Theo Tạp chí Jane's Defence Weekly, Tổng công ty máy bay MiG của Nga vừa công bố một bản báo cáo về quá trình nâng cấp của mẫu máy bay chiến đấu đa năng MiG-29 của hãng này cho Quân đội chính phủ Syria.
Trước đó, trong một báo cáo của MiG vào năm 2011 thì công ty này đã nâng cấp 4 chiếc MiG-29 của Syria lên chuẩn MiG-29SM. Nhưng sau đó bản báo trên đã được gỡ xuống khỏi trang chủ MiG, một phần của hành động này là do yếu tố thông tin nhạy cảm mà nó mang lại. Hiện tại RAC MiG cũng đã mở một văn phòng đại diện tại một căn cứ không quân của Syria gần Damascus.
|
Một chiếc MiG-29 của quân đội chính phủ Syria.
|
Cho đến nay số lượng MiG-29 mà Quân đội Syria sở hữu vẫn chưa có thông tin chính xác, ước tính con số trên vào khoảng 22-84 chiếc, chủ yếu đặt tại các căn cứ Sayqal và Tiyas.
Tuy nhiên những chiếc MiG-29 của Syria lại sử dụng các khung thân cơ sở khác với khung thân của MiG-29SM. Theo đó, Syria hiện sử dụng biến thể MiG-29B, trong khi biến thể nâng cấp lên chuẩn MiG-29SM là mẫu MiG-29S-13.
Vì thế, MiG đã quyết định phát triển một phiên bản nâng cấp đặc biệt dành cho MiG-29 của Syria như đã từng làm với những chiếc MiG-29UPG của Ấn Độ. Mặc dù giá thành của quá trình nâng cấp trên không hề thấp.
Phiên bản nâng cấp MiG-29SM được trang bị nhiều tính năng hơn so với dòng MiG-29 ban đầu. Nó được nâng cấp hệ thống radar N019ME, buồng lái hiện đại hóa với màn hình hiển thị, tải trọng mang vác cũng tốt hơn và đặc biệt là mang được vũ khí đối đất có điều khiển.
Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Syria hiện nay, thì việc nâng cấp quan trọng nhất là khả năng mang thêm các loại tên lửa không đối đất như Kh-29T/TE, Kh-31A/P và bom dẫn đường KAB-500KR.
Hiện tại, các máy bay MiG-29 của Syria trong chiến dịch đối phó quân nổi dậy phải sử dụng pháo và rocket để tấn công. Phương án này có ưu điểm là giá thành thấp tuy nhiên việc hạ thấp độ cao khiến máy bay dễ bị hỏa lực phòng không tầm thấp đánh bại.
|
MiG-29 Syria mang được vũ khí đối đất có điều khiển sẽ đem lại khả năng tấn công hiệu quả hơn trước quân nổi dậy.
|
Việc nâng cấp cũng cho phép MiG-29SM mang theo các tên lửa không đối không tầm xa lắp đầu tự dẫn radar chủ động R-77. Điều này sẽ tạo ra một mối đe dọa thật sự với bất kỳ quốc gia nào muốn can thiệp vào tình hình Syria hiệ nay bằng một giải pháp quân sự.
Một thương vụ khác của MiG với Syria được ghi lại trong báo cáo của công ty này vào năm 2009, là việc sửa chữa một số lượng không xác định các máy bay MiG-23MLD mà Syria có trong trang bị. Syria được cho là đã mua khoảng 30 chiếc MiG-23MLD từ Belarus vào năm 2008 để lấy phụ tùng, và một số chiếc thì được đưa vào biên chế.
Hình ảnh một chiếc MiG-23MLD với biểu tượng Không quân Syria đã được chụp lại tại căn cứ vùng Krasnodar ở Nga trong vài năm gần đây, tuy nhiên chiếc máy bay trên không nằm trong lô MiG-23 mua từ Belarus mà là những chiếc MiG-23 được Liên Xô bán cho chính phủ Syria trước đây và sau đó được nâng cấp lên chuẩn MLD.
|
Một chiếc MiG-23ML của Không quân Syria.
|
MiG-23MLD được xem là biến thể cuối cùng của dòng tiêm kích đánh chặn MiG-23 (phân biệt với dòng cường kích MiG-23B) được tăng tính cơ động, thao diễn góc tấn cao, trang bị hệ thống điện tử mạnh hơn như radar Sapfir 23MLA-II, radar cảnh báo sớm, hệ thống mồi bẫy nhiệt và đặc biệt là khả năng mang tên lửa đối không tầm ngắn hiện đại R-73E.
MiG cũng giúp Syria nâng cấp một số hệ thống bảo dưỡng máy bay chiến đấu đã lạc hậu của nước. Thông thường các máy bay chiến đấu Liên Xô sẽ phải thay thế toàn bộ phụ tùng sau khi chúng vượt quá số giờ bay quy định. Hệ thống bảo dưỡng mới sẽ cho phép một số bộ phận tiếp tục được sử dụng nếu chúng được đánh giá là vẫn còn khả năng hoạt động khi bay, nhờ vậy mà Syria đã giảm bớt được một số lượng lớn phụ tùng thay thế cần thiết để duy trì hoạt động cho các phi đội máy bay chiến đấu già nua của mình.