Nga mất những gì để “dứt tình hẳn" với Ukraine?

Google News

(Kiến Thức) - Không chỉ mất về tài chính mà nền công nghiệp quốc phòng Nga chịu tổn hại không nhỏ, đặc biệt là việc duy trì tên lửa liên lục địa R-36.

Theo một bản báo cáo của cơ quan hàng không vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos), nước này sẽ thiệt hại gần 940 triệu USD để giảm thiểu tác động tiêu cực từ các thương vụ đổ vỡ với các công ty quốc phòng Ukraine.
Bản báo cáo trên được một nhóm làm việc đặc biệt của Roscosmos thực hiện, sau việc đình chỉ đơn phương hàng loạt các hợp đồng quốc phòng được ký kết giữa Roscosmos với các công ty Ukraine. Theo đó Nga sẽ phải chi ra 938 triệu USD trong giai đoạn từ năm 2014-2018, hiện tại Nga đã phải thanh khoản hơn 100 triệu USD trong số tiền trên.
Động thái trên được cho là nhằm giúp nền công nghiệp quốc phòng Nga thoát khỏi sự phụ thuộc và các công ty đối tác truyền thống lâu nay đến từ Ukraine, và tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp quốc phòng nội địa cũng như tự phát triển hệ thống dây chuyền sản xuất trong nước.
Việc ngưng hợp tác quốc phòng giữa Nga và Ukraine, để lại nhiều hệ lụy nhiều hơn là Nga dự tính nhưng xét cho cùng đây là bước đi cần thiết đối với nước Nga trong tương lai.
Vào giữa tháng 6 năm nay, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sắc lệnh cấm mọi hoạt động hợp tác quốc phòng giữa Ukraine và Nga, ngay sau đó Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã đáp trả lại bằng một kế hoạch cải tổ hệ thống cung cấp các sản phẩm quốc phòng phải nhập khẩu dành cho hoạt động của ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Tuy nhiên, lúc đó chính phủ Nga lại không công bố số tiền mà nước này bỏ ra cho sự thay đổi trên, cũng như kế hoạch cụ thể để có thể duy trì hoạt động của các nhà máy sản xuất vũ khí của Nga sau khi nguồn cung từ Ukraine bị gián đoạn.
Hậu quả của thời kỳ hậu Liên Xô
Theo các chuyên gia quốc phòng của Nga, nguyên nhân dẫn tới việc Nga phải phụ thuộc quá nhiều vào các công ty quốc phòng của Ukraine phần lớn là hậu quả do chính sách xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng các sản phẩm quốc phòng từ thời Liên Xô để lại.
Vào thời điểm Liên Xô còn vững mạnh, các hệ thống nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp của Liên Xô được chưa ra làm hai loại. Trong đó sẽ có một nhà máy chính sẽ thực hiện quá trình lắp ráp và sản xuất thành phẩm, trong khi đó một nhà máy khác sẽ đảm nhiệm vai trò cung cấp các bộ phận kết cấu cũng như linh kiện chính phục vụ cho quá trình sản xuất.
 Việc chịu quá nhiều phụ thuộc vào các công ty hàng không vũ trụ của Ukraine sẽ làm suy yếu năng lực của các công ty chuyên sản xuất tên lửa của Nga hiện nay.
Hệ thống trên sẽ giúp đảm bảo sự ổn định trong toàn bộ hệ thống các nhà máy công nghiệp khổng lồ của Liên Xô lúc đó, cũng như ngăn chặn tình trạng dư thừa trong quá trình sản xuất trong toàn bộ hệ thống.
Chính vì lý do đó sau khi Liên Xô sụp đổ  đã dẫn tới việc Nga mất đi một số lượng lớn cở sở hạ tầng kỹ thuật trong một số nghành công nghiệp quốc phòng cũng như dân sự. Hiện nay Nga phải đối mặt với tình trạng thiếu linh kiện sản xuất cho dây chuyền sản xuất tên lửa trong nước, mặt khác các công ty sản xuất nội địa của Nga lại không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện tại.
Còn một lý do nữa khiến Nga bị động trong khủng hoảng ở Ukraine là do chưa lường trước tình hình xấu đi nghiêm trọng ở một quốc gia vốn dĩ chịu tầm ảnh hưởng của mình, cũng như là nơi đặt hầu hết các nhà máy sản xuất linh kiện quan trọng cho ngành hàng không vũ trụ của nước này.
Làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của Nga?
Viện nghiên cứu an ninh quốc phòng Hoàng gia Anh chỉ ra rằng, Nga hiện nhập khẩu 4,4% các thiết bị quân sự từ Ukraine nhưng chiếm 30% trong số đó là các bộ phận và linh kiện quan trọng trong quá trình sản xuất bảo dưỡng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-36.
Theo đó việc mất đi khả năng bảo dưỡng và duy trì các tên lửa R-36 và Topol sẽ là mất mát lớn của Nga. Kiev và Moscow biết rõ điều này và cả hai bên điều có các bước đi cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.
 Tên lửa đạn đạo chiến lược SS-18 Satan sẽ ra sao khi không còn được bảo dưỡng thường xuyên ở Ukraine ?
Tuy các tên lửa ICBM được thiết kế và sản xuất bởi các nhà máy sản xuất tại Nga, nhưng hệ thống dẫn đường lại được chế tạo tại các ở nhà máy ở Kharkov, cách thủ đô Kiev 470km. Hơn nữa các tên lửa này lại được thường xuyên bảo dưỡng tại tại Nhà máy Yuzhmash ở Dnepropetrovsk, Ukraine.
Đây cũng chính là điểm mấu chốt trong mối quan hệ bấy lâu nay giữa Nga và Ukraine, khi các nhà máy của Ukraine đảm nhiệm vai trò đảm bảo kỹ thuật cho các tên lửa của Nga sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh cho tới nay. Và phía Nga hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống các nhà công nghiệp hàng không vũ trụ của Ukraine trong quá trình bảo dưỡng duy trì các tên lửa của mình, nhưng giờ đây mọi chuyện đã thay đổi khi Roscosmos phải đảm nhiệm và thực hiện lại công việc trên từ đầu.
Nhưng đó không phải là tin quá xấu với lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Quân đội Nga, khi mà từ lâu nước này đã lên kế hoạch phát triển một mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa mới sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu lỏng, thay thế cho tên lửa R-36 đã lỗi thời.
Ngay từ khi lên kế hoạch phát triển hệ thống tên lửa mới, Nga đã từng có ý định hợp tác với Ukraine để chế tạo mẫu tên lửa này cũng như tham gia vào dây chuyền sản xuất. Sau khi xảy ra đảo chính ở Ukraine kế hoạch trên đã bị bãi bỏ và việc phát triển cũng như sản xuất mẫu tên lửa ICBM mới sẽ do các công ty Nga đảm nhiệm hoàn toàn.
Chương trình phát triển ngành công nghiệp quốc phòng được xem như là một trong chiến lược hiện đại hóa quân đội và hạn chế nhập khẩu vũ khí của chính phủ Nga trong suốt thời gian qua. Vào tháng 4 năm nay - Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố rằng, nước Nga sẽ có đủ khả năng cũng như công nghệ lẫn tài chính để có thể không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào trong lĩnh vực quốc phòng, và kế hoạch trên phải mất tới 2 năm rưỡi để thực hiện.
Trà Khánh

Bình luận(1)

Minh Hiền

phạm minh thi

Với những di sản còn lại của nước nga, nếu như tách rời khỏi nền công nghiệp quốc phòng của Nga, nhưng được hỗ trợ công nghệ cao của phương tây trong lĩnh vực sản xuất vũ khí quốc phòng, thì rõ ràng đây cũng là ác mộng của nước nga. Bởi vì đơn giản là công nghiệp tin học cả phần mềm và phần cứng của Nga đều lạc hậu từ 10-15 năm, so với phương tây, và các loại vũ khí đó về phần cứng được hỗ trợ của phương tây như động cơ máy bay, các loại kính ngắm quang điện, thiết bị nhìn đêm trên xe tăng, máy bay..vv.. đơn cử nếu xe tăng T80U được trang bị động cơ và công nghệ sản xuất lớp giáp, máy ngắm cuả Đức thì hoàn toàn có thể đánh bại xe tăng T-90 mới nhất của Nga, trong thị trường các nước ở thế giới đang phát triển.