như F-15 Eagle 156 chiếc bao gồm hai phiên bản đa năng và chiếm ưu thế trên không, 72 tiêm kích Typhoon. 8 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không cùng nhiều máy bay vận tải, trinh sát khác.
|
Tiêm kích F-15 Eagle của Không quân Hoàng gia Ả Rập Xê-út . |
Trong khi đó, Không quân Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIAF) có quân số khoảng 37.000 người. Trang bị khí tài chủ yếu là các máy bay thế hệ cũ tân trang lại. Lực lượng tấn công mạnh nhất của IRIAF là 44 tiêm kích F-14 Tomcat, 28 tiêm kích bảo vệ không phận MiG-29.
Lực lượng tấn công mặt đất gồm 30 cường kích Su-24, 19 cường kích Su-25. Tổng số máy bay của Iran khoảng 471 chiếc.
Nhìn chung, về sức mạnh không quân thì Quân đội Ả Rập Xê-út mạnh hơn Iran.
Hải quân
Hải quân Cộng hòa Hồi giáo Iran có quân số khoảng 18.000 người, 397 tàu chiến các loại, phần lớn do công nghiệp đóng tàu Iran chế tạo. Tàu chiến mặt nước mạnh nhất của Iran là tàu hộ tống tên lửa lớp Moudge, lượng choán nước 1.500 tấn, 2 tàu đang hoạt động. 3 tàu hộ vệ tên lửa lớp Alvand, lượng choán nước 1.540 tấn.
Đặc biệt, Hải quân Iran là lực lượng duy nhất ở Trung Đông có tàu ngầm điện diesel lớp Kilo được Hải quân Mỹ đặt cho biệt danh “Hố đen đại dương”. 3 tàu ngầm Kilo đang hoạt động mang lại cho Hải quân Iran khả năng tấn công dưới nước mạnh mẽ. Ngoài ra, Iran còn có số lượng lớn tàu ngầm mini lớp Ghadir do nước này chế tạo. Những tàu ngầm này là mối đe dọa lớn cho các tàu chiến đối phương trong vùng vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz.
|
Tàu ngầm lớp Kilo, sát thủ dưới mặt nước đáng sợ nhất mà Ả Rập Xê-út phải e ngại. |
Lực lượng tấn công khiến đối phương phải e ngại nhất là đội tàu tên lửa tấn công nhanh hùng hậu khoảng 111 chiếc. Những tàu này sở hữu tốc độ cao, hỏa lực mạnh có thể đột kích nhóm tàu chiến của đối phương và gây thiệt hại nặng.
Trong khi đó, quy mô Hải quân Hoàng gia Ả Rập Xê-út khá khiêm tốn với quân số khoảng 13.500 người, tổng số 55 tàu chiến các loại. Chiến hạm mạnh nhất là khinh hạm tàng hình lớp Al Riyadh (phiên bản của khinh hạm La Fayette của Pháp), lượng choán nước 4.700 tấn. Vũ khí trên chiến hạm này khá mạnh với tên lửa chống hạm Ottomat, tên lửa phòng không Crotale và pháo hạm 100 mm.
Ngoài ra, Hải quân Ả Rập Xê-út còn sở hữu 4 tàu hộ tống tên lửa lớp Badr với vũ khí chủ lực là tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ. Hải quân Ả Rập Xê-út không có lực lượng tàu ngầm, đây là bất lợi lớn của họ trong một cuộc đối đầu nếu có với Iran. Tuy nhiên, Ả Rập Xê-út có thể dựa vào sự chống lưng của Mỹ để bù đắp khuyết điểm trong năng lực chống ngầm.
Lực lượng tên lửa đạn đạo
Lực lượng không gian vũ trụ Iran sở hữu kho tên lửa đạn đạo đồ sộ với tầm bắn bao phủ toàn khu vực Trung Đông. Những tên lửa này được chế tạo với công nghệ không quá hiện đại, nhưng chúng vẫn là vũ khí răn đe mang tầm chiến lược.
Năm 2015, Iran đã công bố phát triển thành công tên lửa hành trình tấn công mặt đất Soumar với tầm bắn tới 2.500 km. Tên lửa này được cho là sao chép lại từ tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-55 của Liên Xô.
|
Tên lửa đạn đạo tầm trung Emad của Iran rời bệ phóng trong một thử nghiệm gần đây. |
Trong khi đó, Ả Rập Xê-út được cho là đã mua một số tên lửa đạn đạo DF-3 từ Trung Quốc trong những năm 1980 trước khi Quy chế Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR) có hiệu lực vào năm 1987. Một số nguồn tin cho rằng, Ả Rập Xê-út đang bí mật đàm phán mua tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 của Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng Ả Rập Xê-út có thể mua DF-21 là rất thấp vì vi phạm MTCR.
Globalfirepower xếp hạng sức mạnh quân sự Ả Rập Xê-út đứng thứ 28 thế giới. Trong khi đó, Iran đứng thứ 23 thế giới. Tuy nhiên, việc xếp hạng này chỉ mang tính chất tượng trưng. Quân đội Iran và Ả Rập Xê-út đều có thế mạnh riêng theo đường lối quốc phòng của mỗi nước.