Nga “bọc giáp” cho tàu ngầm để phá băng Bắc Cực

Google News

(Kiến Thức) - Nga đang nghiên cứu để gia cường thân tàu ngầm hạt nhân giúp nó vượt qua lớp băng dày ở Bắc Cực mà không bị hư hại thân tàu.

Izvestia dẫn nguồn tin Bộ Công thương Nga cho biết, nhờ có các phần tử mới của kết cấu và gia cường thân tàu, dự kiến đến năm 2015 sẽ mở rộng khả năng của tàu ngầm - khi nổi lên tàu ngầm có thể vượt qua lớp băng Bắc Cực dày mà thân tàu không bị hư hại.
Phòng thiết kế trang thiết bị biển trung tâm Rubin sẽ thực hiện đặt hàng của Bộ Công thương Nga. Văn bản đặt hàng nghiên cứu chỉ rõ, là việc nổi lên mặt nước nhanh có thể cần khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, hoặc để cứu đội tàu trong trường hợp tai nạn. Các phương tiện phá băng hiện có trên tàu ngầm không cho phép nổi lên mặt nước đủ nhanh mà không làm hư hại thân tàu.
 Ảnh minh họa.
“Các phương tiện phân tích tình hình lớp băng, nổi lên mặt nước và kết cấu để phá lớp băng phủ trên mặt nước hiện có không đảm bảo khoảng thời gian có thể chấp nhận được và sự an toàn nổi lên mặt nước trong điều kiện trên mặt nước có lớp băng. Việc nhanh chóng tiếp xúc với lớp băng và chắc chắn phá hủy được nó một cách an toàn cho thân tàu cần để đảm bảo việc sử dụng các phương tiện chiến đấu, giành lấy các mục đích chiến thuật, đảm bảo thông tin liên lạc, tiếp xúc được với không khí của khí quyển và, như vậy, cứu đội tàu”, văn kiện ghi rõ.
Nguyên chỉ huy tàu ngầm hạt nhân Ekaterinburg, chủ tịch câu lạc bộ thủy thủ tàu ngầm St. Peterburg Igor Kurdin giải thích, để tàu ngầm nổi lên mặt nước phủ băng có hai cách: “tàu nổi lên mà không chạy hoặc, như trường hợp khẩn cấp tàu chạy và dùng thân phá lớp băng phủ”.
“Nổi lên khi đang chạy có nguy cơ cao bị hư hại thân tàu, các bộ phận nhô ra ngoài, tổ hợp thủy âm và các máy phóng ngư lôi. Cho đến nay chưa biết được trường hợp nào phá băng nổi lên khi đang chạy. Còn nổi lên khi không chạy là hoạt động thông thường được sử dụng khá thường xuyên”, ông này nói.
Chuyên gia này giải thích, là trước khi nổi lên trong chế độ thông thường tàu “treo” trong nước, sau đó bắt đầu nổi lên rất chậm - tốc độ vài cm/phút. Để có thể nổi lên khi đang chạy an toàn, phải gia cố tháp và phần mũi tàu - các bộ phận này của thân tàu chịu tải xung va đập lúc nổi lên khi đang chạy.
 Những chú gấu trắng Bắc Cực tò mò tới gần tàu ngầm Nga.
Igor Kurdin nói thêm: “Tàu ngầm sẽ chạm vào băng tại hai chỗ: lan can tháp và mũi tàu. Lúc đó đuôi tàu chúc xuống dưới. Đuôi tàu có bánh lái và chân vịt chính, nhiệm vụ của thuyền trưởng là không được làm hư hại chúng, không để chúng bị gãy vì va phải băng. Sau khi áp sát được vào băng phủ trên mặt biển, không khí nén được thổi vào các thùng của bộ phận tạo độ chìm (để đẩy nước ra, tạo sức nâng cho tàu nổi lên), và tàu nổi lên, phá vỡ lớp băng”.
Sau khi phá thành công lớp băng trên mặt và nổi lên mặt nước, phải làm sạch các tảng băng trên mặt boong– dự án của bộ Công thương cũng đề cập đến việc giải quyết vấn đề này. Igor Kurdin cho biết, thường những chỗ quan trọng nhất trên thân tàu đối với tàu ngầm chiến lược bị phủ băng - các hầm phóng tên lửa.
Kurdin giải thích: “Nổi lên từ dưới mặt băng là chỉ để làm một việc - đánh đòn tên lửa hạt nhân trong trạng thái nổi trên mặt nước. Việc này chỉ tiến hành ở vùng Bắc Cực. Sau khi tàu nổi lên, những người lên boong đều thấy toàn bộ mặt boong bị phủ các tảng băng. Đặc biệt ở những chỗ nắp hầm phóng tên lửa. Có thể dùng những nắp này phá băng đi, ở đó có hệ thống thủy lực khá khỏe”.
 Ở những nơi như Bắc Cực thì tàu ngầm Nga cần nổi lên mới phóng được tên lửa.
Theo ông này, các tàu ngầm hiện đại của Nga trung bình có thể phá lớp băng dày 0,6m khi nổi lên không chạy và 0,8m khi nổi lên đang chạy. Chương trình điều khiển tàu ngầm được xây dựng trong khuôn khổ dự án này sẽ đảm bảo việc tìm ra khu có lớp băng mỏng hơn cả.
“Băng không đứng yên một chỗ, nó di chuyển liên tục. Vì vậy tàu ngầm lặn phía dưới lớp băng luôn luôn tìm kiếm các lỗ nước trên băng để khi cần thì vận động đến đó. Để làm việc này tàu ngầm sử dụng các phương tiện quan sát của mình, các phương tiện trinh sát đường không và vũ trụ”, ông này nói.
Theo ông này, thiết bị để xác định độ dày lớp băng là máy dò tiếng vọng được hướng lên phía trên. Biết độ sâu nước nơi tàu đang có mặt, có thể có được thông tin về độ dày lớp băng phủ trên mặt nước khi dùng số liệu của máy được gọi là dò băng tiếng vọng.
Một nhiệm vụ độc lập khác là chế tạo khoang cứu nạn cho đội tàu, khoang này cũng phải phá được lớp băng - để tiếp xúc với không khí và liên lạc với những người cứu hộ cứu nạn. Sau khi khoang nổi lên đến phần băng chìm dự kiến dùng thiết bị nung nóng băng bằng nhiệt độ cao. Khoang cứu hộ cứu nạn sẽ được trang bị liên lạc vô tuyến điện, dụng cụ dẫn đường và phao báo hiệu.
Để bổ sung đảm bảo an toàn cho tàu ngầm Bắc Cực phá vỡ lớp băng, Bộ Công thương Nga dự kiến xây dựng trung tâm trên bờ. Trung tâm này sẽ phân tích tình hình băng ở các vùng biển có tàu ngầm hoạt động.
Bộ Công thương Nga dự định làm chủ công nghệ trước tháng 4/2015, và các sản phẩm đầu tiên có thể xuất hiện trên tàu ngầm ở Bắc Cực trong năm 2016. Có kế hoạch chi 285 triệu Rub để thực hiện dự án này.
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)