Tạp chí Khán Hòa dẫn nguồn tin Cục thiết kế Rubin (Nga), biến thể xuất khẩu tàu ngầm phi hạt nhân lớp Lada bán cho Hải quân Trung Quốc sẽ trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực và hệ thống động lực do Trung Quốc chế tạo.
Theo nguồn tin, 4 tàu ngầm phi hạt nhân Lada sẽ có những điều chỉnh đặc biệt cho Trung Quốc. Dựa trên yêu cầu của Hải quân Trung Quốc, hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP) dùng tế bào nhiên liệu oxy-hydro cho phép các tàu ngầm hoạt động dưới nước lên đến hơn 15 ngày sẽ được gỡ bỏ.
Lý giải cho điều này, nguồn tin cho biết các tàu ngầm lớp Lada không được Hải quân Trung Quốc sử dụng cho nhiệm vụ chiến đấu, vì thế động cơ đẩy AIP là không cần thiết.
“Thay vào đó, Hải quân Trung Quốc sẽ thay hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập tàu ngầm bằng động cơ Stirling của Trung Quốc. Các tàu ngầm phi hạt nhân Type 041 và Type 032 hiện đã được trang bị động cơ Stirling”, nguồn tin nói.
Ngoài ra, 4 tàu ngầm Lada sẽ dùng hệ thống điện tử tối tân và hệ thống điều khiển hỏa lực do Trung Quốc phát triển cho phép phóng tên lửa đối không và tên lửa chống tàu “made in China”.
|
Tàu ngầm Lada.
|
Tuy nhiên, những thông tin này có vẻ hơi vô lý, hệ thống điện tử, hệ thống động cơ và kể cả vũ khí tạo nên sức mạnh của tàu ngầm Lada. Việc Nga đồng ý lược bỏ toàn bộ sẽ mất khoản tiền khá lớn đối với toàn bộ hợp đồng. Chẳng lẽ người Nga chịu bán “vỏ không” cho Trung Quốc?
Hơn nữa, việc đưa ra lý do Trung Quốc mua Lada về không phải để chiến đấu. Vậy phải chăng họ muốn mua về nhằm sao chép công nghệ đóng tàu, thiết kế. Nếu đúng là như vậy thì người Nga không dại gì chấp nhận bán Lada cho Trung Quốc, để rồi sẽ bị ăn cắp công nghệ như với trường hợp tiêm kích Su-27SK, tàu ngầm Kilo.
Bên cạnh đó, thông tin việc Nga chấp nhận bán 4 tàu ngầm Lada cho Trung Quốc hiện vẫn chưa được cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga xác nhận. Trước đó, trong tháng 3 báo chí Trung Quốc đã đưa tin Nga đồng ý bán Lada nhưng ngay lập tức bị cơ quan quân sự Nga bác bỏ. Kể từ đó tới nay, thương vụ này vẫn chưa có thông tin gì mới.