Cuối những năm 1970, Liên Xô đã thông qua kế hoạch đóng siêu tàu sân bay năng lượng hạt nhân để cạnh trang với Mỹ. Tàu sân bay Project 1143.7 Ulyanovsk đã được phê duyệt vào cuối năm 1970 được kỳ vọng sẽ loại bỏ sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực tàu sân bay năng lượng hạt nhân.
Để phục vụ cho dự án siêu tàu sân bay đầy tham vọng này, một loạt các chương trình phát triển và cải tiến máy bay chiến đấu trên hạm đã được lên kế hoạch. Đáng chú ý nhất trong các loại máy bay mới sẽ được trang bị cho tàu sân bay mới là máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Yak-44E AEW&C.
|
Yak-44 sử dụng động cơ lắp 2 cánh quạt quay ngược chiều nhau giúp tăng lực đẩy.
|
Yak-44E được phát triển bởi phòng thiết kế Yakolev, nó có thiết kế khí động học và tính năng tương tự như E-2C Hawkeye của Mỹ. Máy bay được trang bị 2 động cơ cánh quạt với 2 tầng cánh quạt quay ngược chiều nhau để tăng tối đa lực đẩy khi hoạt động.
Động cơ D-27 cung cấp lực đẩy tối đa 13.880 mã lực/chiếc, mức độ tiêu hao nhiên liệu khoảng 0,17kg/mã lực. D-27 có hệ thống kiểm soát nhiên liệu hiện đại cho phép hoạt động tiết kiệm nhiên liệu hơn. Động cơ D-27 đã được thử nghiệm thành công vào năm 1988.
Bản thiết kế sơ bộ của Yak-44E được hoàn thành vào năm 1991, cánh máy bay được thiết kế với khả năng gập lại để phù hợp với nhà chứa trên tàu sân bay. Gần đuôi máy bay được trang bị radar bố trí bên trong mái che có chiều dài 7,3 mét.
Theo bản thuyết minh thiết kế của Yak-44E, radar trang bị trên máy bay này có khả năng phát hiện mục tiêu có diện tích phản hồi radar CEP 3m2 ở cự ly 250km, phát hiện tên lửa hành trình chống hạm AGM-84 Harpoon ở cự ly 165km hoặc tên lửa hành trình AGM-86 ở phạm vi 220km.
Radar có khả năng kiểm soát đồng thời 150 mục tiêu, chiều cao khu vực phủ sóng từ 5-30.000 mét, tốc độ tối đa của mục tiêu 3.500km/h. Yak-44E được điều khiển bởi phi hành đoàn 5 người. Máy bay đạt tốc độ tối đa 740km/h, tốc độ hành trình 700km/h, phạm vi hoạt động 4.000km.
|
Yak-44 được thiết kế để phục vụ trên siêu tàu sân bay Project 1143.7 của Liên Xô.
|
Yak-44E được thiết kế để cất cánh từ tàu sân bay với sự hỗ trợ của máy phóng hơi nước nhưng nó cũng có khả năng cất cánh từ đường băng nhảy cầu trên tàu sân bay Kuznetsov. Yak-44E đã hoàn thành quá trình thử nghiệm trong hầm gió vào năm 1991.
Khi Yak-44E gần như đã sẵn sàng để tiến hành các thử nghiệm hoạt động tiếp theo trước khi đưa vào sản xuất thì Liên Xô sụp đổ. Dự án siêu tàu sân bay Project 1143.7 Ulyanovsk bị đình chỉ do thiếu kinh phí, siêu tàu sân bay mơ ước của Hải quân Liên Xô bị khai tử khi chỉ mới hoàn thành được 20% khối lượng công việc.
|
Đáng tiếc, Yak-44 đã chìm nghỉm cùng sự tan rã của Liên Xô, khi đó cả chiếc tàu sân bay mà nó được thiết kế để phục vụ cũng chết theo.
|
Cái chết của tàu sân bay Project 1143.7 Ulyanovsk đã khiến chương trình Yak-44E chìm nghỉm theo. Tàu sân bay Kuznetsov hoàn toàn không phù hợp để Yak-44E có thể hoạt động. Chương trình phát triển máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không đầy tham vọng của Hải quân Liên Xô đã bị chết yểu theo sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa lớn nhất thế giới.
Sự sụp đổ của siêu tàu sân bay Project 1143.7 Ulyanovsk và Yak-44E đã khiến Hải quân Nga ngày nay vừa thiếu vừa yếu trong lĩnh vực cảnh báo sớm và chỉ huy trên không. Siêu tàu sân bay cùng phi đội cảnh báo sớm trên không hải quân hùng hậu vẫn là giấc mơ dang dở của người Nga.