Việc sử dụng tên lửa trên mặt đất để chống lại các máy bay, bảo vệ vùng trời là một lĩnh vực xuất hiện cách đây chưa đẩy một thế kỷ. Tên lửa đầu tiên được nghiên cứu và phát triển bởi người Đức trong chiến tranh thế giới thứ 2. Sau khi kết thúc chiến tranh, các cường quốc trên thế giới đã nhanh chóng bước vào cuộc đua để phát triển chúng.
|
Hệ thống tên lửa phòng không đầu tiên của Liên Xô - S-25 Berkut.
|
Trang Nationalinterest đã xếp hạng 5 loại tên lửa phòng không nguy hiểm nhất thế giới dựa trên hai tiêu chí số lượng máy bay bị bắn hạ thực tế và hiệu quả ước tính của tên lửa. Nhờ những tiến bộ trong công nghệ điện tử, tên lửa ngày càng trở nên hiệu quả hơn để chống lại các mối đe dọa từ trên không. Vì vậy có thể dễ dàng cập nhật danh sách (trên lý thuyết) những hệ thống tốt nhất và mới nhất. Tuy nhiên một số tên lửa cũ hơn đã được chứng minh có hiệu quả tác chiến cao trong quá khứ.
S-75 Dvina (NATO định danh SA-2 Guideline)
Đứng đầu trong danh sách các loại tên lửa phòng không nguy hiểm nhất không phải là hệ thống hiện đại nhất mà là hệ thống tồn tại lâu nhất. Được thiết kế và chế tạo vào năm 1953, S-75 Dvina là hệ thống tên lửa đất đối không đã hoạt động liên tục trên toàn thế giới trong suốt hơn 50 năm qua.
|
S-75 Dvina vẫn là trụ cột của lực lượng phòng không Việt Nam ngày nay.
|
Hệ thống tên lửa đất đối không S-75 ban đầu được Liên Xô thiết kế để chống lại các máy bay ném bom tốc độ lớn và bay cao của Mỹ. Trong suốt nhiều năm, S-75 được xem là trụ cột của hệ thống phòng không tầm cao Liên Xô cho tới khi nó bị thay thế hẳn bởi các hệ thống S-300 hiện đại hơn.
Một hệ thống S-75 được kết cấu gồm nhiều thành phần: 6 bệ phóng (lắp 6 quả đạn); một đài radar điều khiển hỏa lực SNR-75 Fan Song; một đài cảnh báo sớm P-12 và các thành phần hỗ trợ chiến đấu khác. Hệ thống được trang bị loại đạn 2 tầng, nhiên liệu lỏng, dẫn hướng bằng vô tuyến, tầm bắn khoảng 45km, trần bay 25km.
S-75 đã được xuất khẩu rộng rãi và tham gia vào rất nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới gồm: chiến tranh 6 ngày, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Yom Kippur, chiến tranh Iran-Iraq, chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, cuộc nội chiến Nam Tư và cuộc chiến tranh ở Abkhazia.
S-75 lập chiến công đầu tiên khi bắn hạ một máy bay trinh sát RB-57B của Đài Loan vào năm 1959 (khi nó hoạt động ở Trung Quốc). S-75 là xương sống của lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ.
|
Rồng lửa Thăng Long SAM-2 "bắn đứt đuôi" thần sấm F-105 của giặc Mỹ trên bầu trời miền Bắc.
|
Các báo cáo cho biết khoảng 5.800 quả đạn tên lửa của hệ thống S-75 đã được Quân đội Nhân dân Việt Nam phóng đi bắn rơi 205 máy bay Mỹ các loại. Giai đoạn năm 1965, S-75 có tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu là 15 tên lửa/mục tiêu. Đến giai đoạn 1972, do những tiến bộ trong công nghệ gây nhiễu của Mỹ, tỷ lệ tiêu diệt của S-75 giảm xuống còn 50 tên lửa/mục tiêu.
S-75 vẫn còn phục vụ trong lực lượng phòng không hơn 20 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nó vẫn liên tục được hiện đại hóa để kéo dài thời gian sử dụng. Chiến công mới nhất của S-75 được ghi nhận vào năm 1993 khi nó bắn hạ một chiếc Su-27 của Nga trong chiến tranh Abkhazia.
Hơn 50 năm hoạt động chiến đấu trên chiến trường, mặc dù có thể hiệu quả tác chiến với chiến tranh hiện đại không quá cao nhưng đó vẫn là một kỳ tích trong thế giới "rồng lửa".
9K32 Strela (NATO định danh SA-7 Grail)
Hệ thống phòng không vác vai 9K32 Strela hay được gọi nhiều với định danh NATO là SA-7 được ví von là "AK-47 trên không" do phòng thiết kế KBM nghiên cứu phát triển từ giữa những năm 1960 cho lực lượng vũ trang Liên Xô và các nước anh em xã hội chủ nghĩa.
Toàn bộ hệ thống kết cấu gọn nhẹ với tổng trọng lượng khi bắn khoảng 15kg (gồm cả đạn tên lửa), dài 1,44m, tầm bắn 3,7km (hoặc 4,2km với biến thể cải tiến), độ cao hạ mục tiêu 50m tới 1,5km hoặc 2,3km (biến thể cải tiến), dùng đầu tự dẫn hồng ngoại.
Nó được sử dụng một cách rất rộng rãi từ bộ binh cơ giới, hải quân, lực lượng hỗ trợ trên không. Một chiếc máy bay NATO bay trên một tiểu đoàn quân đội Liên Xô sẽ vượt qua một con đường với biết bao nhiêu là SA-7 bên dưới.
|
Bộ đội Việt Nam phóng SA-7 trong diễn tập.
|
Trong giai đoạn 1969-1970, quân đội Ai Cập đã tiêu diệt được 36 mục tiêu với 99 lần phóng SA-7. Nó đánh chặn mục tiêu đầu tiên là một chiếc A-4 Skyhawk của Israel. Tuy nhiên, SA-7 gặp phải nhược điểm lớn là đầu dò hồng ngoại của nó rất dễ bị đánh lừa bởi mồi bẫy pháo sáng.
Ngoài các đơn vị quân đội, SA-7 còn được sử dụng bởi các nhóm khủng bố, quân nổi dậy trên toàn thế giới từ Syria đến Bắc Ireland và Tây Ban Nha. Các nhóm nổi dậy ở Syria được cho là đánh cắp từ quân đội nước này. Ít nhất một trực thăng của Israel đã bị bắn hạ bởi SA-7 trên dải Gaza vào năm 2012.
Trong chiến tranh Rhodesian Bush (châu Phi), 2 máy bay của Air Rhodesia đã bị bắn hạ bởi quân nổi dậy có trang bị SA-7.