Nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh Vladimir Ilyin đã có bài viết tổng kết về cuộc đối đầu giữa tiêm kích MiG-17 và MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam với “con ma” F-4 của Không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.
Dưới đây là nội dung của phần cuộc đối đầu giữa tiêm kích MiG-17 với F-4:
Chiều ngày 2/8/1964, tàu khu trục Maddox Hải quân Mỹ đã ngang nhiên vi phạm lãnh hải Việt Nam. Hành động đó liên tục bị Hải quân Việt Nam theo dõi và giám sát chặt chẽ, có lúc tàu Maddox vào sâu tới 6 hải lý và đã bị các tàu phóng lôi của Việt Nam đánh đuổi tại khu vực đông Hòn Nẹ trong lãnh hải Việt Nam.
Tiếp đó, Mỹ tuyên bố vào đêm 4/8/1964, các tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam một lần nữa lại vô cớ tấn công khu trục Maddox và Tơ-nơ-gioi của Mỹ đang hoạt động bình thường trên vùng biển quốc tế (đây là điều bịa đặt). Vin vào cớ này, ngày 5/8, Mỹ tiến hành chiến dịch “Mũi tên xuyên” huy động 2 biên đội tàu sân bay Constellation và Ticonderoga với hàng chục máy bay tấn công các căn cứ hải quân ở miền Bắc. Các máy bay tiêm kích F-4B từ tàu sân bay USS Constellation (CVA-64) đã yểm trợ các máy bay cường kích. Đây là những phi vụ chiến đấu đầu tiên của F-4 Phantom ở miền Bắc Việt Nam.
|
Tiêm kích hạm F-4B chuẩn bị cất cánh thực hiện phi vụ ở miền Bắc Việt Nam.
|
Tuy nhiên trong năm 1964, Việt Nam chỉ phải chịu một ít các trận ném bom hạn chế về quy mô. Trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh trên không quy mô, Mỹ phải bố trí lại quân đội và gia tăng lực lượng ở khu vực.
Đến đầu tháng 2/1965, đã có 3 tàu sân bay Mỹ tập trung gần bờ biển Việt Nam với 238 máy bay và 33 tàu hộ tống bảo vệ. Ngày 8/2, từ đảo Okinawa đã bắt đầu chuyển đơn vị tiên của lính thuỷ đánh bộ Mỹ đến căn cứ ở Đà Nẵng, trong đó có 15 tiêm kích F-4B. Đồng thời tại các căn cứ không quân ở miền Nam Việt Nam và Đài Loan các phi đội Không quân Mỹ có biên chế máy bay F-100, F-105 và F-4C đã được bắt đầu triển khai. Ngày 2/3, Mỹ bắt đầu chiến dịch không quân quy mô Sấm Rền kéo dài đến 31/10/1968.
Ở giai đoạn đầu của các hoạt động tác chiến, F-4 của Mỹ được huy động cả để hộ tống máy bay tiêm kích, cả để đánh mục tiêu dưới đất. F-4B của hải quân chủ yếu được dùng để hộ tống các máy bay cường kích hạm AD-6 Skyraider và A-4 Skyhawk và làm hàng rào phòng không cho các liên binh đoàn tàu sân bay chống đòn đánh lại có thể có của Không quân Nhân dân Việt Nam.
|
Thời kỳ đầu chống chiến tranh phá hoại, Không quân Nhân dân Việt Nam chỉ có mấy chục chiếc MiG-17F mà quân Mỹ gọi là "cổ lỗ sĩ".
|
Về phía lực lượng tiêm kích phòng không của Không quân Nhân dân Việt Nam, lúc này chỉ có 25 tiêm kích MiG-17F (nguồn Nga khẳng định là mẫu J-5 được Trung Quốc sản xuất dựa trên MiG-17F), vài chiếc MiG-15bis của Liên Xô, cũng như các máy bay ném bom Il-28.
So với F-4, MiG-17 của Việt Nam thua kém về nhiều mặt khi mà không có radar, chỉ có kính ngắm (quan sát xa 15km trong điều kiện thời tiết tốt), trang bị pháo 23-30mm không có tên lửa và tốc độ cận âm. Trong khi đó, F-4 trang bị radar điều khiển hỏa lực tầm xa, có 8 giá treo mang được tên lửa đối không tầm ngắn – trung, đạt tốc độ siêu âm.
Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Liên Xô và Trung Quốc, người Việt Nam đã nhanh chóng tìm ra chiến thuật sử dụng các máy bay tiêm kích của mình cho phép trong điều kiện thậm chí kẻ địch có ưu thế nhiều lần về số lượng vẫn đánh cho chúng những đòn đau.
Theo đó, các nhóm MiG nhỏ bay tuần tiễu ở độ cao nhỏ, ngoài vùng phát hiện của radar địch (người Mỹ dùng máy bay tuần tiễu radar tầm xa - một loại tiền thân của máy bay AWACS hiện đại, cũng như các trạm điều hành không quân đặt trên tàu chiến đi tuần gần bờ biển Bắc Việt Nam và có các đài radar mạnh). Khi phát hiện máy bay địch, các máy bay MiG bất ngờ tấn công vào đội hình chiến đấu, dùng pháo bắn vào các máy bay cường kích mang đầy bom.
Ngày 2/4/1965, lần đầu tiên các máy bay F-4 Phantom đã đối đầu với máy bay tiêm kích MiG-17 của Việt Nam, những cuộc đụng độ đã không có kết quả (không có máy bay bị bắn rơi).
Trận chiến đấu thực sự với sự tham chiến của F-4 đã xảy ra ngày 9/4. Theo cách diễn giải của Mỹ, nó đã diễn ra như sau: Lúc 8h40 phút máy bay tiêm kích của Hải quân Mỹ F-4B cất cánh từ tàu sân bay USS Ranger bị 4 chiếc MiG-17 của Việt Nam tấn công trên biển. Một trong số đó bị tên lửa Sparrow bắn rơi, song ngay sau đó một chiếc MiG khác bám đuôi Phantom và bằng một loạt pháo đã tiêu diệt nó. Kíp lái máy bay Mỹ gồm phi công T. Murphy và hoa tiêu R. Fagan thiệt mạng.
|
Tranh vẽ MiG-17 bắn cháy "con ma siêu thanh" F-4.
|
Ngày 4/6, một biên đội MiG-17F trên bầu trời thành phố Vụ Bản đã tấn công 3 chiếc F-4B. Một F-4 Phantom đã tránh cuộc chiến và tăng tốc động cơ lên chế độ “tối đa” nhả khói bay về phía Đông. Hai chiếc máy bay Mỹ khác bị cuốn vào cuộc cận chiến quần đảo, những chiếc MiG cơ động ở đây có ưu thế, và các phi công Việt Nam đã ngay lập tức khai thác lợi thế này. Sau khi quay 180 độ, chiếc số 1 của biên đội Việt Nam từ cự li 1.000-1.200 m đã bắn vào một trong các máy bay Mỹ. Ngay sau đó anh này đã tiến tới cự ly 700 và lại bắn. Chiếc F-4B cố gắng cơ động cả độ cao và hướng bay để thoát khỏi lưới lửa. Chiếc tiêm kích thứ hai của Mỹ bay theo chiếc số 1, đã cố gắng tuyệt vọng cứu chỉ huy, định từ phía sau, ở cự ly 400-500 m tiêu diệt chiếc MiG (nhiệm vụ hoàn toàn không thể thực hiện được, bởi vì cự ly nhỏ nhất cho phép phóng tên lửa AIM-9 Sidewinder lớn hơn nhiều). Chiếc MiG số 2 bắn một loạt đạn pháo cản đường, và chiếc tiêm kích thứ hai của Mỹ buộc phải chạy khỏi vùng bị bắn bằng cách vòng sang bên và hạ độ cao. Chiếc F-4B ngay lập tức làm theo vì đã dính đạn bị thương (theo xác nhận của Việt Nam, chiếc F-4 Phantom này đã không về được sân bay của mình, nó đã rơi trên đất Lào).
Trận không chiến tiếp theo có sự tham gia của các máy bay F-4 Phantom xảy ra ngày 17/6 trên bầu trời thành phố Ninh Bình. Trong trận này, 4 chiếc MiG-17F đã tấn công từ bán cầu phía sau ở cự ly 100-600m. Họ đã hạ được 2 F-4B, trong khi người Mỹ đã không tỏ ra có gì cố gắng đặc biệt, họ đã rút khỏi trận đánh khá lộn xộn. Phía Việt Nam không bị mất mát gì, dù đội hình chiến đấu có bị phá vỡ và để mất khả năng chỉ huy biên đội. Trên đường về sân bay hai phi công Việt Nam đã buộc phải nhảy dù do hoàn toàn hết nhiên iệu, còn một chiếc MiG đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Hải Phòng.
|
F-4 có thể mang tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 và tầm trung AIM-7 Sparrow.
|
Cũng ngày hôm đó, F-4 Phantom đã bắt đầu “mở tỉ số”: F-4B cất cánh từ tàu sân bay USS Midway đã bắn rơi trên bầu trời Hải Phòng một máy bay tiêm kích MiG-17. Ngày 10/7/1965, F-4C của Không quân Mỹ đã có chiến thắng đầu tiên, bắn rơi 2 MiG-17.
Sau đó các cuộc đụng độ trên bầu trời Bắc Việt Nam của MiG và F-4 Phantom trở thành hiện tượng bình thường. Ví dụ, ngày 20/9/1965 phía trên ga Kép (nằm ở Bắc Hà Nội) xuất hiện một tốp máy bay Mỹ, đài radar P-35 của Việt Nam phát hiện ra chúng. Một số F-4 Phantom mang bom đã tấn công ga. Một cặp F-4B yểm trợ các máy bay ném bom, bay tuần tra ở độ cao 3.000– 4.000m. Trên trời có biên đội trực chiến của Việt Nam gồm 4 chiếc MiG-17F.
Số 1 của cặp máy bay Việt Nam đầu tiên bổ nhào từ độ cao 6.000m và tấn công chiếc F-4B vừa đi vào chỗ ném bom khi phát hiện ra quân Mỹ bằng mắt thường. Phi công Việt Nam đã bắn từ cự ly 500m, sau đó F-4 Phantom đã vòng sang trái và hạ độ cao thoát ra khỏi khu vực bị ngắm bắn.
MiG-17 tiếp tục “bám đuôi” địch thủ và từ cự ly 400m bắn loạt thứ hai, F-4 Phantom bốc khói, nhưng vẫn tiếp tục bay. Loạt đạn dài thứ 3 từ cự ly 200m cuối cùng đã hạ chiếc F-4B. Các phi công Mỹ đã không nhảy dù được. Cặp MiG-17 thứ hai đã mở đầu trận đánh ở độ cao 3.000m, khi một chiếc máy bay Mỹ vừa thoát ra khỏi bổ nhào khi ném bom xong, còn chiếc thứ hai vừa bắt đầu bổ nhào để ném bom. Chỉ huy biên đội Việt Nam tấn công chiếc thứ nhất, bắn ở cự ly hơi xa 1.200m. Phi công Mỹ, khi phát hiện ra MiG bám đuôi, đã tăng tốc bỏ chạy.
|
Chỉ có pháo nhưng tiêm kích "cổ" MiG-17F với "bàn tay vàng, bộ óc thông minh" của phi công Việt Nam vẫn lập nhiều chiến công bắn hạ những tiêm kích tối tân hơn của Mỹ.
|
Nói chung phải nhận định, cho đến khi MiG-21 chưa tham chiến và chưa bắt đầu sử dụng rộng rãi các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 Dvina, Không quân Mỹ đã “hành xử một cách không cẩn thận” trên bầu trời Việt Nam, không coi số MiG-17 ít ỏi là mối đe doạ thực sự.
Ví dụ, các máy bay F-4 Phantom khi làm nhiệm vụ yểm trợ đã mang bom. Còn các phi công Việt Nam thì cố gắng giữ MiG-17 ở độ cao thấp, ở đó các máy bay nhỏ sơn mầu nguỵ trang khó bị nhận thấy bằng mắt thường và thực tế là vô hình đối với radar trên máy bay của người Mỹ. Bất ngờ tấn công các máy bay tiêm kích– ném bom, các phi công Việt Nam buộc chúng phải vứt bỏ bom và, chiếm lấy cự ly gần, bắn các máy bay Mỹ bằng pháo. Các máy bay hộ tống bay ở hành lang với độ cao lớn hơn thường là không kịp tham chiến với máy bay MiG.
Điều này đã buộc quân Mỹ phải thay đổi chiến thuật và giảm các tốp máy bay yểm trợ xuống độ cao thấp (khi bay cùng hoặc thấp hơn các máy bay tiêm kích Việt Nam, F-4 Phantom có thể “nhìn” thấy MiG bằng radar của mình hoặc bằng mắt thường trên nền trời). Dùng tốc độ lớn hơn, F-4 tiến đến gần đối thủ và hạ bằng tên lửa, sau đó cũng nhanh chóng rút khỏi trận đánh. Nếu giao tranh chuyển thành “quần đảo” thì ưu thế thuộc về các phi công Việt Nam, họ bay đến sát đối thủ tới cự ly dưới 1.000m, khi đó chỉ với tên lửa F-4 thực chất không có gì để cứu mình.
|
Tiêm kích F-4 của Hải quân Mỹ.
|
Tuy nhiên, không lâu sau người Mỹ đã lại hoàn thiện chiến thuật: một số F-4 Phantom chấp nhận trận đánh gần, một biên đội để bị kéo vào quần đảo, còn biên đội khác nhanh chóng chiếm lĩnh độ cao và từ cự ly vài km tấn công các máy bay MiG bằng tên lửa Sparrow. Bị mất 6 máy bay trong tình huống trên, các phi công Việt Nam chuyển sang chiến thuật đã được kiểm nghiệm trước đó là đánh đòn bất ngờ từ vị trí “phục kích” và nhanh chóng rút khỏi trận đánh.
Cuối năm 1966, theo tư vấn của các chuyên gia quân sự Liên Xô, Không quân Nhân dân Việt Nam đã đưa tuyến đánh chặn ra sát biên giới của đất nước, nơi các máy bay Mỹ bay theo đội hình chiến đấu dày đặc, gây khó khăn cho tác chiến cơ động. Một điểm mới nữa là phục kích trên mặt đất được đưa ra với sự tham gia của người Trung Quốc: MiG-17 cất cánh từ sân bay dự bị gần nơi chiến đấu và nhanh chóng tấn công đối phương đang bay trong đội hình dày đặc, sau đó nhanh chóng hạ độ cao và mang màu sơn nguỵ trang giống địa hình, MiG trở về sân bay căn cứ.