Phi công Nga sẽ mặc đồ bay “độc nhất vô nhị”

Google News

(Kiến Thức) - Bộ đồ bay mới cho phép phi công Nga thực hiện các thao tác cơ động với độ quá tải 9G và phóng dù thoát hiểm ở độ cao 23km.

Izvestia đưa tin, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 Su T-50 đã có được trang bị bảo vệ độc nhất vô nhị bù trừ áp suất lên cơ thể phi công khi có quá tải kéo dài.

Bộ trang bị do công ty Zvezda nghiên cứu chế tạo gồm 2 bộ quần áo chống quá tải và hệ thống bù trừ áp suất trong phổi cho phép phi công thực hiện các thao tác cơ động với mức quá tải đến 9G kéo dài đến 30 giây. Đồng thời, với bộ quần áo đặc biệt này cho phép phi công “phóng” khỏi máy bay ở độ cao 23km.

Phó Tổng công trình sư của Zvezda Nikolai Dergunov cho biết, 2 bộ quần áo bay gồm: bộ chống quá tải PPK-7 và bộ quần áo bù trừ bay độ cao lớn VKK-17. Trước chuyến bay, tùy thuộc vào nhiệm vụ, phi công sẽ chọn bộ PPK-7 nếu làm nhiệm vụ ở trần bay 12km hoặc VKK-17 ở trần bay 23km. Hai bộ quần áo được nối với máy áp suất tự động AD-17. Khi có quá tải, thiết bị này sẽ đưa không khí vào các khoang trống của quần áo, cũng như bắt đầu cấp oxy có áp suất dư vào mặt nạ thở cho phi công.
Bộ đồ bay mới của phi công Nga có thể cho phép họ nhảy khỏi máy bay ở độ cao 23km nếu máy bay gặp nạn.

Chuyên gia của Zvezda Mikhail Dudnik cho biết, áp suất oxy trong mặt nạ khi có quá tải đạt đến 6-7 atmotphe. Nhờ vậy mà phổi của phi công được thổi phồng lên từ bên trong, bằng cách đó cân bằng với áp suất bên ngoài ép lên lồng ngực. Đồng thời máy tính trên máy bay dự báo trước được sự quá tải và tránh cho phản ứng bù trừ áp suất bị chậm.

“Sản phẩm này là “now-how” của chúng tôi, hiện chưa có công ty nào khác trên thế giới tạo ra được hệ thống tương tự như vậy”, ông Dudnik nói.

Hai bộ quần áo chống quá tải và bay ở độ cao lớn được thiết kế với kiểu áo liền quần bằng vải chịu nhiệt có gắn các túi và ống. Khi phi công thao tác cơ động, không khí sẽ được đưa qua các ống này thổi quần áo phồng lên. Vải ép chặt cơ thể phi công và ngăn không cho máu chảy khỏi não. Nếu không làm như vậy, phi công sẽ bị ngất ngay lập tức.

Theo phi công thử nghiệm Sergei Bogdan, người đầu tiên lái siêu tiêm kích Su T-50 lên trời và đang thử nghiệm máy bay này. Do tính siêu cơ động của máy bay mới, phi công sẽ có thể thiệt mạng khi bay vòng hoặc nhào lộn nếu không được bù trừ áp suất.

“Quá tải 9G, đó là tăng trọng lượng lên 9 lần. Khi xuất hiện quá tải, lồng ngực bị ép tức thời và khi đó rất khó hít vào. Nếu việc này chỉ kéo dài 2-3 giây thì chưa gây hậu quả gì, nhưng khi nó kéo dài 20-30 giây thì không thể chịu được nếu không có bù trừ áp suất”, phi công Bogdan nói.  
Phi công thử nghiệm Sergei Bogdan đứng bên cạnh ông Putin trên buồng lái chiếc Su T-50.

Trong bộ quần áo bù trừ áp suất bay ở độ cao lớn có lớp vải dày hơn, có lớp giữ ấm đặc biệt làm cho phi công sống sót khi buồng lái bị thoát khí hoặc phóng dù thoát hiểm ở độ cao 23 km. Để làm mát thân thể phi công, bộ quần áo để bay ở độ cao lớn được trang bị gilê thông gió. Nhưng thậm chí ngay cả khi mặc nó thì vẫn quá nóng trong bộ quần áo này, vì vậy để bay ở độ cao không lớn phi công chọn bộ quần áo chống quá tải gọn nhẹ.

Hệ thống cấp không khí và máy áp suất tự động đã được lắp trên 3 chiếc Su T-50 thử nghiệm mới nhất. Các bộ quần áo đang được thử nghiệm cấp nhà máy và trong thời gian sắp tới sẽ được chuyển giao cho phi công thử nghiệm. Về phần phi công Sergei Bogdan, ông này định thử bộ quần áo dành này ngay trong tuần tới.




Nguyễn Vũ

Bình luận(0)