Phi công Liên Xô lộ chuyện hỏi cung tù binh Mỹ ở VN

Google News

(Kiến Thức) - "Các tù binh Mỹ phải nói về trang bị kỹ thuật không quân của mình, còn nhiệm vụ của tôi là cố xác định xem tù binh có nói dối hay không..."

Năm 1999, nhà báo Nikolai Konovalov có cuộc trò chuyện với ông Vladimir Khusainov, lúc đó là Tổng giám đốc hãng hàng không Tatar, nguyên phi công không quân vận tải, phi công công huân Liên Xô, thiếu tá quân dự bị về giai đoạn ở Việt Nam của mình.
Trong cuộc trò chuyện về giai đoạn ông này thực hiện nhiệm vụ ở Việt Nam (lái chuyên cơ chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), ông này cũng đã tiết lộ một vài chi tiết về việc tham gia hỏi cung tù binh phi công Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam:
Thưa ông, các ông đã không lần nào trực tiếp nhìn thấy kẻ địch, bởi vì toàn chạm trán nhau về đêm?
Trong hoàn cảnh chiến đấu, trong thời gian các chuyến bay thì không, nhưng trên mặt đất thì có chạm trán nhau. Có lần các bạn Việt Nam đã đề nghị tôi có mặt khi hỏi cung tù binh phi công Mỹ. Các tù binh phải nói về trang bị kỹ thuật không quân của mình, còn nhiệm vụ của tôi là cố xác định xem tù binh có nói dối hay không.
 Phi công máy bay Mỹ bị bắt sống ở miền Bắc Việt Nam.
Chúng tôi đến một trại tù binh lớn gần Hà Nội mà tù binh Mỹ gọi đùa là “Hilton– Hà Nội”. Chính ở đó tôi đã thấy những phi công Mỹ còn sống. Chúng tôi hỏi cung một thiếu tá và một đại úy, hai chàng trai khỏe mạnh cắt trọc. Tù binh ở đó, mặc áo liền quần tù nhân xọc xám - đen, có đến gần 1.000 - ngay khi đó, năm 1969, người Mỹ đã bị tổn thất nặng về máy bay và các trại tù binh hàng ngày nhận thêm các phi công may mắn nhảy dù thoát chết sau khi gặp phải tên lửa phòng không.
Chỉ có trong phim Hollywood, mọi phi công bị bắn rơi ngay lập tức được trực thăng đến cứu. Trên thực tế việc nhanh chóng tìm ra người trong rừng rậm nhiệt đới và cứu anh ta hầu như là việc tuyệt vọng. Phần lớn các phi công sống sót bị các đội quân tìm kiếm và dân chúng bắt giữ, nhiều người đã chết trong đầm lầy hoặc bị rắn độc và côn trùng cắn. Dẫu sao cùng phải công nhận nỗ lực của đối phương, họ đã cố cứu người của mình. Có lần, thậm chí người Mỹ đã thử dùng lực lượng đổ bộ lớn bằng trực thăng chở toàn bộ tù binh ở trại giam Sơn Tây. Nhưng chiến dịch vô tiền khoáng hậu này đã thất bại, không tù binh nào được giải thoát.
- Ông có nhớ cuộc hỏi cung đề cập đến gì không?
Nhớ chứ, tất nhiên. Trước hết người Việt Nam quan tâm đến việc vì sao quân Mỹ thay đổi chiến thuật dùng máy bay cường kích: chúng bắt đầu bay thấp, chứ không bay cao như trước.
Phi công trả lời có cơ sở là sau khi tổ hợp tên lửa phòng không Liên Xô S-75 Dvina xuất hiện ở Bắc Việt Nam thì độ cao không còn là biện pháp tự bảo vệ nữa, máy bay buộc phải hạ độ cao để tránh không bị radar phòng không phát hiện càng lâu càng tốt.
Câu hỏi thứ hai cho phi công là nhiệt độ cháy của bom napan. Vấn đề là, chất cháy mà quân Mỹ dùng trước đây không đến nỗi “nóng” như loại đã cải tiến. Hỗn hợp hóa chất thả từ máy bay những năm 1968-1969 làm “chiến thuật đốt sạch” đúng từ nghĩa đen, bời vì lớp đất mầu mỡ trên mặt bị cháy sâu 20-40 cm, sau đó không cây gì mọc lên được trong hàng chục năm. Những tên bị hỏi cung đã không thể hoặc không muốn trả lời câu hỏi này. Cũng như chúng không trả lời câu hỏi tiếp theo về đặc điểm sử dụng máy bay trinh sát không người lái.
 Phi công Mỹ bị bắn rơi trong chiến dịch Điện Biện phủ trên không 1972.
Những máy bay loại này được người Mỹ dùng nhiều để trinh sát và chỉ thị mục tiêu trên Vịnh Bắc Bộ, máy bay ném bom B-52MT được trang bị chuyên dùng quần đảo rất lâu để hiệu chỉnh các máy bay gián điệp điều khiển bằng vô tuyến điện. Tôi nghĩ là phi công Mỹ có thể nói nhiều về vấn đề này, nhưng chúng đã im lặng. Điều này chả có gì lạ - tôi mà, ví dụ, bị rơi vào hoàn cảnh đó thì cũng chả vội để lộ bí mật quân sự. Hơn nữa, người Việt Nam không áp dụng các biện pháp hỏi cung “cứng rắn”.
Đồng thời, tù binh được hỏi cả về việc ở trại họ được đối xử ra sao, có gì kêu ca không. Tù binh tuyên bố họ không có đòi hỏi gì. “Hilton Hà Nội” đúng không phải nơi giam giữ khắc nghiệt: tù binh được nuôi dưỡng tử tế, họ chỉ đi làm theo nguyện vọng cá nhân (việc là trồng cây). Chắc chắn đây là cách đối xử khá nhân đạo từ phía người Việt Nam đối với những kẻ ném napan và chất độc hóa học xuống xóm làng của họ.
- Có giả thiết rất phổ biến, là các phi công tiêm kích Liên Xô, cũng như các ông, đến chỉ để làm giáo viên, đã thực hiện không chỉ các chuyến bay huấn luyện, mà cả các chuyến bay chiến đấu và thậm chí trong những lần đó đã bắn rơi máy bay địch. Ông có biết gì về những trường hợp như vậy không?
Không ít lần tôi được nghe về các trận đánh của các phi công Liên Xô với phi công Mỹ, nhưng những lần đụng độ đó thường là do bắt buộc. Như tôi đã nói, F-4 Phantom có thể bất ngờ xuất hiện ở bất cứ chỗ nào trên bầu trời Việt Nam. Đã có trường hợp, khi bay huấn luyện cặp “giáo viên Liên Xô - học viên Việt Nam” nằm trong khu vực máy bay Mỹ bay qua, còn bị F-4 Mỹ tấn công nữa. Nhưng theo như tôi được biết, ý định sử dụng các phi công của chúng ta trong các trận không chiến chưa bao giờ có. Chả lẽ ai đó trong họ tự ý bay “đi săn”, điều đó thật khó có thể xảy ra.
 Tù binh Mỹ trước khi được trao trả theo các điều khoản Hiệp định Paris, năm 1973.
- Ông có phần thưởng vì đã chiến đấu chứ?
Có, sau khi về nước tôi được thưởng huân chương “Hữu nghị”. Còn ở Việt Nam, tự tay Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao huân chương “Chiến công” hạng nhất, còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao huy chương “Vì tình đoàn kết chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Còn một kỷ vật nữa, chiếc lược làm từ cánh máy bay F-4 Phantom bị bắn rơi. Đây là chiếc máy bay thứ 3.300 bị phòng không bắn rơi, các tặng phẩm “thưởng” được làm từ chiếc máy bay này.
- Sau ngần ấy năm, quan điểm của ông về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và sự tham gia của ông vào cuộc chiến đó có gì thay đổi không?
Không. Bây giờ tôi vẫn cho rằng chúng ta đã làm việc thiện chí, bảo vệ nhân dân trước các cuộc ném bom tàn bạo của Mỹ và giúp đỡ đất nước bị chia cắt thống nhất lại. Sau năm 1975, Việt Nam là đất nước thống nhất, và các công dân nước này tự mình quyết định phát triển đất nước theo con đường nào và thân thiện với ai. Quân Mỹ đã bị đánh đuổi, các quân nhân của chúng ta tự rút về ngay sau chiến thắng. Với sự hỗ trợ từ Liên Xô và nhiều nước anh em xã hội chủ nghĩa, Việt Nam trở thành đất nước độc lập thống nhất, nhân dân nước này thoát khỏi các cuộc ném bom ác liệt của Mỹ, bom napan và chất độc hóa học. Chúng ta đã làm đúng đắn tất cả.
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)